Biến đổi khí hậu - yếu tố thúc đẩy chủ nghĩa cực đoan?

Biến đổi khí hậu đã gây ra những thiên tai khắc nghiệt trên khắp hành tinh, như hạn hán kéo dài, lũ quét và hỏa hoạn. Nhiều khu vực Châu Phi và Trung Đông đang trải qua những vụ mùa thất bát, bão lớn và hạn hán tồi tệ nhất trong 900 năm qua. Các chuyên gia cho rằng, người dân ở đây đang vật lộn với cuộc sống, và dễ bị ảnh hưởng bởi những phiến quân cực đoan, những kẻ cung cấp cho họ công việc và thực phẩm.

Cư dân của khu vực Đầm lầy Arab ở Iraq đang phải chịu đựng hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra. Ảnh: CNN

Cư dân của khu vực Đầm lầy Arab ở Iraq đang phải chịu đựng hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra. Ảnh: CNN

Hồ Chad biến mất, gia nhập Boko Haram

Trên khắp Sahel, khu vực bán khô cằn giữa sa mạc Sahara và Savannah Sudan ở Châu Phi, nhiệt độ tăng được dự báo cao hơn 1,5 lần so với mức trung bình toàn cầu. Khoảng 50 triệu người ở Sahel là những người du mục nên sinh kế phụ thuộc vào chăn nuôi. Nhưng hạn hán và lũ lụt do biến đổi khí hậu đang thu hẹp đất đai của họ, khiến hơn 29 triệu người đứng trước nguy cơ mất an toàn lương thực.

Tác động của biến đổi khí hậu đối với Sahel được thể hiện rõ qua sự thu hẹp của hồ Chad. Trải dài trên 7 quốc gia, trong đó có Nigeria, Niger và Cameroon, lưu vực hồ này là rất quan trọng đối với sinh kế của gần 30 triệu người. Nhưng kể từ những năm 1960, nguồn cung cấp nước cho hồ giảm hơn 90%, theo Chương trình Môi trường LHQ. Robert Muggah, người phân tích các thách thức về khí hậu và an ninh toàn cầu tại Viện Igarape, một nhóm chuyên gia tư vấn ở Brazil cho biết, các nguồn nước giảm dần là “điểm nóng cho bạo lực” khi cộng đồng phải đấu tranh trước tình trạng năng suất cây trồng giảm và mức độ nghèo đói tăng cao. “Những cú sốc và căng thẳng về khí hậu đang đẩy nhiều người vào tình trạng cực kỳ nghèo khổ. Tham gia vào một nhóm vũ trang đôi khi là lựa chọn duy nhất có sẵn”, ông Muggah cho biết.

Năm 2018, các quan chức Mỹ bày tỏ lo ngại các nhánh của IS và Al-Qaeda tại khu vực Sahel. Ông Muggah đồng ý với đánh giá này, tuyên bố, việc hồ Chad bị khô hạn đã thúc đẩy nỗ lực tuyển dụng của các nhóm cực đoan, trong đó có Boko Haram, nhóm phiến quân hoạt động ở Nigeria.

Khan hiếm nước - “mùa xuân” của các nhóm khủng bố

Trung Đông và Bắc Phi (MENA) là khu vực khan hiếm nước nhất thế giới. MENA là nhà của 6% dân số thế giới, nhưng chỉ nắm giữ 1% tài nguyên nước ngọt của thế giới. 17 quốc gia trong khu vực nằm dưới ngưỡng thiếu nước do LHQ đặt ra và một số chuyên gia cho rằng, hạn hán đóng góp một phần vào cuộc nội chiến ở Syria.

Theo một nghiên cứu từ năm 2015, hạn hán nghiêm trọng, có khả năng kết hợp với biến đổi khí hậu, đã kích hoạt việc di cư hàng loạt từ nông thôn đến thành thị ở Syria trong giai đoạn 2007-2010. Jamal Saghir, giáo sư tại Viện nghiên cứu phát triển quốc tế thuộc Đại học McGill cho biết, tình trạng khô hạn kéo dài đã dẫn đến cái chết của 85% gia súc ở miền đông Syria và mất mùa trên diện rộng. Theo ông Saghir, điều này đã đẩy 800.000 người vào tình trạng mất an ninh lương thực và khiến 1,5 triệu người phải di cư đến các thành phố đã quá đông dân, góp phần gây ra tình trạng bất ổn dân sự nổ ra vào năm 2011 cũng như cuộc nội chiến.

