Bình luận về việc cải tổ WTO, Đại diện Thương mại Mỹ đưa ra 5 đề xuất

Trong bài bình luận trên Wall Street Journal về cải tổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho rằng, dường như ngày càng có sự đồng thuận quốc tế về việc 'thiết lập lại' tổ chức này.

Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer cho rằng, dường như ngày càng có sự đồng thuận quốc tế về việc “thiết lập lại” WTO. (Nguồn: CGTN)

Đại diện Thương mại Mỹ Lighthizer cho rằng, dường như ngày càng có sự đồng thuận quốc tế về việc “thiết lập lại” WTO. (Nguồn: CGTN)

Cũng theo ông Lighthizer, WTO đã trở thành một tổ chức với những quy định và mức thuế không đồng đều.

Đại diện Thương mại Mỹ cho rằng, nhiều quy tắc áp dụng cho một số quốc gia nhưng không được áp dụng cho một số quốc gia khác và các thỏa thuận được gọi là thương mại tự do đã thúc đẩy chủ nghĩa bảo hộ và phá hoại nguyên tắc cốt lõi của WTO về đối xử tối huệ quốc. Ngoài ra, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO ưu tiên việc kiện tụng hơn là đàm phán và đã cố gắng tạo ra một hệ thống luật pháp thường không tuân theo các văn bản luật mà được các quốc gia thành viên của WTO thống nhất.

Theo ông Lighthizer, nếu các quốc gia có thể thúc đẩy lợi ích của mình thông qua kiện tụng hơn là đàm phán, thì động lực đàm phán sẽ giảm đi đáng kể. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi không có vòng đàm phán thuế quan đa phương nào thành công kể từ khi thành lập WTO.

Sự tê liệt mang tính thể chế này cũng đã ngăn cản các thành viên WTO giải quyết những biến dạng sâu sắc đối với nền kinh tế thế giới do các hoạt động phi thị trường của Trung Quốc, chẳng hạn như cưỡng bức chuyển giao công nghệ, trợ cấp và hoạt động của các doanh nghiệp do nhà nước kiểm soát.

Ông Lighthizer nhấn mạnh, các cải cách từng phần sẽ không đủ để kéo WTO khỏi guồng quay hiện tại, đồng thời cho rằng các quốc gia thành viên có thể tiến lên bằng cách tuân thủ các nguyên tắc cải cách thị trường và quy chế tối huệ quốc và đưa ra 5 đề xuất:

Thứ nhất, các thành viên WTO cần phải đồng ý về mức thuế cơ sở áp dụng cho tất cả các thành viên với những ngoại lệ tối thiểu. Một điểm khởi đầu tốt sẽ là tỷ lệ chuẩn dựa trên mức thuế trung bình ở các nước công nghiệp phát triển với độ chênh hạn chế để mỗi thành viên giải quyết những nhạy cảm chính trị của riêng mình.

Thứ hai, các nước cần chấm dứt lạm dụng các hiệp định thương mại tự do, ngoại trừ các hiệp định nhằm thúc đẩy hội nhập khu vực giữa các quốc gia tiếp giáp như các hiệp định điều chỉnh thương mại trong EU, hoặc Hiệp định USMCA. Các thành viên WTO phải mở rộng đối xử tối huệ quốc vô điều kiện với nhau.

Thứ ba, các nước có nền kinh tế lớn hoặc tiên tiến không được tiếp cận với các đối xử đặc biệt và khác biệt. Nếu các quy tắc của WTO thực sự là hiện thân của các tiêu chuẩn đẳng cấp thế giới, thì Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế tiên tiến khác nên tuân theo các quy tắc tương tự mà ràng buộc Mỹ, EU và Nhật Bản.

Thứ tư, WTO cần các quy định mới để ngăn chặn sự bóp méo kinh tế từ chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc. Không thể duy trì niềm tin của công chúng vào hệ thống thương mại quốc tế khi các thực tiễn phi thị trường phá hủy triển vọng cho người lao động và doanh nghiệp trên toàn thế giới.

Cuối cùng, hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO nên được xem xét lại hoàn toàn. Hệ thống hai cấp hiện tại nên được thay thế bằng quy trình một giai đoạn tương tự như trọng tài thương mại, trong đó các tòa án đặc biệt được áp dụng và giải quyết các tranh chấp cụ thể một cách nhanh chóng. Các phán quyết của các hội đồng xét xử một lần này chỉ nên áp dụng cho các bên trong tranh chấp. Thay vì cho bên thua kiện tự động kháng cáo lên cơ quan phúc thẩm, cần có một cơ chế cho phép các thành viên WTO loại bỏ các ý kiến sai lầm của ban hội thẩm trong các trường hợp ngoại lệ.

(theo Wall Street Journal)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/binh-luan-ve-viec-cai-to-wto-dai-dien-thuong-mai-my-dua-ra-5-de-xuat-122399.html