'Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng': Một nền giáo dục hướng tới con người

Từ những trải nghiệm cá nhân, qua lăng kính như của một sử gia và nền tảng kiến thức của một nhà khoa học chính trị, Farees Zakaria mang tới cho người đọc cái nhìn toàn diện về mọi khía cạnh của giáo dục khai phóng đặc biêt là giáo dục khai phóng ở Mỹ, từ lịch sử đến những thay đổi trong cách nó được đón nhận, cùng với đó là những đề xuất để giáo dục khai phóng lấy lại vai trò và sức ảnh hưởng của nó trong thế giới hiện nay.

Baruch Lev, giáo sư của Đại học New York, từng nói: “Ở thời kỳ tươi đẹp thì trông ai cũng tốt nhưng bạn sẽ bị thị trường trừng phạt 1 cách cay đắng nếu như không phân biệt được đúng sai”. Và giáo dục khai phóng chính là nền tảng để mỗi người tự ý thức tốt-xấu, đúng-sai, chính-tà…

Giáo dục khai phóng cho thế kỷ XXI, theo định nghĩa của Hiệp hội các Đại học và College Mỹ, là “một lối học làm cho các cá nhân có năng lực mạnh mẽ, và chuẩn bị họ xử lý được tính phức tạp, đa dạng và thay đổi. Nó cung cấp cho sinh viên tri thức rộng của thế giới rộng hơn (chẳng hạn khoa học, văn hóa, và xã hội) cũng như sự nghiên cứu-chiều-sâu trong một lãnh vực đặc biệt của mối quan tâm.

Một nền giáo dục khai phóng giúp sinh viên phát triển ý thức trách nhiệm xã hội, cũng như các kỹ năng tri thức và thực hành mạnh và có thể chuyển giao được như sự truyền đạt, các kỹ năng phân tích và giải quyết-bài-toán, và một năng lực đã được chứng minh bằng cách áp dụng tri thức và kỹ năng trong những hoàn cảnh của thế giới thật.

Trong chuyến thăm đến một nhà máy của General Electric vào đầu năm 2014, cựu Tổng thống Obama đã phát biểu rằng: “Tôi bảo đảm với các bạn rằng với tay nghề thành thạo hoặc kỹ năng thương mại, ta có thể sẽ kiếm được nhiều tiền hơn nhiều so với việc có một tấm bằng lịch sử nghệ thuật.”

Lời phát biểu gây nhiều tranh cãi này đã trở thành một lý do thúc đẩy tác giả viết cuốn sách “Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng” để chứng minh tại sao nhận định của vị cựu tổng thống là sai lầm và hết sức thiển cận. Từ những trải nghiệm cá nhân, qua lăng kính như của một sử gia và nền tảng kiến thức của một nhà khoa học chính trị, Fareed Rafiq Zakaria mang tới cho người đọc cái nhìn toàn diện về mọi khía cạnh của giáo dục khai phóng, đặc biệt là giáo dục khai phóng tại Mỹ, từ lịch sử đến những thay đổi trong cách nó được đón nhận, cùng với đó là những đề xuất để giáo dục khai phóng lấy lại vai trò cùng sức ảnh hưởng của nó trong thế giới hiện nay.

Tác giả của cuốn sách cho rằng: “Tất cả chúng ta, cả già lẫn trẻ không đủ thời gian và công sức để suy nghĩ về ý nghĩa cuộc đời. Chúng ta không nhìn vào bên trong bản thân đủ mức độ để hiểu những điểm mạnh và điểm yếu của mình và chúng ta không nhìn xung quanh, nhìn ra thế giới, nhìn vào lịch sử đủ mức độ để nêu những câu hỏi sâu sắc nhất và bao quát nhất” và ông đưa ra giải pháp là: “Ngay bây giờ, tất cả chúng ta có thể sử dụng nền giáo dục khai phóng nhiều hơn một chút để làm người lao động tốt, giúp chúng ta trở thành những người đối tác, bạn bè, cha mẹ và người công dân tốt”.

