Biến thể mới của SARS-CoV-2 đang khiến dịch bệnh lây lan mạnh hơn

Nhân viên y tế xử lý mẫu bệnh phẩm COVID-19 tại một phòng khám ở TP Ramla, Israel. - Ảnh: THX/TTXVN

* Khó có khả năng vật nuôi lây truyền virus SARS-CoV-2 sang chủ

Theo nghiên cứu mới, được công bố trên tạp chí Cell ngày 2/7, biến thể gene của virus SARS-CoV-2 đang xuất hiện chủ đạo trên thế giới hiện nay lây lan trong tế bào người nhanh hơn chủng được ghi nhận từ đầu đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Nghiên cứu trong phòng thí nghiệm nói trên khiến các nhà nghiên cứu cho rằng chủng mới hiện nay có khả năng truyền nhiễm giữa người với người trên thực tế nhiều hơn so với chủng trước đó, nhưng điều này vẫn chưa các cơ quan y tế được khẳng định.

Bình luận trên nhật báo của Hiệp hội Bác sĩ Mỹ, bác sĩ hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Mỹ, Anthony Fauci cho biết: "Các dữ liệu trên cho thấy có một sự biến đổi gene đơn nhất, khiến virus có thể nhân bản tốt hơn và có tải lượng virus cao hơn”.

Tuy nhiên, theo ông Fauci, hiện chưa có mối liên hệ nào về việc liệu bệnh nhân có thể tệ hơn khi nhiễm chủng virus này hay không. Nghiên cứu trên chỉ cho thấy virus nhân bản nhanh hơn và có thể lây nhiễm nhanh hơn.

Nghiên cứu trên do các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos ở New Mexico phối hợp với Đại học Duke ở Bắc Carolina (Mỹ) và nhóm nghiên cứu người gene COVID-19 của Đại học Sheffield (Anh) thực hiện.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu gene được công bố trên GISAID, một ngân hàng quốc tế về gene, và phát hiện rằng chủng SARS-CoV-2 hiện nay, mang tên D614G, có sự biến đổi nhỏ nhưng có sức mạnh lớn trong protein "cụm hoa" lồi ra từ bề mặt của virus, vốn được dùng để tấn công tế bào người và truyền nhiễm.

Nhóm đã phân tích dữ liệu của 999 bệnh nhân người Anh, nhập viện vì COVID-19, và quan sát thấy những người nhiễm chủng virus mới có nhiều tế bào nhiễm hơn, nhưng điều này không thay đổi mức độ nghiêm trọng của bệnh tình.

Trong khi đó, các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy biến thể mới của virus có khả năng lây lan ra các tế bào người cao gấp 3-6 lần.

Tuy nhiên, mọi kết luận trong giai đoạn này đều chỉ được thông báo kèm với từ "có thể": các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm thường không cho thấy chính xác mức độ của một đại dịch. Và theo những gì chúng ta biết đến nay, dù biến thể mới hiện nay nhân bản nhanh hơn trong các tế bào người bệnh, nhưng nó có thể hoặc không "lây truyền" từ người này sang người khác.

Trong diễn biến khác, nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bà Soumya Swaminathan ngày 2/7 cho biết khó có khả năng vật nuôi lây truyền virus SARS-CoV-2 sang chủ.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Geneva, bà Swaminathan cho biết động vật thuộc họ mèo, chồn sương và thậm chí cả hổ đều đã ghi nhận các trường hợp mắc bệnh COVID-19. Tuy nhiên, bà khẳng định "có rất ít nguy cơ vật nuôi trong nhà trở thành một nguồn lây nhiễm”.

Phát biểu trên được đưa ra sau khi xuất hiện một số quan ngại về việc vật nuôi có thể lây bệnh cho chủ. Trước đó, Bộ Nông nghiệp Hà Lan ngày 25/5 thông báo ca nhiễm virus SARS-CoV-2 thứ 2 nghi có nguồn gốc lây nhiễm từ chồn nuôi.

Cách đó khoảng 1 tháng, Chính phủ Hà Lan cũng đã thông báo về trường hợp chồn tại một trang trại ở miền nam nước này nhiễm virus SARS-CoV-2. Sau đó, Hà Lan thông báo về ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên nghi chồn là nguồn lây bệnh.

Trước sức ép của các nhà bảo vệ động vật phản đối nuôi chồn lấy lông xuất khẩu, năm 2013, Chính phủ Hà Lan đã cấm lập các trại nuôi chồn mới, đồng thời tuyên bố đến năm 2024, tất cả các trại nuôi chồn hiện đang hoạt động phải đóng cửa.

Cũng liên quan đến việc này, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úcđã thông báo kế hoạch tài trợ một chương trình đào tạo khẩn cấp cho một nhóm “thám tử bệnh động vật” ở 11 quốc gia Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền từ động vật sang người.

Chương trình sẽ đào tạo các chuyên gia thú y để phát hiện các mối đe dọa tiềm tàng đối với an toàn sinh học. Tình hình lây lan nhanh chóng của dịch COVID-19 cũng như tác động lớn của đại dịch đối với kinh tế và sức khỏe con người khiến cho việc trang bị các công cụ điều tra dịch bệnh cho các bác sĩ thú y trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/241778/bien-the-moi-cua-sars-cov-2-dang-khien-dich-benh-lay-lan-manh-hon.html