Biện pháp giảm tác hại thuốc lá

Tỷ lệ hút thuốc lá cao gây ra các tác hại lớn về sức khỏe và kinh tế. Để thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 tại Bình Thuận, UBND tỉnh Bình Thuận ban hành kế hoạch với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá.

Thiệt hại sức khỏe, kinh tế

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 ca/năm vào năm 2030 nếu các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá không được thực hiện kịp thời. Xu hướng gánh nặng bệnh tật chuyển từ các bệnh lây nhiễm sang các bệnh không lây nhiễm và gia tăng nhanh chóng. Các bệnh có nguyên nhân chính từ sử dụng thuốc lá như đột quỵ, mạch vành, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), ung thư phổi... là những nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong ở cả nam và nữ. Đó là thông tin của Quỹ phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế).

Mặc dù ngành công nghiệp thuốc lá có những đóng góp cho ngân sách quốc gia, nhưng phần đóng góp của ngành công nghiệp thuốc lá không đủ để bù đắp những tổn thất kinh tế và sức khỏe do sử dụng thuốc lá gây ra đối với các cá nhân, gia đình và xã hội. Những tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chỉ cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, tổn thất do mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ, ô nhiễm môi trường. Ước tính số tiền người dân Việt Nam đã chi mua thuốc lá hàng năm là 49.000 tỷ VND/năm (ước tính từ tổng tiêu thụ năm 2020). Ngoài tổn thất do chi mua thuốc hút, chi phí điều trị 5 nhóm bệnh gồm ung thư phổi, ung thư đường tiêu hóa-hô hấp trên, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, nhồi máu cơ tim, đột quỵ trong tổng số 25 bệnh do thuốc lá gây ra. Trên thế giới, chi phí điều trị khoảng 1-2% GDP, tại Việt Nam khoảng 1% GDP tương đương với 3 tỷ USD (67.000 tỷ đồng).

Không hút thuốc lá. (Ảnh minh họa)

Không hút thuốc lá. (Ảnh minh họa)

Giảm tỷ lệ sử dụng, tiếp xúc thụ động

Để thực hiện chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 tại Bình Thuận, UBND tỉnh ban hành kế hoạch với mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá nhằm giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra. Kế hoạch chia thành 2 giai đoạn. Với giai đoạn 2023 - 2025, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống 39%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1,4%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 30%, tại nhà hàng xuống dưới 75%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 80%; tại khách sạn xuống dưới 60%. Ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Với giai đoạn 2026 - 2030, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36%; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá: Tại nơi làm việc xuống dưới 25%, tại nhà hàng xuống dưới 65%; tại quán bar, cà phê xuống dưới 70%, tại khách sạn xuống dưới 50%. Tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.

Đồng thời, một số giải pháp được đề ra nhằm đạt được mục tiêu về phòng chống tác hại thuốc lá. Đó là tăng cường sự lãnh đạo các cấp ủy, chính quyền và phối hợp liên ngành; đổi mới thông tin giáo dục, truyền thông. Tăng cường thanh kiểm tra, xử lý vi phạm về phòng, chống tác hại thuốc lá. Kiện toàn nâng cao năng lực mạng lưới; cũng như tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp và người tham gia hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá.

TRANG MINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bien-phap-giam-tac-hai-thuoc-la-124293.html