Biển cấm có cũng như không: Nhiều quy định pháp luật chỉ tồn tại trên giấy
Muốn các quy định pháp luật đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải có giải pháp hợp lý, chế tài cụ thể, cơ chế thực hiện rõ ràng, xử phạt nghiêm minh
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các cơ quan thẩm quyền tăng cường kiểm tra, xử phạt đối với các hành vi vứt, thải bỏ khẩu trang không đúng nơi quy định. Theo đó, hành vi này có thể bị phạt lên đến 7 triệu đồng.
Không thấy ai bị xử phạt
Chạy dọc các tuyến đường ở TP HCM như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Nam Kỳ Khởi Nghĩa..., trước các quán ăn, công viên, cổng bệnh viện... không khó bắt gặp những chiếc khẩu trang đã qua sử dụng nằm rải rác khắp nơi.
Khi được hỏi, một người phụ nữ vừa vứt chiếc khẩu trang trên đường Tô Hiến Thành (quận 10) thản nhiên: "Không vứt ở đây chẳng lẽ mang về nhà. Mà vứt có 1 cái khẩu trang, làm gì bị phạt!". Chứng kiến sự việc, ông Hòa (40 tuổi, tài xế xe ôm công nghệ) bày tỏ: "Đúng là muốn phạt cũng không dễ! Nếu không có lực lượng túc trực thường xuyên thì khó mà phát hiện những hành vi tương tự. Nếu chỉ vứt 1, 2 cái khẩu trang thì ai phạt, phạt bao nhiêu? Có ai bị xử lý đâu mà biết!?".
Trên cầu Tham Lương (phường Đông Hưng Thuận, quận 12) có camera giám sát cả ngày lẫn đêm nhưng người đi đường vẫn rất khó chịu bởi những bao rác hôi thối được đặt trên cầu ngày này qua ngày khác. Một người dân sống gần đó bày tỏ bức xúc khi chúng tôi ghi hình: "Có camera làm gì mà người dân xả rác không thể bắt quả tang? Còn cán bộ phường, khu vực ở đâu để người dân ngang nhiên xả rác như vậy?".
Tương tự, có không ít quy định từ khi ra đời cho đến nay dường như vẫn còn xa lạ với đời sống. Theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, người hút thuốc lá ở nơi công cộng, người vứt mẩu thuốc lá bừa bãi sẽ bị xử phạt 300.000 đồng; sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá là hành vi bị nghiêm cấm. Thực tế, từ công viên, cổng bệnh viện, trường học…, nhiều người vẫn thản nhiên phì phèo thuốc lá, thậm chí là trẻ em dưới 18 tuổi nhưng không ai bị xử lý.
Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định hành vi sản xuất, kinh doanh khí NO2 (nằm trong danh mục hóa chất hạn chế sản xuất, kinh doanh) không có giấy phép kinh doanh theo quy định có thể bị phạt tiền từ 12-20 triệu đồng. Thế nhưng, nếu lực lượng chức năng không vào cuộc, làm sao có thể phân biệt được những điểm nào được bán bóng cười (khí NO2), điểm nào không? Vi phạm vì thế là điều đương nhiên.
Thiếu thiết chế xử lý
Có thể kể thêm Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định chủ nuôi chó khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt. Trường hợp chó cắn, cào người khác thì người chủ phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định tại Nghị định 90/2017/NĐ-CP với mức phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng nhưng thực tế, nhiều người vẫn không thực hiện và cũng không bị chế tài.
Nghị định 155/2016/NĐ-CP quy định rõ mức phạt từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi tiểu tiện, đại tiện không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ, nơi công cộng. Ngoài việc bị phạt tiền, các cá nhân vi phạm buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường... Các cá nhân vi phạm còn bị nêu tên công khai thông tin về vi phạm trên trang thông tin điện tử hoặc trên báo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND cấp tỉnh nơi xảy ra vi phạm. Chủ tịch UBND, trưởng công an cấp xã đều có thẩm quyền xử phạt. Thực tế trước cổng các bệnh viện như 30 Tháng 4 (quận 5), Chợ Rẫy (quận 5), Từ Dũ (quận 1), Nhân dân 115 (quận 10)…, nhiều người vẫn ung dung chọn bờ tường, chân trạm biến áp để tiểu tiện mà không hề hấn gì.
Theo ThS - luật sư Đổng Mây Hồng Trúng (Đoàn Luật sư TP HCM), nhiều quy định chỉ nằm trên giấy, người dân không thực hiện là do quy trình xây dựng và ban hành pháp luật hiện nay phụ thuộc nhiều vào ý chí chủ quan của cơ quan soạn thảo và ban hành. Nhiều quy định được ban hành nhưng lại không có cơ chế thực hiện. "Quy định cấm người dân không vứt, thải khẩu trang dù đã được xây dựng trên tình hình thực tế nhưng mang tính vận động, tuyên truyền là chính. Cũng giống như các quy định cấm tiểu tiện bừa bãi, cấm xả rác, cấm hút thuốc nơi công cộng... ban hành nhưng không ai xử phạt nên không có hiệu quả, tinh thần thượng tôn pháp luật ngày càng kém, người dân trở nên lờn luật, vi phạm nhiều hơn" - LS Trúng bày tỏ quan điểm.
Cũng theo LS Đổng Mây Hồng Trúng, muốn các quy định hiệu quả, đi vào cuộc sống, đòi hỏi phải có những giải pháp hợp lý, chế tài cụ thể, cơ chế thực hiện rõ ràng. Đặc biệt, nên xử phạt nghiêm minh. Lực lượng thực hiện là đội thực thi xã, phường ủy quyền cho tổ dân phố lập biên bản, sau đó chủ tịch phường xã có thể xử phạt. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân.
Phải xử nghiêm để răn đe
Lệnh cấm đốt pháo được ban hành và chấp hành nghiêm chỉnh một thời gian dài. Thế nhưng gần đây, nhiều địa phương xảy ra tình trạng người dân đốt pháo trong các dịp lễ, Tết. Mới đây nhất, một gia đình ở huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội) tổ chức đám cưới đã đốt pháo dài hàng chục mét ngay bên quốc lộ.
Pháo đã bị cấm, vì sao vẫn có pháo để mua đốt? Chính quyền và công an địa phương đã quản lý địa bàn ra sao để việc đốt pháo giữa thanh thiên bạch nhật mà không hay biết, không kịp thời ngăn chặn, xử lý cho đến khi đoạn clip được tung lên mạng, Công an huyện Sóc Sơn mới "giật mình" vào cuộc xử lý? Vì sao biết pháp luật đã cấm, vẫn cố tình vi phạm? Có phải chăng vì trước đây xảy ra những vụ đốt pháo nhỏ lẻ nhưng không ai bị xử lý khiến người dân coi thường kỷ cương phép nước?
Qua vụ việc này, cần phải xử lý người đốt pháo bằng hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự; xử lý kỷ luật với người có trách nhiệm quản lý địa bàn. Có như vậy mới răn đe, phòng ngừa những hành vi tương tự.