Bình luận: Cuộc quyết đấu định hình tương lai

Những biến cố khốc liệt đang diễn ra ở nhiều điểm nóng trên toàn cầu không thể khiến dư luận lãng quên một sự kiện chính trị lớn của thế giới: Hôm nay (5-11), cử tri Mỹ đi bầu tổng thống mới. Thời điểm quyết định cho cuộc quyết đấu được đánh giá ngang tài, ngang sức giữa Phó tổng thống Kamala Harris-ứng cử viên của Đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Donald Trump-ứng cử viên của Đảng Cộng hòa, đã đến.

Quyết định rút lui bất ngờ của đương kim Tổng thống Joe Biden đã tạo cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm nay bầu không khí sôi động và gay cấn hơn khi Phó tổng thống Kamala Harris được chọn là người thay thế ông Biden để tranh đấu cho chiếc ghế nóng cùng cựu Tổng thống Donald Trump. Màn “thay ngựa giữa dòng” của Đảng Dân chủ cũng đưa đường, dẫn lối cho những người thích dự đoán nghĩ về kịch bản của cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, nơi tỷ phú Donald Trump đối đầu và cuối cùng giành chiến thắng nghẹt thở trước một phụ nữ. Giống như cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton của 8 năm về trước, đương kim Phó tổng thống Kamala Harris dù lần đầu ra tranh cử nhưng đang đứng trước cơ hội vàng để trở thành phụ nữ đầu tiên và người da màu thứ hai trong lịch sử Mỹ ngồi vào chiếc ghế quyền lực trong Nhà Trắng.

Theo các cuộc thăm dò trước ngày bầu cử, với sự xuất hiện của “người đóng thế” Kamala Harris, khoảng cách tín nhiệm mà cử tri dành cho hai ứng cử viên tổng thống đã được san lấp, sắc đỏ của Đảng Cộng hòa không còn lấn át sắc xanh của Đảng Dân chủ như trước khi ông Biden rút lui. Vào thời điểm chỉ còn ít giờ nữa là các điểm bỏ phiếu mở cửa, cán cân ủng hộ dành cho đôi bên vẫn ở mức “một chín, một mười”.

Bà Kamala Harris và ông Donald Trump. Ảnh: AFP

Bà Kamala Harris và ông Donald Trump. Ảnh: AFP

Lẽ thường, bầu tổng thống Mỹ luôn là dịp để các cử tri phán xét sự thành bại trong nhiệm kỳ của đảng cầm quyền. Không thể phủ nhận những thành quả mà Tổng thống Joe Biden đã để lại sau gần 4 năm ở Nhà Trắng, nhất là việc đưa nền kinh tế Mỹ từng bước hồi sinh trong giai đoạn hậu Covid-19. Bằng chứng là tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ trung bình hằng năm khoảng 3,5%, tổng số việc làm tăng 12%, mức lương trung bình của người dân Mỹ tăng 19% và tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm từ 6,7% xuống 4,1%. Dẫu vậy, việc cả hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris cố gắng thuyết phục cử tri bằng khẩu hiệu “thay đổi” chứng tỏ rằng, đa số người Mỹ vẫn chưa hài lòng với thực tại nền kinh tế và thậm chí thất vọng về những “di sản” đối nội và đối ngoại dưới thời chính quyền của ông Joe Biden.

Di sản đó là gì? Là tình trạng lạm phát tăng tới hơn 20% trong 45 tháng đầu nhiệm kỳ, đã và đang đè nặng lên nền kinh tế và mỗi hộ gia đình Mỹ, buộc những người nghỉ hưu phải trở lại thời kỳ làm công ăn lương. Là nguy cơ an ninh bất ổn từ dòng người di cư bất hợp pháp ở biên giới và bạo lực đeo bám tới sát ngày bầu cử. Là sự chuyển dịch vị thế ngày càng rõ nét trong bản đồ quyền lực thế giới, đe dọa hất văng nước Mỹ khỏi vị trí siêu cường duy nhất trên thế giới cả về kinh tế và quân sự. Là lò lửa xung đột đang bị hun đốt từng ngày ở biên giới Nga-Ukraine và những cuộc động binh khắp biên giới châu Âu. Là bản đồ Trung Đông trước nguy cơ bị xé nát bởi các cuộc giao tranh không bị kiềm chế; là xung chấn âm ỉ đe dọa hòa bình mong manh trên bán đảo Triều Tiên. Tất cả đang ngóng chờ bàn tay “cầm cân nảy mực” của Mỹ với vai trò “ông lớn” trên vũ đài quốc tế.

Thế nên, nước Mỹ vẫn khát khao “thay máu”, vẫn cần một liệu pháp mới để lấy lại sức bật và đứng dậy tìm lại bóng dáng của người khổng lồ ngày nào.

