Bình đẳng giới không phải cào bằng về giới!

Càng gần tới ngày 20-10, những clip hài hước về việc những người đàn ông bấn loạn vì vợ/người yêu 'đòi' quà càng nhiều trên mạng xã hội. Từ những clip không lời đến có lời thoại, rồi nhạc chế, thơ, tiểu phẩm văn học… đã mang tới tiếng cười sảng khoái cho cư dân mạng, nhưng ngẫm thấy có gì đó chua xót!

Chất liệu cho những clip, bài thơ chế không còn là “Hôm nay mồng tám tháng Ba/ Tôi giặt hộ bà cái áo của tôi” mà cấp độ đòi quà cũng như những “miếng võ” của nam giới đối phó với nữ giới trong dịp 8-3, 20-10 đã cao hơn rất nhiều. Có những clip thể hiện sự thiếu tôn trọng phụ nữ khi người chồng trở về nhà trong trạng thái say mèm. Người vợ trừng mắt, vớ cây chổi định vụt, nhưng vội nở nụ cười rất tươi và xun xue khi anh chồng ném một xấp tiền ra giường rồi loạng choạng gieo mình xuống sofa cùng những lời quát mắng. Có clip đang giữa đường, chồng giở bài ăn vạ, bắt vợ ngồi vào ghế lái, dù vợ chưa học lái xe… Lại có người nói, phụ nữ thường lấy chuyện chửa đẻ làm bình phong cho những đòi hỏi quá đáng, trong khi sinh đẻ là bản năng sinh tồn của giống cái. Con chim, con gà, con trâu, con bò cũng sinh đẻ mà chúng có đòi hỏi gì đâu, sao phụ nữ luôn xem đó là sự hy sinh vĩ đại và bắt nam giới phải bù đắp cho sự hy sinh ấy!

Phụ nữ Việt có ham tiền đến độ chỉ cần chồng/ người yêu quăng tiền ra là phá bỏ mọi nguyên tắc, thậm chí là những nguyên tắc mang tính đạo lý!? Phụ nữ Việt có không biết điều đến mức chỉ biết đòi hỏi mà không đoái hoài những nỗi khổ của đàn ông như phải lái xe, leo lên mái nhà khi bị dột hoặc chui vào gầm xe khi xe hỏng? Và vì sao phải đợi đến 8-3, 20-10, phụ nữ Việt mới được “đòi” quà, khi mà cô ấy cũng đi làm ngày 8 tiếng, thậm chí nhiều hơn và còn phải cáng đáng hầu như tất cả việc nhà, việc nội - ngoại? Nói “hầu như” là bởi có những người chồng (số này không nhiều) không chỉ giỏi kiếm tiền mà còn biết chia sẻ việc gia đình với bạn đời của mình. Xin thưa, phụ nữ chỉ cần một người chồng cùng chia sẻ kinh tế, việc nhà, cùng nuôi dạy con cái và chăm sóc cha mẹ, người thân hai bên nội ngoại. Nếu người chồng nào đó than rằng vợ chỉ biết đòi tiền chồng trong khi bản thân không kiếm ra tiền, thì người chồng ấy hãy tự trả lời vì sao lại chọn cô ấy làm vợ? Với cơ quan, đơn vị nơi công tác, phụ nữ cần được tôn trọng, đánh giá đúng năng lực chuyên môn, sở trường để giao đúng việc, chứ không dựa vào giới tính để không giao những việc quan trọng!

Sẽ có người cho rằng người viết bài quá nhạy cảm và cố chấp, vì những clip, những bài thơ/vè, tiểu phẩm… chỉ là góp thêm tiếng cười vui trong Ngày Phụ nữ Việt Nam, sao phải “giải mã” phức tạp vậy? Xin thưa, nhạy cảm thì có nhưng cố chấp thì không, bởi vẫn có quan niệm cho rằng phụ nữ tốt là phải làm tròn “bổn phận” sinh đẻ, chăm chút chồng con, gia đình và biết nghe lời chồng, không cần biết kiếm tiền. Lại có quan niệm cho rằng, vì những yếu tố bất lợi về giới nên trong một số vấn đề phải “ưu tiên” phụ nữ. Lại xin thưa, phụ nữ cần được xã hội quan tâm, cần được ưu tiên, nhưng tuyệt nhiên không phải kiểu ưu tiên “hạ tiêu chuẩn”. Cái mà phụ nữ cần là được ghi nhận, đánh giá đúng với những nỗ lực mà họ đã bỏ ra và đạt được, bởi có những lĩnh vực mang yếu tố đặc thù giới tính mà nếu muốn thành công, phụ nữ phải nỗ lực gấp hai lần nam giới mới đạt được. Vì vậy, việc nhân danh “ưu tiên” để hạ thấp tiêu chuẩn hay cào bằng về giới đều là những sai lầm trong việc thực hiện bình đẳng giới hiện nay!

Thảo Linh

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/329/164166/binh-dang-gioi-khong-phai-cao-bang-ve-gioi