Biến phế liệu thành sản phẩm hữu ích

Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh vừa phối hợp với Sở TN&MT tổng kết các hoạt động của gói công việc thuộc Dự án Phú Yên thực hành không rác. Tại hội nghị này, mô hình tái sử dụng lưới đánh cá cũ may túi đi chợ được đánh giá cao và kiến nghị nhân rộng.

Các chuyên gia của IDE-E và GreenHub tham quan cơ sở may túi đi chợ tái sử dụng lưới đánh cá cũ của bà Nguyễn Thị Lệ ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Các chuyên gia của IDE-E và GreenHub tham quan cơ sở may túi đi chợ tái sử dụng lưới đánh cá cũ của bà Nguyễn Thị Lệ ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Theo Trung tâm Hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), được triển khai từ năm 2022, đến nay Dự án Phú Yên thực hành không rác đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả, lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng dân cư. Các mô hình mà dự án triển khai như giảm thiểu túi nhựa dùng một lần tại các chợ; cơ sở lưu trú không sử dụng nhựa dùng một lần; phân loại, thu gom và ủ rác hữu cơ; hỗ trợ sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ rác hữu cơ; tổ thu gom rác tái chế tự do; tái sử dụng lưới đánh cá cũ may túi đi chợ…

May túi đi chợ từ lưới đánh cá cũ

Trước đây, bà Nguyễn Thị Lệ ở phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa), chuyên kinh doanh mua bán phế liệu. Bà Nguyễn Thị Lệ cho biết: Khi thu mua phế liệu, có nhiều đồ dùng đã qua sử dụng có thể tái chế được như chai nhựa, bao xi măng, lưới đánh cá cũ… Tôi đã đầu tư máy may, rủ thêm một số phụ nữ địa phương, sử dụng vật liệu từ phế liệu để may thành túi đi chợ.

Lưới đánh cá cũ ở các làng biển rất nhiều, sau khi mua về sẽ phân loại, chà rửa sạch, phơi khô, cắt rập rồi ráp thành sản phẩm. Túi lưới của cơ sở được may thành 5 ngăn có thể đựng rau củ quả và có thêm một túi vải riêng không thấm nước để đựng thịt, cá. Túi lưới này rất tiện lợi, giá thành thấp, sử dụng bền nên được nhiều người sử dụng.

Là thành viên CLB Đi chợ không sử dụng túi ni lông ở phường 7 (TP Tuy Hòa), bà Đồng Thị Ngọc Phượng nói: Túi lưới đi chợ rất tiện lợi, đựng được rất nhiều đồ và có thể xếp gọn. Từ khi tham gia CLB, gia đình tôi chỉ sử dụng túi lưới tái chế để đi chợ, việc này sẽ giảm một lượng lớn túi ni lông thải ra môi trường. Đã đến lúc cần có chế tài, đánh thuế cao đối với nhà sản xuất, người sử dụng túi ni lông và cần nhân rộng mô hình đi chợ không sử dụng túi ni lông như thế này.

Bà Nguyễn Bảo Hân, điều phối viên của GreenHub cho biết: Bà Nguyễn Thị Lệ đã đề xuất thành lập mô hình may túi lưới tái chế từ lưới đánh cá cũ. Ý tưởng này được đánh giá rất cao và Dự án Phú Yên thực hành không rác đã hỗ trợ một số trang thiết bị để thành lập mô hình. Đến nay, cơ sở may túi lưới từ lưới đánh cá cũ của bà Nguyễn Thị Lệ tạo thêm thu nhập ổn định cho gần 10 thành viên. GreenHub tiếp tục phối hợp với Sở TN&MT cùng các sở, ngành, địa phương trong tỉnh nhân rộng mô hình này.

Tác hại của rác thải nhựa

UBND tỉnh kêu gọi toàn thể người dân trên địa bàn cùng nhau nhận thức và hành động, làm cho môi trường Phú Yên ngày càng xanh - sạch - đẹp.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Thái Hòa

Theo Tổ chức Phát triển, môi trường và năng lượng (IDE-E), ô nhiễm nhựa chính là mối lo ngại mang tính toàn cầu, đang gây ra các vấn đề về môi trường, kinh tế và sức khỏe con người. Mỗi năm, hàng chục triệu tấn rác thải nhựa đổ ra biển, nếu chúng ta tiếp tục gây ô nhiễm với tốc độ như hiện nay, thì tới năm 2050, lượng rác thải nhựa trên biển sẽ nhiều hơn lượng cá.

Đông Á và Đông Nam Á là điểm nóng của thế giới về tình trạng rò rỉ rác thải nhựa ra đại dương và những tác động tiềm tàng đối với đa dạng sinh học. Điều này có thể bắt nguồn từ một số nguyên nhân như hoạt động quản lý chất thải rắn, thu gom, xử lý nước thải còn yếu, thiếu cơ sở hạ tầng và do người dân thiếu ý thức.

Bà Nguyễn Thu Trang, quản lý dự án tại Phú Yên của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam), cho biết: Để quản lý rác thải nhựa hiệu quả, chúng ta cần nỗ lực ngăn chặn phát sinh rác thải nhựa, giảm thiểu việc sử dụng nhựa khi không cần thiết, cũng như hạn chế và nghiêm cấm việc xả rác trái phép, vì đây là nguồn chính gây rò rỉ nhựa ra môi trường. WWF - Việt Nam đang triển khai mô hình vận động ngư dân Phú Yên đem rác vào bờ.

Đơn vị sẽ tiếp tục đồng hành cùng Phú Yên thực hiện những mục tiêu trong kế hoạch hành động quản lý rác thải nhựa đến năm 2030 như tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử về các sản phẩm nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần và rác thải nhựa đại dương.

Theo thống kê, hiện nay mỗi hộ gia đình sử dụng trung bình khoảng 1kg túi ni lông/tháng, trong đó hơn 80% bị thải bỏ sau khi dùng một lần. Ông Nguyễn Thái Hòa, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho hay: Việc thải bỏ rác thải nhựa ra môi trường, ra biển, các đầm vịnh sẽ đe dọa phá hủy các hệ sinh thái biển, ô nhiễm môi trường biển, suy giảm nguồn lợi thủy sản.

“Nhằm triển khai tốt chương trình hành động của Tỉnh ủy và kế hoạch của UBND tỉnh về tăng cường công tác bảo vệ môi trường, tỉnh đã kêu gọi toàn thể người dân trên địa bàn cùng nhau nhận thức và hành động, làm cho môi trường Phú Yên ngày càng xanh - sạch - đẹp. Mỗi cá nhân, gia đình, ngư dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh… hãy tích cực tham gia giảm thiểu rác thải, nhất là rác thải nhựa, không thải bỏ rác thải bừa bãi xuống đầm, vịnh, biển; hãy làm cho biển thật sạch và đẹp, làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tốt hơn”, ông Hòa nói.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/82/317622/bien-phe-lieu-thanh-san-pham-huu-ich.html