Những người ủng hộ ứng cử viên Kamala Harris tin rằng, ở tuổi 60, bà có thể đem tới nét tươi trẻ cho chính quyền Mỹ sau 8 năm cầm quyền của hai vị tổng thống cao niên. Trong xu thế nữ giới đứng đầu nhiều nước, đặc biệt là ở châu Âu, nhiều cử tri cũng kỳ vọng Phó tổng thống Kamala Harris sẽ trở thành “bà đầm thép” của xứ cờ hoa giống như nước Anh từng có nữ Thủ tướng Margaret Thatcher hay nước Đức từng có nữ Thủ tướng Angela Merkel. Thế nhưng, cũng không ít người e ngại rằng, liệu một phụ nữ có đủ nhạy bén để “bắt mạch” và chữa lành căn bệnh kinh tế cũng như các vấn đề nổi cộm khác của siêu cường hàng đầu thế giới? Liệu một phụ nữ có đủ mạnh mẽ và kinh nghiệm để lèo lái thế giới theo đúng trật tự mà Mỹ mong muốn, nhất là khi ở nhiều nơi, hòa bình đang bị đẩy đi xa theo hướng phóng của tên lửa và máy bay không người lái. Hơn thế nữa, dù giải thích thế nào thì trong cái nhìn của ngay cả những người ủng hộ, bà Kamala Harris khó tránh bị mang tiếng là “bản sao” của đương kim Tổng thống Joe Biden.

Hướng tầm mắt về phía ứng cử viên Donald Trump, người ta luôn thấy ở chính trị gia này hai hình ảnh. Bên cạnh một Donald Trump ồn ào, bộc trực, dễ vướng vạ miệng là một Donald Trump với đầu óc kinh tế thực tiễn, nguồn năng lượng dồi dào dù tuổi đã cận kề bát thập, cùng với đó là sự máu lửa, quyết liệt trong cả lời nói và hành động, sẵn sàng hành xử căn ke với cả đối thủ lẫn đồng minh vì lợi ích của nước Mỹ. Nhớ lại 8 năm trước, từ không gian của những dự án kinh doanh và đồng USD, tỷ phú Donald Trump bước vào sân khấu chính trị và rồi thắng cử ngay trong lần đầu tham chính. Niềm hứng khởi của các cử tri trước những cam kết vì nước Mỹ có thể đã phai nhạt nhiều, nhưng sự khao khát thêm một lần nữa trở lại tháp quyền lực cao nhất xứ cờ hoa của ông Donald Trump vẫn nguyên vẹn. Để làm được điều đó, dường như ông không sợ bất cứ điều gì. 3 vụ mưu sát bất thành cùng với hàng loạt cáo buộc hình sự thực chất chỉ khiến chính trị gia 78 tuổi này ghi điểm trong lòng những người ủng hộ với hình tượng đầy mạnh mẽ. Hơn thế nữa, cam kết chấm dứt lạm phát, bảo vệ biên giới phía Nam nước Mỹ và tháo các ngòi nổ xung đột ở Ukraine, Trung Đông mà ông Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử đều là những thứ chứa sức hút đặc biệt đối với nhiều cử tri thức thời.

Bầu cử tổng thống Mỹ 2024 có thể chưa phải ván cờ lớn duy nhất trong sự nghiệp chính trị của ứng cử viên Kamala Harris nhưng chắc hẳn là những nước đi quan trọng cuối cùng trong lộ trình theo đuổi quyền lực của ứng cử viên Donald Trump. Sau tất cả những màn khẩu chiến, bút chiến, những cam kết bùi tai, những chuyến đi miệt mài tại các bang chiến trường để thuyết phục cử tri và những đòn đánh chặn nhằm vào đối thủ, mọi dự đoán đều nghiêng về khả năng không có màn độc diễn nào trong cuộc quyết đấu lần này. Chiến thắng dành cho ai cũng sẽ chỉ ở mức sít sao.

Với tương quan như thế, dự cảm mách bảo rằng, quyền tối thượng lãnh đạo Nhà Trắng sẽ được trao cho ứng cử viên nổi trội hơn trong khả năng đánh thức niềm tự tin nước lớn trong mỗi người dân Mỹ và lấp đầy chiếc ví của họ.

Như thông lệ có từ cách đây hơn 2 thế kỷ, hôm nay, cử tri Mỹ sẽ định hình tương lai của mình trong 4 năm tới bằng những lá phiếu, dù có thể lựa chọn nào cũng chưa đúng với những gì họ mong muốn.

VŨ HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/binh-luan/binh-luan-cuoc-quyet-dau-dinh-hinh-tuong-lai-801611