Bình Dương tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt phục vụ người dân
Sau hơn 2 năm triển khai Đề án 'Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020' với mục tiêu chất lượng tốt, văn minh và thân thiện với môi trường. Đến nay, đề án đã đạt được nhiều kết quả nhất định, tạo thuận tiện cho người dân tham gia giao thông. Tuy nhiên, hệ thống xe buýt còn một số bất cập cần sớm khắc phục, đổi mới.
Nhiều chính sách hỗ trợ
Những năm gần đây, cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đô thị ở Bình Dương cũng không ngừng mở rộng và phát triển. Trong đó, việc tạo thuận lợi trong sinh hoạt, đi lại của người dân, dịch vụ vận chuyển hành khách công cộng bằng phương tiện xe buýt hiện đại, kết nối đô thị trong tỉnh và các vùng lân cận được tỉnh chú trọng. Đây là tiêu chí quan trọng cần đạt được của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương.
Đề án “Nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn Bình Dương” được UBND tỉnh Bình Dương thông qua với các chính sách hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp vận tải, hỗ trợ giá vé cho các đối tượng chính sách, người cao tuổi, học sinh, sinh viên trên địa bàn nhằm từng bước hình thành và phát triển hệ thống giao thông đô thị bền vững.
Đề án khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư xe buýt sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Cụ thể, đối với doanh nghiệp thay thế xe động cơ Diezel chỉ được hỗ trợ lãi suất vay 70%, trong khi đó doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ lãi suất vay 100% khi đầu tư mới xe sử dụng nhiên liệu sạch (CNG, LNG). Tổng nguồn vốn hỗ trợ lãi suất vay vốn để doanh nghiệp, hợp tác xã mua 130 phương tiện trong thời gian 7 năm là 42,061 tỷ đồng.
Ngân sách tỉnh hỗ trợ 80% vốn vay để đổi mới 111 phương tiện xe buýt cũ và 19 phương tiện cho 3 tuyến mở mới với tổng số tiền 197,420 tỷ; hỗ trợ 50% giá dịch vụ lưu đậu cho các tuyến xe buýt nội tỉnh khi chờ đón, trả khách tại các bến xe khách trên địa bàn tỉnh; trợ giá 30% chi phí chuyến trong thời gian 03 năm đầu tiên cho các tuyến xe buýt mở mới thiết yếu như: Mỹ Phước - Cây Trường, Thành phố mới - Bàu Bàng, Thành phố mới - Bến xe Miền Đông mới…
Qua hơn 2 năm triển khai thực hiện (từ tháng 7/2018 đến nay), Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương đã kêu gọi, vận động được 2 doanh nghiệp xây dựng phương án đầu tư, đổi mới phương tiện vận tải hành khách công cộng và đã có 1 doanh nghiệp hoàn thành việc đổi mới và đưa vào sử dụng 25 phương tiện sử dụng CNG khai thác trên tuyến xe buýt Thủ Dầu Một - Đồng Xoài từ tháng 8/2019. Về hỗ trợ các đối tượng mua vé tháng, đến nay, có 242 người tham gia với tổng số tiền hỗ trợ gần 56,865 triệu đồng. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Giao thông vận tải tỉnh triển khai ứng dụng hệ thống thu tiền tự động trên xe buýt cho 7/11 tuyến.
Một số khó khăn khi triển khai thực hiện
Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Đề án. Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh nhìn nhận, việc xây dựng Đề án nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân hưởng thụ là một lĩnh vực mới nên khi tổ chức triển khai thực hiện còn gặp khó khăn. Sản lượng vận chuyển hành khách chưa tăng như kế hoạch. Số lượng phương tiện được chuyển đổi từ sử dụng dầu Diezel sang CNG chưa đạt yêu cầu; chưa triển khai thực hiện đấu thầu 3 tuyến xe buýt của đề án; chưa đầu tư xây dựng 2 trạm cung cấp nhiên liệu CNG phục vụ cho việc chuyển đổi phương tiện sử dụng dầu Diezel sang phương tiện CNG.
