Biến động lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn
Một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ đang đẩy lãi suất huy động kỳ hạn 9 tháng lên cao, tạo ra khoảng cách ngày càng xa so với những ngân hàng quy mô lớn. Điển hình như SHB áp dụng mức lãi suất lên tới 8,2%/năm cho kỳ hạn 9 tháng, trong khi Vietcombank áp dụng mức 5,5%/năm.
Theo các chuyên gia, mức lãi suất cho vay kỳ hạn 9 tháng được một số ngân hàng làm “thước đo” đầu ra của lãi suất cho vay ngắn hạn. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa các ngân hàng đã tạo ra sự phân hóa ngày càng rõ rệt khiến nhiều doanh nghiệp (DN) sẽ bị thiệt thòi khi phải chịu lãi vay cao.
Lãi suất lên đến 8,2%/năm
Từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động kỳ hạn dài tại các ngân hàng thực sự là cuộc cạnh tranh khốc liệt. Nguyên nhân là do các ngân hàng cần nguồn vốn cho khách hàng vay, đặc biệt nhu cầu gia tăng số dư huy động để đáp ứng lộ trình tiếp tục giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% hiện nay xuống 30%.
Do đó, với những kỳ hạn trên 12 tháng, một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất trên 8%. Tuy nhiên, mới đây, mức lãi suất này được SHB bắt đầu áp dụng cho kỳ hạn dưới 12 tháng.
Khảo sát của Thời báo Kinh Doanh tại 25 ngân hàng cho thấy lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng tại một số đơn vị khá cao. Nhiều ngân hàng đang áp dụng mức lãi suất dao động 7 – 8,2%/năm.
Chẳng hạn, Kienlongbank là 7%/ năm, SCB: 7,1%, VietBank: 7,1-7,2%, VPBank: 7,1 – 7,4%, DongABank: 7,2%, BacABank và NCB: 7,5%, VietcapitalBank: 7,8%…
Trong đó, lãi suất huy động 9 tháng của SHB đang cao nhất, lên đến 8,2%/năm, mức lãi suất cho kỳ hạn này đang được các ngân hàng TMCP khác áp dụng 5,8 – 6,8%/năm.
Các ngân hàng quốc doanh vẫn đứng cuối trong thang lãi suất. Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank vẫn giữ nguyên mức lãi suất khá thấp, chỉ 5,5%/năm.
Có thể thấy, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động ở các ngân hàng liên tục được điều chỉnh tăng nhằm hút tiền gửi của khách hàng.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), 4 tháng đầu năm nay, tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống tổ chức tín dụng sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chỉ trong tháng 5, lượng tiền gửi từ các tổ chức bất ngờ tăng vọt gần 140.000 tỷ đồng, đạt 3,42 triệu tỷ đồng.
Số liệu từ NHNN cũng cho thấy, số tiền người dân gửi vào hệ thống trong tháng 5 đạt hơn 4,67 triệu tỷ đồng, tăng 38.000 tỷ đồng so với tháng 4.
Lượng tiền gửi tăng cao được cho là do một số ngân hàng đã tăng lãi suất để hút tiền về. Ngoài ra, các ngân hàng cũng phải cân đối vốn để đảm bảo an toàn về vốn như giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn trong năm nay theo yêu cầu từ NHNN.
Thanh khoản có vấn đề?
Theo đánh giá của giới chuyên gia, gần hai năm trở lại đây, lãi suất huy động VND có xu hướng tăng lên.
Lãi suất huy động cao thể hiện thanh khoản của các ngân hàng nhỏ đang có vấn đề. Áp lực thanh khoản lên hệ thống ngân hàng thường tăng khi bước vào quý III hàng năm – thời điểm các DN đã ổn định các kế hoạch kinh doanh và bắt tay vào sản xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh để chuẩn bị cho mùa tiêu dùng cao điểm cuối năm.
“Những ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên cao chứng tỏ thanh khoản đang eo hẹp”, một chuyên gia nhận định.
Nhu cầu huy động vốn của các ngân hàng tăng cao còn thể hiện rõ hơn khi CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) gần đây đưa ra báo cáo đánh giá cho biết trong tuần cuối cùng tháng 6 (24-28/6), qua kênh tín phiếu, 34.999 tỷ đồng đã được NHNN bơm ròng vào thị trường.
Cụ thể, NHNN đã phát hành mới 32.999 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với mức lãi suất duy trì ở mức 3%), trong khi có 67.999 tỷ đồng đáo hạn trong tuần.
Trong khi đó, qua kênh OMO, NHNN phát hành mới 12.000 tỷ đồng và chỉ có 21 tỷ đồng của tuần trước đáo hạn.
Như vậy, tổng hợp hai kênh OMO và tín phiếu, NHNN bơm ròng 46.979 tỷ đồng trong tuần qua. Theo đó, tính đến thời điểm đầu tháng 7, đang có lượng tín phiếu lưu hành là 32.999 tỷ đồng, lượng OMO đang lưu hành tương ứng là 12.000 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc bơm ròng trở lại của NHNN với khối lượng khá lớn cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng thời điểm cuối tháng 6 có biến động mạnh theo chiều hướng khan hiếm vốn hơn.
Điều này cũng được củng cố khi lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng trong thời điểm cuối tháng 6 và tuần đầu tháng 7.
Nhìn biểu lãi suất có thể thấy sự phân hóa giữa các ngân hàng rất rõ rệt. Những ngân hàng nhỏ, thương hiệu, danh tiếng hạn chế, mạng lưới các phòng giao dịch ít sẽ gặp khó khăn trong huy động vốn trên thị trường 1 (thị trường thu hút tiền gửi của khách hàng cá nhân và các tổ chức).
Trong khi đó, thị trường liên ngân hàng là nơi các ngân hàng nhỏ có thể tìm đến để vay vốn, nhưng thời điểm cuối tháng 6, lãi suất liên ngân hàng cũng tăng mạnh. Do đó, các ngân hàng nhỏ vẫn phải tăng lãi suất để tăng cường huy động vốn trong dân. Điều này dễ dẫn đến cuộc chạy đua tăng lãi suất huy động giữa các ngân hàng và gây áp lực lên lãi suất cho vay.