Biến đổi khí hậu gây ra mối đe dọa kỷ lục đối với sức khỏe con người
Các hiện tượng thời tiết cực đoan, dịch bệnh lây truyền và ô nhiễm không khí đều gia tăng, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Các chuyên gia kêu gọi cần nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và ngăn chặn những thảm họa sắp tới.
Theo một nghiên cứu mới đây, biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của con người trên toàn cầu. Các chuyên gia cảnh báo rằng 10 trong số 15 chỉ số theo dõi các mối nguy hại đối với sức khỏe đã đạt mức kỷ lục.
Tiến sĩ Marina Romanello, Giám đốc điều hành của Lancet Countdown tại University College London, cho biết: "Một lần nữa, năm ngoái đã phá vỡ kỷ lục về biến đổi khí hậu – với những đợt nắng nóng khắc nghiệt, các sự kiện thời tiết gây chết người và cháy rừng tàn khốc ảnh hưởng đến con người trên khắp thế giới".
Báo cáo đánh giá thường niên trên tạp chí The Lancet chỉ ra rằng: Bão cát và bụi ngày càng xảy ra thường xuyên hơn, làm tăng 31% số người tiếp xúc với nồng độ hạt bụi cao nguy hiểm. Các kiểu mưa thay đổi và nhiệt độ tăng cao tạo điều kiện cho các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, sốt rét phát triển, nâng nguy cơ lây nhiễm lên 46% với muỗi Aedes albopictus và 11% với muỗi Aedes aegypti.
Cùng với đó, hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn, hạn hán kéo dài đang trở thành phổ biến hơn, làm tăng 61% nguy cơ gặp phải các sự kiện đe dọa tính mạng.
Báo cáo nêu rõ: "Thời tiết khắc nghiệt và tác động đến sức khỏe liên quan đến biến đổi khí hậu cũng đang ảnh hưởng đến năng suất lao động, trong đó việc tiếp xúc với nhiệt độ cao có thể gây ra tổn thất kỷ lục lên tới 512 tỷ giờ lao động tiềm năng vào năm 2023, tương đương 835 tỷ USD về tổn thất thu nhập tiềm năng".
Báo cáo lưu ý năm ngoái là năm nóng nhất được ghi nhận, với tình trạng hạn hán kéo dài, nắng nóng chết người, cháy rừng tàn khốc, bão và lũ lụt, cùng những tác động thảm khốc đến sức khỏe, tính mạng và sinh kế của người dân trên toàn thế giới.
Số ca tử vong do nhiệt độ cao ở những người trên 65 tuổi tăng kỷ lục 167% so với số ca tử vong trong những năm 1990, cao hơn đáng kể so với mức tăng 65% dự kiến nếu nhiệt độ không thay đổi.
Các tác giả của nghiên cứu kêu gọi chuyển hướng đầu tư từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, hiệu quả năng lượng để bảo vệ sức khỏe và sinh kế của con người.
Tiến sĩ Romanello nhấn mạnh: "Chúng tôi thấy các nguồn tài chính tiếp tục được đầu tư vào chính những thứ làm suy yếu sức khỏe của chúng ta. Việc chuyển hướng sử dụng hàng nghìn tỷ USD cho công nghiệp nhiên liệu hóa thạch hoặc trợ cấp cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch hàng năm sẽ mang lại cơ hội để thực hiện quá trình chuyển đổi công bằng, bình đẳng sang năng lượng sạch và hiệu quả năng lượng, cũng như một tương lai lành mạnh hơn, cuối cùng mang lại lợi ích cho nền kinh tế toàn cầu”.