Lý giải nguyên nhân của những hạn chế trên, ông Luận cho rằng, các quy định chuyên ngành, các văn bản hướng dẫn liên quan đến lĩnh vực hỗ trợ từ ngân sách cho hoạt động vận tải hành khách công cộng chưa cụ thể như: Các hướng dẫn về quy hoạch, tiêu chuẩn kỹ thuật của tuyến, nguyên tắc trợ giá, nguyên tắc hỗ trợ, phương thức đấu thầu, tiêu chí thực hiện trợ giá, hỗ trợ kinh phí, tiêu chuẩn vé xe buýt thông minh, định mức đơn giá, tiêu chuẩn phương tiện sử dụng năng lượng thân thiện môi trường CNG, LNG, điện...
Cùng với đó, sự phát triển của dịch vụ xe ôm và xe dịch vụ dưới 9 chỗ cạnh tranh với xe buýt, với đặc thù có thể vận chuyển từ điểm đón đến điểm dừng theo yêu cầu của hành khách, phục vụ người dân trong hẻm nhỏ mà xe buýt không thực hiện được. Trong thời gian diễn ra dịch bệnh COVID-19, lĩnh vực vận chuyển hành khách công cộng bị ảnh hưởng nhiều nhất và chịu tác động sớm hơn vận chuyển hàng hóa, hầu hết các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh đều gặp khó khăn, giảm đến 90% số chuyến khai thác, doanh thu sụt giảm.
Ông Trần Bá Luận, nhấn mạnh: “Lĩnh vực vận tải hành khách công cộng không thuần túy là một ngành kinh tế, kỹ thuật hay dịch vụ mà bản thân nó là tổng hòa các yếu tố mang tính xã hội rất cao. Lĩnh vực dịch vụ này ảnh hưởng trực tiếp đến hầu hết người dân tại khu vực đô thị, đòi hỏi phải duy trì lâu dài với nguồn tài chính rất lớn và ổn định từ ngân sách. Lợi ích kinh tế mang lại của vận tải hành khách công cộng là không thể định lượng. Nếu chỉ đánh giá hiệu quả ở góc độ tài chính đơn thuần sẽ dẫn đến ngộ nhận đây là một dịch vụ tốn kém chi phí và không mang lại hiệu quả, không sinh lời, từ đó việc đầu tư nguồn lực không tương xứng với nhu cầu phát triển, hệ thống vận tải hành khách công cộng sẽ chắp vá, thiếu đồng bộ, trì trệ, việc thất bại là khó tránh khỏi”.
Giải pháp để đạt mục tiêu đề ra
Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt theo hướng “tiện dụng cho hành khách, chất lượng tốt, văn minh và thân thiện với môi trường”, đạt tỷ lệ 15% đến 20% người dân tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt, Sở Giao thông vận tải đã kiến nghị UBND tỉnh gia hạn thời gian thực hiện đề án.
Sở Giao thông vận tải tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt; đồng thời triển khai các chính sách của đề án như hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp vận tải, hỗ trợ giá dịch vụ lưu đậu, giá vé cho người dân…Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư 2 trạm cung cấp nhiên liệu CNG, Sở sẽ hướng dẫn, kêu gọi các doanh nghiệp vận tải thực hiện đổi mới phương tiện trong giai đoạn còn lại của Đề án; đấu thầu để thực hiện khai thác các tuyến xe buýt mở mới.
Bên cạnh đó, Sở tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân, nhất là học sinh, sinh viên lựa chọn xe buýt là phương tiện đi lại. Song song với việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt cũng cần nâng cao tính tiện nghi của dịch vụ; đảm bảo an ninh, an toàn giao thông; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Theo ông Trần Bá Luận, nếu thực hiện đồng bộ các chính sách và giải pháp của Đề án sẽ khuyến khích người dân sử dụng xe buýt nhiều hơn, giảm mật độ giao thông trên đường, hạn chế ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng hiện đại, góp phần quan trọng xây dựng Thành phố Thông minh Bình Dương “văn minh - hiện đại” trong tương lai.