Biểu tình sinh viên: Cuộc khủng hoảng quyền lực tại Thái Lan
Với sự trở lại của các đợt biểu tình, chính quyền dân sự trên danh nghĩa của Thái Lan đang đối diện với một cuộc khủng hoảng quyền lực nghiêm trọng. Năm 2016, cuộc chuyển giao ngai vàng từ Nhà vua Bhumibol Adulyadej cho Thái tử Vajiralongkorn đã làm giảm sút uy tín của Hoàng gia. Chính phủ Thái Lan, bị chi phối bởi những người đảo chính và tay sai của họ, hiện đang ngày càng dễ bị tổn thương khi đương đầu với suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á.
Không có sự ủng hộ của một vị quân vương có uy tín, ảnh hưởng chính trị của nền quân chủ lẫn chính phủ do quân đội kiểm soát ở Thái Lan suy giảm nghiêm trọng. Không phải gánh vác hành trang của thời kỳ xung đột giữa hai phe Áo Vàng và Áo Đỏ, giới trẻ Thái Lan hiện nay nổi nên như một làn gió mới hứa hẹn nhiều thay đổi. Sau khi Thái Lan khống chế được đại dịch Covid-19, các cuộc biểu tình bắt đầu từ tháng 1-2020 đã tiếp tục trở lại.
Mặc dù số lượng người tham gia khác nhau nhưng phạm vi và nguồn gốc tự phát của các cuộc biểu tình, tại các trường học và ĐH trên khắp Thái Lan, là rất quan trọng. Một số tầng lớp khác trong xã hội, ví dụ như công đoàn, đã bắt đầu thể hiện sự ủng hộ đối với phong trào. Những người biểu tình đưa ra 3 yêu sách chính cho chính phủ: giải tán Quốc hội, sửa đổi Hiến pháp và chấm dứt đe đọa người dân. Gần đây, đề xuất cải cách chế độ quân chủ cũng xuất hiện ngày càng nhiều như một mục tiêu bổ sung.
Nguyên nhân khiến biểu tình bùng phát là do giới quân sự trắng trợn phớt lờ các quy định về cách ly. Một nhóm sĩ quan Ai Cập được cho phép quá cảnh Thái Lan và ghé thăm các chợ địa phương mà không cần cách ly. Một vài người trong số này sau đó đã có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Người dân Thái Lan đã rất tức giận khi bị yêu cầu thực hiện những quy định cách ly khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn, trong khi các khách “VIP” nước ngoài lại coi thường các quy định đó. Việc gia hạn những hạn chế sau vài tuần không có ca nhiễm mới cũng làm dấy lên nghi ngờ về mục đích thực sự đằng sau các quy định về tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, vẫn có một số yếu tố khác thúc đẩy phong trào biểu tình của học sinh sinh viên lần này. Đầu tiên là sự dập tắt những hy vọng về nền dân chủ. Trong cuộc bầu cử năm 2019, một chính đảng mới và cấp tiến mang tên đảng “Tương lai Mới” đã nhận được sự ủng hộ của các cử tri trẻ và giành được hơn 80 ghế trong Quốc hội. Thông điệp của họ rất đơn giản: “Không còn các cuộc đảo chính quân sự nữa.” Nhưng sự truy lùng và giải thể chính đảng này vì một vài sai phạm nhỏ hồi đầu năm nay đã trở thành giọt nước tràn ly.
Thứ hai, chính phủ ngày càng bị xem là thiếu năng lực và tầm nhìn về kinh tế. Nền kinh tế Thái Lan rơi vào khủng hoảng và hiện được mô tả là “sụp đổ,” đã bị suy giảm hơn 8%. Giờ đây, khi đất nước đang rất cần những ý tưởng và động lực mới đề để bù đắp cho việc mất 2 đầu tàu tăng trưởng - xuất khẩu và du lịch - họ đang phải đối mặt với một cuộc đấu đá nội bộ kỳ lạ trong đảng Phalang Pracharat được quân đội ủy nhiệm. Trong khi đó, bất bình đẳng thu nhập ngày càng gia tăng và trầm trọng ở Thái Lan đã khiến Thủ tướng Prayut Chan-o-cha được đặt biệt danh không mấy thiện cảm là “cha đẻ của sự bất bình đẳng.”
Thứ ba, công chúng đã mệt mỏi sau 6 năm cầm quyền của một chính phủ do quân đội kiểm soát. Mặc dù một số cử tri lớn tuổi vẫn sẵn sàng bỏ phiếu cho người thực hiện cuộc đảo chính Prayut vì mục tiêu ổn định, nhiều người khác đã quá mệt mỏi với thái độ chuyên quyền của ông ta. Prayut nắm lấy quyền lực mà không thông qua phiếu bầu của 250 nghị sĩ nhưng sự hiện diện của họ là một lời nhắc nhở thường xuyên về bản Hiến pháp phi dân chủ năm 2017. Mức lương tháng 250.000 baht (8.029 USD) của họ là một điều gây bất bình hơn nữa.
Thứ tư, bản thân giới quân sự luôn xa cách với dân chúng. Sự mục ruỗng bên trong tầng lớp này được thể hiện rõ nhất trong vụ thảm sát Korat. Tổng chỉ huy quân đội và người ủng hộ chế độ quân chủ nhiệt thành Apirat Konsompong là một nhân vật kém nhạy cảm về chính trị. Việc ông ta cho rằng những sinh viên tham gia biểu tình là “những kẻ thù ghét quốc gia” đã bị cựu lãnh đạo đảng Tương lai Mới Piyahutr Saengkanokkul phản đối. Ông chỉ trích: “Quốc gia trong mắt của Tướng Apirat là như thế nào? Đó là một nơi không có nhân dân.”
Thứ năm, những câu hỏi lâu nay về chế độ quân chủ và thực sự là về gia đình Hoàng gia một lần nữa lại xuất hiện và lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội một thời gian, với hashtag “tại sao chúng ta cần một vị vua?”, ngầm chỉ trích việc Nhà vua mới của Thái Lan chọn nước Đức là nơi ở chính của mình.
Các cuộc biểu tình đang tạo ra một môi trường dễ dàng hơn để đưa ra những lời chỉ trích này. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao Nhà vua lại có quyền sửa đổi Hiến pháp mà không có sự đồng ý của người dân, sử dụng tài sản Hoàng gia để chi trả cho cuộc sống xa xỉ của cá nhân cũng như phá dỡ các đài tưởng niệm nhằm xóa bỏ cuộc Cách mạng 1932 trong lịch sử Thái Lan. Ý tưởng về việc Thái Lan nên có một chế độ quân chủ thực sự hiện đại, trong đó Nhà Vua đứng trên chính phủ nhưng thấp hơn pháp luật đang thu hút sự chú ý rộng rãi.
Khả năng về một cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình có thể xảy ra nếu Quốc hội Thái Lan hợp tác vì lợi ích của đất nước và thực hiện một cuộc cải cách thực sự bao gồm soạn thảo Hiến pháp mới và tổ chức một cuộc tổng tuyển cử thực sự. Việc chọn giải pháp thay thế - sử dụng bạo lực để đàn áp biểu tình của sinh viên Thái Lan - là điều hết sức nguy hiểm.