'Biển người' đi lễ chùa và nguy cơ dịch bệnh

Một sự việc thu hút sự quan tâm của dư luận mấy ngày qua là hình ảnh 'biển người' đi lễ chùa Tam Chúc (tỉnh Hà Nam) được nhiều tờ báo và mạng xã hội đăng tải. Giữa lúc dịch Covid-19 vẫn còn lây nhiễm trong cộng đồng, 'biển người' ấy chẳng khác gì một mối họa lơ lửng đối với cuộc sống người dân.

Cách Hà Nội không xa, lại là ngày cuối tuần, người dân tranh thủ đi tham quan, lễ chùa bái Phật cũng là điều dễ hiểu. Nhưng tạo nên một “biển người” chen lấn nhau ở chùa Tam Chúc như hình ảnh các báo đăng tải thì quả là một việc không bình thường.

Khi mở cửa đón khách tham quan, hẳn nhà tổ chức (ở đây là nhà chùa và doanh nghiệp xây chùa kết hợp với du lịch) cũng đã tính toán. Nhưng họ cũng không ngờ rằng lượng khách lại đông như thế nên mọi phương án đều “vỡ trận”, đều “thất thủ” như một số tờ báo miêu tả.

Tuy chưa phải đến mức như nỗi lo khủng bố ở các lễ hội tôn giáo tại một số nước trên thế giới, nhưng hàng triệu người đã chết vì dịch Covid-19 trên thế giới (ở nước ta là 35 người), chả phải là chuyện đáng lo ư! Khi mà tất cả những biện pháp phòng dịch như giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, khai báo y tế... cho “biển người” ấy không được thực hiện một cách nghiêm túc.

Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Trong khi dịch Covid-19 trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp; ở nước ta, dịch vẫn còn lây lan trong cộng đồng, chỉ cần một vài người nhiễm vi rút là hậu quả sẽ khó lường. Lúc ấy, chùa Tam Chúc có lẽ sẽ là ổ dịch lớn nhất từ trước tới nay!

Cả nước đã có gần 2.560 ca nhiễm Covid-19. Mặc dù đã có hơn 2.150 ca khỏi bệnh, nhưng một điều không thể xem thường là có 1 bệnh nhân Covid-19 cách ly ở Hải Dương, sau 8 lần xét nghiệm cho kết quả âm tính, vừa ra viện về đến Quảng Ninh, cách ly tại nhà lại có kết quả dương tính trở lại với vi rút SARS-CoV-2. Điều này cho thấy nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng là rất cao, kể cả những người đã cách ly, xét nghiệm cho kết quả âm tính cũng chưa phải an toàn tuyệt đối. Một điểm đáng chú ý nữa mà các chuyên gia y tế đã khuyến cáo nhiều lần, đó là biến thể vi rút SARS-CoV-2 lần này lây lan nhanh, đã có F2 dương tính chỉ trong một thời gian ngắn. Ấy vậy mà, khi một số địa phương vừa cho phép cơ sở tôn giáo, điểm di tích, tâm linh mở cửa hoạt động trở lại, nhiều người đã quên ngay nguy cơ dịch bệnh đang lơ lửng trên đầu.

Du xuân, lễ chùa, bái Phật là quyền của mỗi người. Nhưng cứ ồ ạt kéo nhau đến một ngôi chùa được định danh là “to nhất thế giới” thì đã có vấn đề gì đó bất ổn trong tín ngưỡng đạo Phật của một bộ phận người dân hiện nay. Khi xuất gia tu hành, Thái tử Tất Đạt Đa không xây chùa mà dựng am thất làm nơi nghỉ tạm trong hành trình hoằng hóa, khất thực. Nơi đó có thể là vùng hoang địa, là bìa rừng. Hành trình khất thực của Ngài gắn bó với xã hội con người và tự nhiên. Đức Phật cũng không chủ trương chặt cây dựng chùa hay am, thất, vì làm như vậy là tàn phá môi trường sống của con người và của muôn loài.

Không gian văn hóa Phật giáo Việt Nam không thiếu những ngôi chùa như: Tây Phương, Phật Tích, chùa Keo... và nhiều ngôi chùa nhỏ bé khiêm nhường ẩn mình trong không gian văn hóa làng xã của người Việt. Xây chùa thờ Phật mà hoành tráng nguy nga, kết hợp với chuỗi dịch vụ nhà hàng khách sạn là cổ súy cho mê tín, là để kinh doanh tâm linh chứ không phải vì sự phát triển của Phật pháp, cũng chẳng phải vì sự giác ngộ của con người.

Đại lão Hòa thượng Thích Phổ Tuệ-Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam-từng nói: “Cuộc đời là một chuyến đi dài, học là cách để đạt đến sự thông tuệ. Sự học đâu cần chùa to cảnh lớn; giảng đường đẹp, phòng ốc sang trọng cũng chỉ là phương tiện. Linh hồn của nó là thầy và trò trong quan hệ tu tập, hành trì”. Đó là cách thanh tĩnh thân tâm, xác lập lộ trình duy nhất đạt tới giác ngộ của bậc chân tu, đáng để mỗi người trong chúng ta suy nghĩ.

Tự do tín ngưỡng là quyền của công dân đã được hiến định. Nhưng tin tới mù quáng, bất chấp dịch bệnh, kìn kìn cúng bái như sự việc ở chùa Tam Chúc vừa rồi thì rõ ràng là không nên. Chỉ cần lẫn vào đó một ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2 thì có lẽ những lời nguyện cầu trước Đức Phật là chưa đủ. Mà cả đất nước sẽ phải vất vả gấp vạn lần để truy vết, cách ly, điều trị bệnh.

Tam Chúc, chùa Hương và còn bao nhiêu lễ hội, tôn giáo nữa sẽ được các địa phương khác tổ chức, rất có thể tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng. Liều lĩnh như vậy, thử hỏi có nên không?

ĐÌNH CƯƠNG

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/12436/202103/bien-nguoi-di-le-chua-va-nguy-co-dich-benh-5727721/