Biến lá dứa thành vải đầu tiên tại Việt Nam: Hành trình từ farm đến fashion của 'Founder nông dân' 32 tuổi

Từ việc khởi nghiệp trong đại dịch, sau 3 năm, nhà sáng lập Ecofa đã thành công trong việc tiên phong sản xuất vải sợi tơ bằng lá dứa với quy mô lớn tại Việt Nam, từ đó kỳ vọng sẽ biến lá dứa thành xu hướng thời trang xanh toàn cầu.

Mới đây, lần đầu tiên Việt Nam sản xuất được tơ, sợi, vải sinh thái Ananas bằng lá dứa (thơm) với quy mô lớn.

Từ những cánh đồng lá dứa xanh mướt, một loại vật liệu tưởng chừng như vô giá trị đã được biến hóa thành những sợi vải bền vững, mang lại cuộc cách mạng lớn cho ngành công nghiệp thời trang.

Đứng sau sự đột phá này là chàng kỹ sư 32 tuổi đầy tài năng Đậu Văn Nam (Nghệ An) – nhà sáng lập, điều hành Ecofa Việt Nam (Công ty sản xuất tơ dứa). Chàng kỹ sư trẻ này là người đã biến lá dứa thành vải trong thời đại mà tính bền vững và bảo vệ môi trường ngày càng trở nên quan trọng.

Nhà sáng lập Đậu Văn Nam với chất liệu xơ lá dứa.

Nhà sáng lập Đậu Văn Nam với chất liệu xơ lá dứa.

Không hào nhoáng như những Founder, CEO khác, chia sẻ với chúng tôi Founder Ecofa Việt Nam tự nhận mình là một “nông dân chính hiệu”.

Trước đại dịch Covid-19, khi mọi người còn hoài nghi về tính ứng dụng của các nguồn tài nguyên thiên nhiên mới, chàng kỹ sư trẻ đã nhìn thấy tiềm năng to lớn trong lá dứa, một loại nguyên liệu bị bỏ phí sau quá trình thu hoạch.

Chào Founder Đậu Văn Nam! Rất vui vì anh đã nhận lời phỏng vấn của chúng tôi lần này. Anh có thể chia sẻ cho mọi người về quá trình hình thành và phát triển của Ecofa Việt Nam như thế nào không?

Ecofa là câu chuyện tình yêu của các bạn trẻ đối với cánh đồng dứa quê hương.

Được thành lập vào 6/2021 tại Nghệ An, Ecofa Việt Nam là một công ty khoa học vật liệu tập trung vào việc tạo ra tác động tích cực đến kinh tế, môi trường và xã hội thông qua các hoạt động đổi mới sáng tạo.

Công nghệ tuần hoàn và tái tạo của chúng tôi cung cấp các giải pháp mang tính hệ thống để chuyển đổi phụ phẩm nông nghiệp là lá dứa thành xơ, cottonized, sợi và vải có giá trị cho ngành thời trang bền vững và vật liệu mới.

Sau 3 năm hình thành và phát triển chúng tôi tự hào là đơn vị tiên phong tại Việt Nam sản xuất xơ dứa thô và xơ dứa bông bằng dây chuyền thiết bị tự động, quy trình khép kín không xả thải và tiết kiệm tài nguyên trên quy mô công nghiệp.

Nhà sáng lập Đậu Văn Nam (trái) hợp tác với đơn vị Phát triển & Cung cấp các giải pháp R&D.

Nhà sáng lập Đậu Văn Nam (trái) hợp tác với đơn vị Phát triển & Cung cấp các giải pháp R&D.

Đặt con người và trái đất ở vị trí trọng tâm trong sự phát triển, Ecofa có ý tưởng về sợi dứa từ cuối năm 2019 nhưng đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch này. Chúng tôi chỉ làm việc online, đến 6/2021 mới chính thức đăng ký doanh nghiệp.

Sáu tháng sau đó, chúng tôi tập trung phát triển, liên kết và xây dựng mối quan hệ với các vùng nguyên liệu dứa trên lãnh thổ Việt Nam.

Trong năm 2022, tập trung nghiên cứu thiết bị tách xơ thô bán tự động và tự động, đồng thời triển khai sản xuất thử nghiệm tại các hợp tác xã. Một năm sau đó, chúng tôi nghiên cứu thiết bị để bông hóa xơ dứa, gọi là quy trình sản xuất cottonized pineapple fiber

Trong năm 2024, chúng tôi đã hợp tác với các công ty kéo sợi và công ty dệt để nghiên cứu phát triển các loại sợi vải có nguồn gốc từ lá dứa trên quy mô đại trà.