Trong cuốn sách này, sau khi giới thiệu bối cảnh ông tiếp cận và trải nghiệm giáo dục Hoa Kỳ trong đó có giáo dục khai phóng, Fareed Zakaria đã trình bày tóm lược về “lược sử giáo dục khai phóng” từ đó trình bày một cách thuyết phục về ý nghĩa, vai trò của giáo dục khai phóng đối với con người.

"Biện hộ cho một nền giáo dục khai phóng" đã chứng minh đầy
thuyết phục rằng đại học không thể chỉ là một trường
để dạy người ta làm nghề. Rời xa giáo dục khai phóng
khiến chúng ta nghèo đi, theo mọi nghĩa.
Cuốn sách này của Zakaria đã đến vào thời điểm
không thể phù hợp hơn.

- Malcolm Gladwell -

Với ông, giáo dục khai phóng không tạo ra một nghề gì cụ thể nhưng với cấu tạo chủ yếu là các môn khoa học xã hội nhân văn như lịch sử, triết học, mỹ thuật, văn học nó tạo cho con người học một nền tảng tốt, một tư duy sắc sảo và độc đáo để họ có khả năng học hỏi suốt đời và có thể làm tốt bất cứ việc gì. Ông dẫn ra những nghiên cứu cụ thể để chứng minh rằng những sinh viên được trải nghiệm giáo dục khai phóng có sức sáng tạo tốt hơn các sinh viên khác không có cơ hội đó cho dù họ làm việc thuần túy trong lĩnh vực công nghệ hoặc kĩ thuật.

Trong bối cảnh đầy biến động của thế giới và sự xâm lấn của trí tuệ nhân tạo, AI vào đời sống, phần lớn những ngành nghề, công việc sẽ được AI thay thế. Tiến sĩ Giáp Văn Dương, trong bài viết về ChatGPT khẳng định: “Nếu trí tuệ tự nhiên của con người một ngày nào đó có thể sẽ thua trong việc cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo của các cỗ máy thì ý thức về bản thân, cảm xúc, tình yêu thương sẽ là những lĩnh vực mà các cỗ máy này khó lòng chạm đến”.

Nếu trí tuệ tự nhiên của con người một ngày nào đó có thể sẽ thua trong việc cạnh tranh với trí tuệ nhân tạo của các cỗ máy thì Ý THỨC về bản thân, cảm xúc, tình yêu thương sẽ là những lĩnh vực mà các cỗ máy này khó lòng chạm đến.

- Tiến sĩ Giáp Văn Dương -

Giáo dục khai phóng, với mục tiêu không phải tạo ra những luật gia, bác sĩ hay kỹ sư có kỹ năng mà tạo ra những con người có năng lực tư duy và có văn hóa sẽ là một con đường để giúp con người đối diện với thế giới biến động này.

Chính Steve Job, cha đẻ của Aple đã khẳng định: “Một mình công nghệ thôi không đủ tạo thành DNA của Apple. Công nghệ phải kết hợp với nghệ thuật nhân văn mới cho chúng ta những sản phẩm có thể làm trái tim reo vui và hạnh phúc, và không ở đâu điều đó đúng hơn là ở các thiết bị thời đại hậu PC này”.

Fareed Rafiq Zakaria sinh ngày 20/1/1964, là một nhà báo và tác giả người Mỹ gốc Ấn Độ. Sau khi tôt nghiệp trung học ở Ấn Độ, ông đến Mỹ học tại đại học Yale. Từ đây con đường học vấn của ông rộng mở, ông có bằng Tiến sĩ sử học, trở thành tác giả và nhà báo nổi tiếng. Ông là người dẫn chương trình Global Public Square, chuyên về các chủ đề quốc tế và ngoại giao được phát sóng mỗi tuần 2 buổi trên đài CNN. Ông viết chuyên mục hằng tuần cho nhật báo Washington Post và Newsweek International, và là cộng tác viên tạp chí Time.

Ông viết cuốn sách này trong bối cảnh làn sóng chỉ trích giáo khai phóng đang tăng lên ở Mỹ và các nước phát triển trên thế giới.

LINH VÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bien-ho-cho-mot-nen-giao-duc-khai-phong-mot-nen-giao-duc-huong-toi-con-nguoi-post739215.html