Biểu quyết, thông qua công tác nhân sự

Ngày 11-6, kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại Nhà QH. QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của QH về bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia với 462 đại biểu tán thành (chiếm 95,65% tổng số đại biểu). Theo đó, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch QH được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; biểu quyết thông qua Nghị quyết của QH về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ với 448 đại biểu tán thành (chiếm 92,75% tổng số đại biểu); biểu quyết thông qua Nghị quyết của QH về việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đối với bà Nguyễn Thanh Hải với 443 đại biểu tán thành (chiếm 91,72% tổng số đại biểu).

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và miễn nhiệm một số chức danh. Ảnh: QUANG HOÀNG

Các đại biểu bỏ phiếu bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia và miễn nhiệm một số chức danh. Ảnh: QUANG HOÀNG

Ngày 11-6, kỳ họp thứ chín, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại Nhà QH. QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết của QH về bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia với 462 đại biểu tán thành (chiếm 95,65% tổng số đại biểu). Theo đó, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch QH được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia; biểu quyết thông qua Nghị quyết của QH về việc miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ đối với ông Vương Đình Huệ với 448 đại biểu tán thành (chiếm 92,75% tổng số đại biểu); biểu quyết thông qua Nghị quyết của QH về việc miễn nhiệm chức vụ Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH đối với bà Nguyễn Thanh Hải với 443 đại biểu tán thành (chiếm 91,72% tổng số đại biểu).

Xem xét kỹ lưỡng đối tượng được giảm thuế

Tờ trình dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác nêu rõ: Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong cơ cấu doanh nghiệp của Việt Nam, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, trong đó, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm hơn 93% và doanh nghiệp có quy mô vừa chiếm gần 4%. Như vậy, doanh nghiệp có quy mô nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam và các doanh nghiệp này có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế cũng như ổn định xã hội. Báo cáo thẩm tra của tờ trình nêu trên cho rằng, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và cụ thể hóa một phần các Điều 10, Điều 16 của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 đã được QH thông qua.

Thảo luận ở tổ về dự thảo Nghị quyết, đa số đều bày tỏ ý kiến tán thành với những nội dung trong dự thảo. Các đại biểu QH: Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa); Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cùng một số đại biểu cho rằng, việc đưa ra tiêu chí là doanh thu (dưới 50 tỷ đồng), kết hợp với tiêu chí về lao động (dưới 100 lao động) để thực hiện chính sách giảm thuế thu nhập doanh nghiệp chưa thật sự hợp lý. Việc đưa ra tiêu chí như vậy trong khi chưa phân loại rõ các tiêu chí về doanh thu, lao động và thiệt hại thực tế có thể dẫn đến tình trạng cào bằng. Ngoài ra, nếu có nguồn lực thì nên mở rộng đối tượng, tăng mức miễn giảm.

Cũng trong phiên thảo luận tổ, một số đại biểu QH cho rằng, chỉ giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ còn doanh nghiệp quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động không được xem xét là chưa bảo đảm tính công bằng. Để tạo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp, dự thảo Nghị quyết cần có sự tính toán kỹ lưỡng.

Thảo luận ở tổ về Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), nhiều đại biểu QH cho rằng, cần phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho các bộ, ngành, địa phương. Đặc biệt, việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án là rất quan trọng và việc thành lập hội đồng đánh giá tác động môi trường là cần thiết. Dự thảo luật phải có các quy định về trách nhiệm của hội đồng thẩm định, khi có xảy ra sự cố phải tính tới trách nhiệm của những thành viên trong hội đồng thẩm định.

Bảo đảm hiệu quả và tiến độ hoàn thiện cao tốc Bắc - Nam

Chiều cùng ngày, QH thảo luận tại hội trường về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017 - 2020. Đa số đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nêu trên là cần thiết nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, Chính phủ cần làm rõ thêm một số phương án triển khai cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả của Dự án.

Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn về tám dự án thành phần, đầu tư theo hình thức PPP của Dự án hiện mới dừng ở khâu lựa chọn nhà đầu tư dù được triển khai từ năm 2017. Theo đó, việc huy động tín dụng trong nước để triển khai các dự án PPP gặp rất nhiều khó khăn, tính khả thi lại không cao. Lấy thí dụ về sự chậm trễ trong triển khai dự án đường bộ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, đại biểu Nguyễn Hồng Hải (Bình Thuận) cho rằng, vấn đề cốt lõi để triển khai thành công các dự án PPP không phải nằm ở hiệu quả của dự án mà là hiệu quả và khả năng huy động vốn tín dụng. Tương tự, dự án Phan Thiết - Dầu Giây được Chính phủ lựa chọn triển khai thí điểm đầu tư cao tốc theo phương thức PPP từ năm 2010 nên không được mở rộng khi Chính phủ triển khai mở rộng quốc lộ 1. Hiện, đoạn tuyến trên chỉ có hai làn xe, hạ tầng chưa đáp ứng được 30% lưu lượng xe thực tế, dẫn đến ùn tắc, tai nạn giao thông xảy ra thường xuyên, trở thành rào cản phát triển kinh tế của địa phương.

Một số đại biểu cho rằng, vấn đề cần quan tâm để triển khai có hiệu quả Dự án theo hình thức sử dụng vốn đầu tư công là khả năng cho vay của ngân hàng và phương án chọn nhà đầu tư thích hợp. Thực tế cho thấy, không chỉ riêng Dự án cao tốc Bắc - Nam, mà từ năm 2016 đến nay, chưa có bất cứ dự án BOT giao thông nào triển khai được. Việc chuyển đổi sang hình thức sử dụng vốn đầu tư công cần phải được hiểu là bất đắc dĩ, không nên tạo thành tiền lệ và suy nghĩ “cứ khó khăn là dùng ngân sách” hoặc “phải là ngân sách thì mới bảo đảm hiệu quả, thành công”.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội), việc chuyển đổi các dự án thành phần không thể đầu tư theo hình thức PPP sang đầu tư công sẽ gây ảnh hưởng nhất định tới việc thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về huy động nguồn lực ngoài ngân sách cho đầu tư phát triển, tính chủ động của ngân sách nhà nước; tạo tiền lệ cho giai đoạn về sau. Vì vậy, dự án Luật PPP mà QH sẽ đưa ra xem xét, thông qua trong thời gian tới đây cần quy định rõ trách nhiệm trong bảo đảm tính khả thi của việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách đối với các tổ chức, cá nhân đề xuất, thẩm định, quyết định dự án và việc chuyển đổi chỉ thực hiện trong trường hợp bất khả kháng.

Việc chuyển đổi một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam sang hình thức đầu tư công có thể sẽ làm tăng nợ công, mất cân đối trong điều hành chính sách đầu tư vốn trung hạn, khiến Nghị quyết của QH không được thực hiện nghiêm. Trong khi đó, nỗ lực của Chính phủ về vấn đề này lại chưa được đánh giá cụ thể.

Đại biểu ĐẶNG THUẦN PHONG (Bến Tre)

Hiện tại, việc đánh giá tác động môi trường mới dừng lại ở xem xét đối với dự án thực hiện chứ chưa có đánh giá tác động môi trường ở các phần việc liên quan, như san lấp mặt bằng. Bởi việc san lấp mặt bằng cần hàng triệu khối đất, cát, sỏi. Lấy đất, cát, sỏi ở đâu là việc phải tính toán. Nếu không, trong quá trình lấy cát dưới các lòng sông có thể gây xói mòn, sạt lở.

Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (Đồng Tháp)

PV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/44824602-bieu-quyet-thong-qua-cong-tac-nhan-su.html