Biến quản trị tài chính thành lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp

Các biến cố xảy ra kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2007 đã chứng minh tầm quan trọng của quản trị tài chính đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Hội nghị CFO thế giới lần thứ 48 do Câu lạc bộ CFO Việt Nam tổ chức

Hội nghị CFO thế giới lần thứ 48 do Câu lạc bộ CFO Việt Nam tổ chức

Những đổ vỡ đau lòng

Năm 2007, Việt Nam gia nhập WTO, mở ra một cánh cửa rộng hơn cho sự phát triển của các doanh nghiệp Việt. Cùng với đó, Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 2007 cũng tạo hành lang pháp lý quan trọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu “bùng nổ” nhờ “hút” được nguồn vốn dồi dào, mở rộng hoạt động kinh doanh đa ngành với quy mô lớn. Những dự án trăm tỷ, nghìn tỷ đồng bắt đầu xuất hiện với sự hình thành của mô hình “group”, “holding” (tập đoàn).

Tuy nhiên, rủi ro đi kèm sự phát triển nhanh chóng của nhiều doanh nghiệp cả về chiều ngang và chiều dọc mà thiếu đi năng lực quản trị nói chung và quản trị tài chính nói riêng là khó kiểm soát hoạt động tốt, tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi yếu tố minh bạch không được đảm bảo.

Sau quyết định dừng làm việc cho các tập đoàn đa quốc gia để thành lập AsiaInvest, ông Nguyễn Ngọc Bách, nay là Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) kiêm Chủ tịch câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (CFO), đã dành nhiều thời gian đi giao lưu với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Ông nhận thấy rõ sự yếu kém của đa số doanh nghiệp ở Việt Nam trong công tác quản trị tài chính nói riêng và quản trị doanh nghiệp nói chung ở thời điểm 15 năm về trước.

Kể lại những ngày đầu mới thành lập Câu lạc bộ CFO Việt Nam, ông Bách có dịp gặp gỡ chủ một doanh nghiệp tư nhân có tên tuổi để trao đổi câu chuyện sự quan trọng của quản trị tài chính doanh nghiệp.

Khi trao đổi về vai trò của giám đốc tài chính, vị doanh nhân này gạt phăng và cho rằng không thật sự cần thiết. Từ trước đến nay vị chủ doanh nghiệp đồng thời là giám đốc này vẫn điều hành hoạt động của doanh nghiệp tốt mà không cần đến CFO, đi đâu cũng để sẵn tài liệu kế toán của công ty trên con xe Lexus RX 350, kế toán trưởng chỉ giữ vai trò giúp việc.

Ông Nguyễn Ngọc Bách, Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD)

Ông Nguyễn Ngọc Bách, Phó chủ tịch Hội các Nhà quản trị Doanh nghiệp Việt Nam (VACD)

Rất nhanh ngay sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra và doanh nghiệp Việt không nằm ngoài tầm ảnh hưởng.

Sau cuộc khủng hoảng, tên tuổi vị doanh nhân kia cùng doanh nghiệp của ông cũng không còn xuất hiện trên thương trường. Việc không có tổ chức tốt trong quản lý tài chính, kiểm soát rủi ro, do xem nhẹ vai trò của giám đốc tài chính có thể là một nguyên nhân chính dễ thấy dẫn đến sự sụp đổ của doanh nghiệp.

Khủng hoảng thời điểm đó lớn đến nỗi có những doanh nhân đối mặt với tinh thần suy sụp khi hàng ngày phải chịu quá nhiều sức ép, nhiều doanh nghiệp một thời oanh liệt cũng phải chịu cảnh mất trắng vì vay vốn đầu tư quá nhiều, phải trả lãi suất vay cao.

“Do phát triển nóng mà không quản trị tốt dẫn đến gặp khủng hoảng thì khó khăn, đổ vỡ cũng nhiều. Hội VACD mới thành lập lúc đó đã tổ chức hàng loạt sự kiện để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt khủng hoảng”, ông Bách nói.

Nhận diện vai trò của quản trị tài chính

Quan sát từ góc độ một lãnh đạo tập đoàn tư vấn - đầu tư, ông Bách cho biết, doanh nghiệp lớn của nước ngoài vào Việt Nam những năm đầu khi gia nhập WTO thường lựa chọn tự thiết lập hệ thống do không dễ tìm được đối tác tốt, phù hợp. Hơn nữa, các doanh nghiệp nước ngoài cũng rất thận trọng do đã được chia sẻ nhiều bài học kinh nghiệm khi liên doanh nhưng thua lỗ vì không gặp đối tác trong nước tốt, đối tác không thực hiện đúng các cam kết hoặc đối tác quản trị không minh bạch.

Trong một số lĩnh vực bắt buộc phải hợp tác với doanh nghiệp trong nước, nhà đầu tư nước ngoài thường thông qua các đơn vị tư vấn uy tín để tìm các đối tác tin cậy, hoạt động tốt và minh bạch, có lợi thế cạnh tranh.

Bên cạnh đó, “Sau khi gia nhập WTO, Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu không quản trị tốt, làm sao doanh nghiệp Việt cạnh tranh ngay trên sân nhà”, ông Bách nói.

Ông Bách cho biết từ khi còn làm giám đốc tài chính cho Tập đoàn chuyển phát nhanh quốc tế TNT, một câu slogan được ông xây dựng cho bộ phận tài chính là “biến tài chính trở thành một lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp”, chứ không chỉ là quản lý hay thậm chí là gây cản trở hoạt động.

Không chỉ quản trị tốt, những người làm tài chính phải trở thành đối tác tốt của các bộ phận trong doanh nghiệp để cùng họ hướng đến mục tiêu chung. Giám đốc tài chính phải là người có vai trò trọng yếu trong việc xây dựng và triển khai chiến lược của doanh nghiệp.

Tháng 11/2008, lễ ra mắt câu lạc bộ Giám đốc tài chính tại Hà Nội.

Tháng 11/2008, lễ ra mắt câu lạc bộ Giám đốc tài chính tại Hà Nội.

Có lẽ đó cũng là lý do ngay sau khi Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp được thành lập, ông Bách đã khởi xướng đề xuất thành lập câu lạc bộ CFO Việt Nam và được TS. Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch VACD cùng bà Phan Việt Nga, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký đầu tiên của VACD hết lòng ủng hộ.

Câu lạc bộ CFO dưới sự đồng bảo trợ của VACD và AsiaInvest trong suốt 15 năm qua luôn hướng đến mục tiêu thực hiện sứ mệnh “nâng cao năng lực các giám đốc tài chính Việt Nam ngang tầm quốc tế”, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị tài chính và tính minh bạch trong hoạt động quản trị doanh nghiệp tại Việt Nam.

Quỳnh Chi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bien-quan-tri-tai-chinh-thanh-loi-the-canh-tranh-cua-doanh-nghiep-1655220533820.htm