Biểu tình ở Hong Kong: Vì sao người dân lo ngại bị dẫn độ về Trung Quốc?
Vì sao người dân Hong Kong tỏ ra lo ngại trước dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục đến nỗi làn sóng phản đối và biểu tình ngày một dâng cao?
Cuộc biểu tình ở Hong Kong nhằm phản đối dự luật dẫn độ sang Trung Quốc đại lục hôm 9/6 ban đầu diễn ra trong ôn hòa, sau đó biến thành bạo lực vào rạng sáng 10/6 khi cảnh sát giải tán đám đông do đã hết thời gian cho phép biểu tình. Hàng trăm người đã lao về phía cảnh sát và phá vỡ rào chắn, khiến họ phải dùng dùi cui và bình xịt hơi cay để kiểm soát. Một nhà tổ chức biểu tình cho biết hơn một triệu người đã tham gia tuần hành, trong khi cảnh sát nói rằng con số này là 240.000 người.
Trước sự trấn áp của cảnh sát, những người biểu tình không hề xuống nước. Họ tuyên bố sẽ lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình mới vào ngày 12/6, bên cạnh những lời kêu gọi cho một cuộc tổng đình công toàn thành phố. "Tổ chức Mặt trận Nhân quyền Dân sự sẽ phát động một cuộc biểu tình mới vào 10h (9h giờ Hà Nội) ngày 12/6", Jimmy Sham, người đứng ra tổ chức cuộc biểu tình lớn hôm qua tại Hong Kong nhằm phản đối dự luật dẫn độ tội phạm sang Trung Quốc đại lục cho biết.
Thông báo này được đưa ra sau khi trưởng đặc khu hành chính Hong Kong bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy việc thảo luận về dự luật dẫn độ tại Hội đồng Lập pháp vào ngày 12/6 dù cho làn sóng biểu tình ở Hong Kong đang dâng cao. Cũng theo bà Lâm, cuộc biểu tình lần này là bằng chứng cho thấy quyền tự do ngôn luận của Hong Kong vẫn được đảm bảo.
Những người ủng hộ dự luật cho rằng đây là điều cần thiết để khỏa lấp những kẽ hở luật pháp giúp Hong Kong trở thành nơi ẩn náu của nhiều tội phạm đến từ đại lục.
Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong cho rằng các biện pháp này sẽ không mâu thuẫn với việc bảo vệ quyền tự do biểu đạt của thành phố và đảm bảo các trường hợp chính trị sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật dẫn độ.
Bà Lâm cũng khẳng định dự luật dẫn độ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền và chỉ những tội phạm nghiêm trọng với bản án trên 7 năm tù giam mới có nguy cơ bị dẫn độ.
Nhiều nhà lập pháp tại Hong Kong cũng cho biết họ sẽ bỏ phiếu thông qua dự luật này. Trong khi đó tại Trung Quốc, dự luật nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các quan chức cấp cao và truyền thông nhà nước. Một nhóm ủng hộ dự luật đã thu thập được 800.000 chữ ký.
Nhưng những sự ủng hộ đó không thể ngăn cản được cuộc xuống đường kỷ lục của người dân Hong Kong. Vì sao như vậy?
Rất nhiều thành phần trong xã hội Hong Kong đã lên tiếng phản đối dự luật dẫn độ tội phạm, từ luật sư, doanh nhân, các quan chức thương mại, nhà báo, nhà hoạt động và các đại sứ phương Tây đang làm việc ở đặc khu.
Nguy cơ bị dẫn độ về Trung Quốc đại lục khiến nhiều người Hong Kong lo ngại. Ryan Leung, một người biểu tỉnh trẻ tuổi chia sẻ với hãng thông tấn AFP rằng: Nếu được thông qua, dự luật sẽ “làm mờ ranh giới giữa Hong Kong và đại lục. Nó sẽ phá hủy hoàn toàn các quyền tự do mà chúng tôi luôn có và nền pháp quyền mà chúng tôi rất tự hào".
Dưới thỏa thuận trao trả vào năm 1997 với Anh, Trung Quốc chấp nhận cho Hong Kong thời gian 50 năm để tiếp tục sở hữu các giá trị tự do quan trọng trước đó như tự do ngôn luận và tính độc lập tư pháp. Nhiều người Hong Kong tin rằng, nếu dự luật được thông qua các giá trị này của Hong Kong sẽ sụp đổ.
"Nếu Trung Quốc có thể tùy ý dẫn độ người nào đó sang đại lục, điều đó sẽ hủy hoại không chỉ lối sống mà còn phá hủy nền kinh tế của chúng tôi ở Hong Kong bởi nhiều người sẽ rời khỏi nơi này", người biểu tình Tommy Lo chia sẻ với truyền thông.
Trong khi bà Lâm bày tỏ quan điểm về làn sóng biểu tình đang dâng cao ở Hong Kong rằng: "Chúng tôi vẫn lắng nghe rất chăm chú" thì những người đối lập lại cáo buộc nhà lãnh đạo Hong Kong này chối bỏ làn sóng phản đối mạnh mẽ từ công chúng. "Hôm qua 1,03 triệu người đã tuần hành, nhưng chính quyền không thay đổi mà vẫn làm ngơ với người dân", nghị sĩ Ip Kin-yuen cho hay.
Trước các diễn biến phức tạp ở Hong Kong, Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm coi dự luật là bước đi chính thức bịt kín các lỗ hổng trong hệ thống pháp lý hiện nay. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 10/6 tuyên bố tiếp tục ủng hộ dự luật dẫn độ và phản đối bất kỳ thế lực nước ngoài nào có hành động và phát ngôn can thiệp vào vấn đề lập pháp của Hồng Kông.