Bình Định: Đưa công nghiệp làm thế mạnh trong phát triển

Để phát huy có hiệu quả những lợi thế và tiềm năng, tỉnh Bình Định xác định trong thời gian đến sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh; điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao.

Kinh tế khả quan nhưng còn hạn chế

Theo báo cáo của Sở Công Thương Bình Định, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm địa phương (GRDP) tăng bình quân hàng năm 6,4%, GRDP bình quân đầu người đạt 2.524 USD; cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng tích cực; năng suất lao động được nâng lên.

Sản xuất công nghiệp phát triển khá; các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh Bình Định giữ vững tốc độ tăng trưởng, một số ngành công nghiệp mới được hình thành và có chiều hướng phát triển; kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội tiếp tục được đầu tư hoàn thiện, nhiều cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn đã đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả; công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng; một số dự án có quy mô công suất lớn được đầu tư…

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 8,84%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng bình quân 7,92%.

So với các tỉnh khu vực miền Trung, Bình Định nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá. Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, thành tựu đã đạt được, vẫn còn một số hạn chế. Điển hình là chất lượng tăng trưởng chậm được cải thiện, năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Việc thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn, nhất là thu hút đầu tư nước ngoài, các dự án lớn, mang tính động lực. Giá trị sản xuất công nghiệp và kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng không đạt kế hoạch đề ra.

 Thành phố Quy Nhơn - tỉnh Bình Định

Thành phố Quy Nhơn - tỉnh Bình Định

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế, yếu kém được đưa ra là do hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh thấp; nguồn lực đầu tư cho phát triển còn hạn chế, trong khi cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, các khu, cụm công nghiệp. Đồng thời, việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc còn chậm. Các giải pháp thực hiện và sự phối hợp giữa các sở, ngành với địa phương có nơi, có lúc thiếu đồng bộ, chưa kịp thời. Công tác chỉ đạo xử lý một số vấn đề tồn tại, yếu kém chưa tập trung, kiên quyết; tinh thần trách nhiệm, trình độ năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; phân bố nhân lực giữa các ngành, vùng, địa phương chưa hợp lý.

Lấy phát triển công nghiệp làm thế mạnh

Ông Hồ Quốc Dũng - Bí thư tỉnh ủy Bình Định - cho hay, thời gian tới Bình Định cần huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm đẩy nhanh tốc độ, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu của khu vực miền Trung. Mục tiêu mà tỉnh Bình Định đặt ra trong thời gian tới là phát triển công nghiệp với tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững.

Cụ thể, Bình Định hướng đến việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng, đưa vào hoạt động các khu, cụm công nghiệp, làng nghề theo quy hoạch, nhất là Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Becamex Bình Định. Bổ sung cơ chế, chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo, tỷ lệ nội địa hóa; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp hỗ trợ... Tiếp tục phát triển các ngành hàng, sản phẩm có lợi thế của tỉnh. Nâng cao hiệu quả công tác khuyến công.

Khu công nghiệp tại TP. Quy Nhơn - Bình Định

Khu công nghiệp tại TP. Quy Nhơn - Bình Định

Tỉnh Bình Định cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, mở rộng thị trường, phát triển sản xuất kinh doanh. Điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; ưu tiên thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo nguồn thu cho ngân sách, suất đầu tư trên một đơn vị diện tích lớn; không thu hút các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, công nghệ lạc hậu.

Đặc biệt trong báo cáo Chính trị của Đại hội Đại biểu tỉnh Bình Định XX, tỉnh Bình Định xác định, trong phát triển kinh tế, tập trung phát triển các trụ cột chính: công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, lấy cải thiện môi trường đầu tư; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển cực tăng trưởng phía Bắc tỉnh làm các khâu đột phá. Đi cùng với đó, chú trọng bồi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững; khai thác, huy động đầy đủ, kịp thời, đúng pháp luật các nguồn thu vào ngân sách nhà nước; chống thất thu, nợ đọng thuế... Phấn đấu thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu đề ra, tiến tới cân đối ngân sách trên địa bàn. Thực hiện chi ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.

Thành Long

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-dinh-dua-cong-nghiep-lam-the-manh-trong-phat-trien-147198.html