Lý do để anh và các cộng sự chọn lá dứa là nguyên liệu chính để sản xuất vải là gì?

Chúng tôi có 3 lý do lựa chọn nguyên liệu này, thứ nhất, dứa chất liệu tự nhiên có nguồn gốc từ thực vật vì những tính năng ưu việt và đang là xu thế và sự lựa chọn hoàn hảo cho tập khách hàng quan tâm đến sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Thứ hai, chọn dứa, vì đây là loại cây ăn quả đặc thù của khí hậu nhiệt đới. Việt Nam có 50.000ha vùng nguyên liệu tập trung tại 10 vùng trọng điểm từ Bắc tới Nam.

Dứa biểu trưng cho sự thịnh vượng, lòng hiếu khách và sự may mắn. Xơ được sản xuất từ lá, một nguồn tài nguyên chưa được tận thu trong quá trình canh tác, sau khi chiết xuất xơ có màu trắng tự nhiên mà không cần tẩy trắng hay sử dụng hóa chất.

Cuối cùng, sợi dứa không còn là khái niệm mới, nó được phát triển và xem là quốc phục của Philippines từ Thế kỷ 19 nhưng là một chất liệu xa xỉ, sản xuất thủ công và chỉ phục vụ một nhóm người dùng đặc thù nên bị lãng quên bởi sự phát triển nhanh chóng của thời trang.

Sợi dứa có rất nhiều tính năng tốt như kháng khuẩn, chống tia UV và thông thoáng thấm hút mồ hôi. Ecofa mong muốn có thể sản xuất sợi dứa trên quy mô đại trà và giá cả cạnh tranh để có thể làm chủ thị trường bằng những thế mạnh về công nghệ cũng như vùng nguyên liệu đặc trưng bản địa, sản lượng dồi dào.

“Founder nông dân” đi thuyền kiểm tra vườn dứa của nông dân.

“Founder nông dân” đi thuyền kiểm tra vườn dứa của nông dân.

Nông dân trồng dứa được tăng thu nhập đáng kể nhờ liên kết với nhà sản xuất vải.

Nông dân trồng dứa được tăng thu nhập đáng kể nhờ liên kết với nhà sản xuất vải.

Được biết anh và các cộng sự đã mất 3 năm thử nghiệm và cải tiến mới thành công trong việc sản xuất đại trà vải lá dứa để đưa ra thị trường. Trong quá trình kéo dài 3 năm này, mọi người đã trải qua những khó khăn, thách thức gì?

Rất nhiều khó khăn mà chúng tôi đã đối mặt. Đầu tiên là việc thiết bị bán tự động để tách xơ công suất quá thấp, chất lượng đầu ra phụ thuộc vào tay nghề của công nhân dẫn tới việc chi phí sản xuất bị tăng cao và chất lượng đầu ra của sản phẩm không đồng đều.

Tiếp theo là khâu thu hoạch lá tiến hành bằng tay, người nông dân rất vất vả và hiệu suất thấp dẫn tới việc chi phí nguyên liệu lá đầu vào tăng cao.

Thứ ba, việc nghiên cứu sản xuất máy tự động để chiết xuất xơ thô đầu vào là lá dứa, đầu ra là xơ thô và tự động hóa toàn bộ quy trình đã được tiến hành. Tuy nhiên phải mất hơn 2 năm mới thành công sau khi trải qua nhiều lần thất bại do đây là thiết bị chuyên dụng không có sẵn trên thị trường và đối tượng nguyên liệu lá dứa đầu vào rất phức tạp nên cần gia công có độ chính xác cao, phải hiệu chỉnh nhiều lần.

Ngoài ra, quá trình để xây dựng mối quan hệ hợp tác với nông dân và hợp tác xã gặp nhiều khó khăn do đây là mô hình mới, quy mô nhỏ lẻ.

Theo Founder Đậu Văn Nam, điều gì làm cho vải từ lá dứa khác biệt so với các loại vải khác trên thị trường hiện nay?

Sau 3 năm trải qua nhiều thất bại chúng tôi đã rút ra nhiều kinh nghiệm, tạo ra được nhiều thế mạnh cạnh tranh và nhiều rào cản so với các đối thủ khác trong ngành.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã xây dựng được mối quan hệ bền chặt với người nông dân, chính quyền địa phương. Qua đó tối ưu hóa được chi phí sản xuất và nâng cao năng lực sản xuất và công nghệ lõi.

Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy lá dứa có nguồn gốc từ thực vật, thành phần chính là xenlulozơ. Xơ dứa có màu trắng tự nhiên và không cần tẩy trắng hay sử dụng hóa chất. Đồng thời, xơ dứa cũng có khả năng kháng khuẩn, thông thoáng, thấm hút mồ hôi và chống tia UV.

Lá dứa được thu mua để chế biến, lấy sợi.

Lá dứa được thu mua để chế biến, lấy sợi.

Xơ dứa được phơi khô.

Xơ dứa được phơi khô.

Làm thế nào mà Ecofa có thể biến lá dứa, một nguyên liệu tự nhiên thành chất liệu vải có thể sử dụng trong công nghiệp thời trang?

Chúng tôi cho rằng, để có thể đưa xơ dứa vào công nghiệp thời trang và sản xuất trên quy mô đại trà thì phải thay đổi phương cách làm truyền thống. Mặc dù khái niệm sợi dứa và vải dứa không mới nhưng các nước như Philippines, Indonesia,... vẫn đang sử dụng phương pháp thủ công và quy mô nhỏ lẻ.

Do đó, Ecofa Việt Nam đã sử dụng phương pháp bông hóa xơ dứa để đưa xơ dứa thô về trạng thái cơ bản tương đồng với xơ cotton về chiều dài, độ mảnh, độ ẩm,...

Sau đó sử dụng phương pháp kéo sợi xơ ngắn bằng quy trình thiết bị có sẵn hiện nay để kéo trên quy mô công nghiệp. Phối trộn xơ dứa với các loại xơ dứa khác như cotton, bamboo, hemp fabric để đa dạng hóa sản phẩm và giảm giá thành.

Công nghệ sản xuất vải từ lá dứa có ưu điểm gì trong việc bảo vệ môi trường và làm sao để có đủ nguồn nguyên liệu để phục vụ cho việc sản xuất quy mô lớn?

Như chúng tôi đã chia sẻ ở phần trên, quy trình sản xuất xơ dứa là quy trình thuần cơ, tuần hoàn, khép kín, không xả thải, tận thu phụ phẩm và đặc biệt không sử dụng hóa chất.

Tức là phụ phẩm sau quá trình sản xuất được tận thu làm phân bón, thức ăn chăn nuôi, chất đốt và giá thể nuôi nấm nên rất thân thiện với môi trường.

Để có thể đáp ứng đầu vào, Ecofa đã liên kết và hợp tác, chuyển giao công nghệ với các hợp tác xã, công ty dịch vụ nông nghiệp tại địa phương để sản xuất xơ thô trực tiếp tại vùng nguyên liệu. Bên cạnh đó cam kết bao tiêu sản phẩm cho họ.

“Founder nông dân” Đậu Văn Nam trực tiếp điều khiển máy sản xuất sợi lá dứa.

“Founder nông dân” Đậu Văn Nam trực tiếp điều khiển máy sản xuất sợi lá dứa.

Nhà sáng lập Đậu Văn Nam kiểm tra sợi bông.

Nhà sáng lập Đậu Văn Nam kiểm tra sợi bông.

Chiếc váy áo được sản xuất bằng chất liệu vải lá dứa.

Chiếc váy áo được sản xuất bằng chất liệu vải lá dứa.

Công ty đã làm thế nào để thuyết phục các nhà thiết kế thời trang và người tiêu dùng thấy được tiềm năng của loại vải này?

Để thuyết phục khách hàng và nhà thiết kế, Ecofa đã chứng minh bằng chất lượng của sản phẩm, các bảng test về tính năng ưu việt và đặc tính cơ lý của sản phẩm.

Sử dụng dịch vụ đánh giá vòng đời sản phẩm (LCA) và truy xuất nguồn gốc để minh bạch quy trình. Xây dựng câu chuyện bền vững từ nông trại đến thời trang.

Trong giai đoạn tới chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao năng lực sản xuất và mở rộng vùng nguyên liệu. Đẩy mạnh hoạt động, sáng tạo, cải tiến sản phẩm, quy trình, dịch vụ (R&D) để tạo ra thêm nhiều dòng sợi vải đặc biệt đáp ứng nhu cầu của thị trường thời trang bền vững. Hướng tới xây dựng thương hiệu từ năm 2026.

Xin cảm ơn Founder Đậu Văn Nam!

Tứ Quý

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/chuyen-hay/bien-la-dua-thanh-vai-dau-tien-tai-viet-nam-hanh-trinh-tu-farm-den-fashion-cua-founder-nong-dan-32-tuoi-c17a84205.html