Một báo cáo năm 2017 do văn phòng nước ngoài của Đức cho biết, các tác động của “hạn hán do khí hậu” cũng liên quan đến ảnh hưởng ngày càng tăng của IS ở Trung Đông. Báo cáo cho rằng, sự khan hiếm nước gia tăng ở Syria “đóng vai trò quan trọng” trong việc hình thành IS và “IS đã cố gắng đạt được và duy trì tính hợp pháp bằng cách cung cấp nước và các dịch vụ khác để thu hút sự ủng hộ của người dân địa phương” trong thời gian hạn hán kéo dài.

Các nhà nghiên cứu khác cũng cho rằng, hạn hán đóng vai trò nhất định trong cuộc xung đột. Theo ông Saghir, trong năm 2009, những nỗ lực tuyển dụng của IS nhắm vào những người nông dân nghèo khổ ở Iraq, nơi sinh kế của họ bị tàn phá bởi những cơn gió khô hạn và dữ dội. “Các tổ chức khủng bố như IS tận dụng sự tàn phá của biến đổi khí hậu để thu hút các thành viên mới”, ông Saghir nói. “Những kẻ tuyển dụng của IS cung cấp tiền, thực phẩm và nhiều thứ khác cho người dân nông thôn ở Iraq để lôi kéo họ gia nhập hàng ngũ nhóm thánh chiến. Không có cách nào để nuôi sống bản thân thông qua các hoạt động nông nghiệp, nhiều nông dân đã chấp nhận sự hỗ trợ của IS, cả về tiền bạc lẫn tinh thần,” anh nói.

Các lựa chọn thay thế

Để ngăn chặn công dân rơi vào sự kìm kẹp của những kẻ cực đoan, các quốc gia phải đầu tư vào các chương trình thích ứng, điều này sẽ làm giảm “tính dễ bị tổn thương của thiên tai gây ra do khí hậu khắc nghiệt”, Nadim Farajalla, giám đốc chương trình biến đổi khí hậu và môi trường tại Đại học Mỹ Beirut, cho biết.

Theo ông Farajalla, có 2 cách để các quốc gia trở nên kiên cường hơn với khí hậu bao gồm đa dạng hóa cây trồng và đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo. Các nước dễ bị hạn hán nên tránh xa việc tưới tiêu cho cây trồng và tập trung vào các loại cây nông nghiệp chịu hạn, như đậu lăng và đậu xanh. Theo Rachel Kyte, CEO của tổ chức “Năng lượng bền vững cho tất cả” của LHQ, năng lượng mặt trời nên được khai thác trong cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan. Cung cấp cho các cộng đồng ở Châu Phi và Trung Đông năng lượng sạch, giá cả phải chăng có thể giúp họ đối phó với biến đổi khí hậu, nâng cao quyền của phụ nữ và đánh bại sự ủng hộ của những kẻ cực đoan, bà Kyte cho biết. “Với thủy lợi bằng năng lượng mặt trời, chúng ta có cơ hội tăng năng suất nông nghiệp ở các cộng đồng nông thôn, mang lại cho các gia đình thu nhập cao hơn và hy vọng kinh tế lớn hơn”, bà nói.

Ông Muggah đồng ý rằng, các can thiệp quy mô nhỏ như máy phát điện mặt trời có thể có “tác động biến đổi đối với các cộng đồng bị lãng quên”. “Bằng cách củng cố và trao quyền cho cư dân địa phương, ảnh hưởng của các nhóm cực đoan có thể bị suy yếu”, ông nói.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_203116_bien-doi-khi-hau-yeu-to-thuc-day-chu-nghia-cuc-d.aspx