Biểu tình rầm rộ chống lao động Trung Quốc ở Indonesia

Các sinh viên Indonesia trên đảo Sulawesi, phía đông Indonesia, đã biểu tình phản đối các lao động Trung Quốc đại lục 'đánh cắp' việc làm của dân địa phương.

Biểu tình rầm rộ chống lao động Trung Quốc ở Indonesia. Ảnh: Sulkarnain

Biểu tình rầm rộ chống lao động Trung Quốc ở Indonesia. Ảnh: Sulkarnain

SCMP dẫn lời Sulkarnain, người đứng đầu chi nhánh của Hội sinh viên Hồi giáo ở Kendari – nhóm tổ chức biểu tình cho hay: “Chúng tôi phản đối họ vì việc đó không được tiến hành thông qua Kế hoạch sử dụng lao động nước ngoài, vốn đã được Bộ Nhân lực phê chuẩn. Do đó, chúng tôi coi họ là các lao động nước ngoài bất hợp pháp”.

Sulkarnain nói thêm, người biểu tình muốn chính phủ ngừng cho phép các lao động Trung Quốc tới Sulawesi và những người đã có mặt trên đảo phải bị trục xuất. Khoảng 100 sinh viên đã biểu tình bên ngoài sân bay ở Kendari, thủ phủ tỉnh Sulawesi vào tối 14/7, chặn các xe rời khu vực để tìm kiếm lao động Trung Quốc.

Sulkarnain cho hay, có hơn 120 lao động Trung Quốc đã tới đảo này vào tối 14/7 và đã được cảnh sát có vũ trang, quân nhân áp tải khỏi sân bay. Nhân vật này cho biết, người biểu tình không có ý định làm hại các lao động Trung Quốc đại lục, song muốn họ rời Indonesia. “Chúng tôi dự định tiến hành thêm nhiều cuộc biểu tình vào tuần tới”.

Ảnh: Sulkarnain

Ảnh: Sulkarnain

Các lao động Trung Quốc được công ty khai thác mỏ PT Virtue Dragon Nickel Industry (VDNI) và PT Obsidian Stainless Steel (OSS) thuê để lắp đặt 33 thiết bị nấu chảy kim loại của PT OSS. Hai công ty này được Trung Quốc hậu thuẫn.

Báo The Jakarta Post dẫn tin từ hai công ty trên cho biết, họ cần đưa người Trung Quốc tới do thiếu lao động có tay nghề ở địa phương. Và rằng, một khi các thiết bị sẵn sàng họ sẽ thuê 3.000 người địa phương. Các lao động ngoại quốc dự kiến làm việc ở Indonesia trong 6 tháng và sẽ về nước ngay khi việc lắp đặt hoàn tất.

Quản lý quan hệ đối ngoại của VDNI là Indrayanto nói, nếu 500 lao động Trung Quốc bị từ chối nhập cảnh, khoảng 3.000 việc làm ở địa phương sẽ bị đe dọa. Ông này cho biết hôm 15/7 rằng người biểu tình gây mất trật tự công cộng và ảnh hưởng tới công ty. “Tới hôm nay, khoảng 300 lao động Trung Quốc đã có mặt”.

Nhà báo tự do Zainal Ishak, theo sát các cuộc biểu tình bùng phát từ hồi tháng 3, dự báo các cuộc biểu tình sẽ tiếp diễn nhưng với quy mô nhỏ so với giai đoạn đỉnh điểm vào cuối tháng 6.

Hoài Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/bieu-tinh-ram-ro-chong-lao-dong-trung-quoc-o-indonesia-658194.html