Biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp: 'Tấm khiên' của ngành mía đường

Thực hiện Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ngành mía đường Việt Nam trong tình hình mới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu đơn vị trực thuộc kịp thời triển khai các giải pháp về phòng vệ thương mại, quản lý xuất nhập khẩu, tăng cường quản lý thị trường đối với mặt hàng đường.

Trong phạm vi chức năng, quyền hạn và các nhiệm vụ Bộ Công Thương được Thủ tướng giao tại Chỉ thị 20/CT-TTg, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu Cục Phòng vệ thương mại thường xuyên, liên tục chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chủ động theo dõi, kịp thời đề xuất áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đường nhập khẩu phù hợp với các cam kết quốc tế. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với những đơn vị liên quan hình thành cơ sở dữ liệu đồng bộ, chính xác về tình hình xuất nhập khẩu, sản xuất trên cơ sở thông tin do các cơ quan chức năng cung cấp để sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tư vấn, chuẩn bị hồ sơ phòng vệ thương mại.

Cục Xuất nhập khẩu, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong năm 2021 hoàn thành việc nghiên cứu, đề xuất các biện pháp quản lý hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu sản phẩm đường phù hợp trong tình hình mới.

Trong năm 2020, Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP. Đồng thời, thường xuyên, liên tục chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường quản lý thị trường, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và các hành vi tiếp tay buôn lậu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh mặt hàng đường và sản phẩm tạo ngọt.

Các giải pháp và hành động của Bộ Công Thương đã và sẽ góp phần quan trọng bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng, giúp ngành mía đường có thêm điều kiện để đầu tư phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Lan Ngọc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bien-phap-phong-ve-thuong-mai-phu-hop-tam-khien-cua-nganh-mia-duong-142136.html