Bình Liêu: Tạo việc làm, đảm bảo an sinh xã hội

Là địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Ninh với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 96%, năm 2019, Bình Liêu đã có những chuyển biến tích cực trong đào tạo nghề, góp phần giảm nghèo bền vững.

Năm 2019, theo báo cáo của UBND huyện Bình Liêu, dù còn nhiều khó khăn, song địa phương đã tích cực triển khai kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn, trong đó đã mở 13 lớp cho 260 học viên (7 lớp dạy nghề nông nghiệp và 6 lớp dạy nghề phi nông nghiệp). Đồng thời, đã tổ chức phiên giao dịch việc làm tại huyện; tổ chức tập huấn nghiệp vụ điều tra thu thập và cập nhật cơ sở dữ liệu cung - cầu lao động cho cán bộ cấp xã và 104 trưởng thôn, bản, khu phố; giải ngân vốn vay từ Quỹ Quốc gia về việc làm năm 2019 là 12.130 triệu đồng, thu hút 243 lao động, tập trung vào các dự án sản xuất, kinh doanh dịch vụ tổng hợp.

 Bình Liêu nỗ lực tạo ra nhiều việc làm để giảm nghèo bền vững

Bình Liêu nỗ lực tạo ra nhiều việc làm để giảm nghèo bền vững

Nhờ đó, năm 2019, số lao động được tạo việc làm trên địa bàn tăng thêm 403 người, đạt 100,75% kế hoạch, ước thực hiện cả năm 103% kế hoạch; tỷ lệ lao động qua đào tạo 11.975/18.417 lao động, đạt 65,02%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ 5.537/18.417 lao động, đạt 30,06%.

Theo đánh giá của đại diện UBND huyện Bình Liêu, đây là một chuyển biến đầy khích lệ trong thực hiện chính sách an sinh xã hội; quyết tâm giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Kết quả này góp phần đưa kinh tế Bình Liêu năm 2019 tiếp tục tăng trưởng, giá trị sản xuất ước tính cả năm đạt 1.433 tỷ đồng, bằng 100,13% kế hoạch, tăng khoảng 13,87% so với năm 2018. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tiến bộ theo hướng tăng tỷ trọng ngành dịch vụ (nông, lâm nghiệp chiếm 29,47%; tiểu thủ công nghiệp chiếm 19,12%; thương mại và dịch vụ 51,40%).

Phát triển kinh tế đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân luôn được huyện Bình Liêu quán triệt. Trong đó, huyện đặc biệt chú trọng tới phát triển văn hóa, xã hội; quan tâm thực hiện chính sách an sinh xã hội, nâng cao cuộc sống cho nhân dân. Đây cũng là chủ trương, định hướng trong thời gian tới của địa phương. Theo đó, Bình Liêu sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhằm mục tiêu trên 90% hộ gia đình chính sách người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú, không còn người có công thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, 100% đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội và các chính sách xã hội liên quan.

Bình Liêu cũng đặt mục tiêu phấn đấu: Năm 2020 giảm 200 hộ nghèo, tương đương 2,70%; hộ cận nghèo giảm 300 hộ, tương đương 4,05% theo tiêu chí mới; tạo việc làm mới cho trên 400 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68,05% (trong đó, tỷ lệ có bằng cấp, chứng chỉ đạt khoảng 31,7%); dự kiến mở 9 lớp dạy nghề cho lao động nông thôn với 180 học viên.

Những mục tiêu được đặt ra với nhiều quyết tâm, song phía trước cũng không ít thách thức, bởi thực tế, nguồn lực để đào tạo nghề, tạo việc làm của Bình Liêu vẫn còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, với sự chung sức của cả hệ thống, Bình Liêu sẽ vượt qua được trở ngại trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; từng bước xây dựng huyện miền núi ngày càng giàu đẹp và văn minh, thu hẹp khoảng cách phát triển với các địa phương khác trong tỉnh và cả nước.

Năm 2020, huyện Bình Liêu sẽ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp giảm nghèo một cách bền vững; tiếp tục thực hiện hiệu quả phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau".

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/binh-lieu-tao-viec-lam-dam-bao-an-sinh-xa-hoi-129724.html