'Binh pháp Tôn Tử' trong đàm phán Mỹ - Trung

'Binh pháp Tôn Tử dựa trên sự lừa dối, đánh lừa đối thủ, che dấu thanh gươm của mình bằng nụ cười. Tôi không nói về đạo đức mà nói đến khác biệt về văn hóa. Hai bên đều có triết lý chung là thấu hiểu đối thủ của mình nhằm đạt mục tiêu cao nhất'.

Ông Steven Clarke, RMIT Asia Graduate Center

Ông Steven Clarke, RMIT Asia Graduate Center

Đó là nhận định của ông Steven Clarke, RMIT Asia Graduate Center, khi bàn về cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tại Vietnam CFO Forum 2019.

Trong giai đoạn kinh doanh quá nhiều bất ổn hiện nay, khi thương chiến Mỹ - Trung ngày càng phức tạp và biến hóa khôn lường, ảnh hưởng trực tiếp đến các chính sách vĩ mô của mọi quốc gia, tạo hiệu ứng nguy cơ lan tỏa và rủi ro thị trường… làm thế nào để chủ động nắm bắt cơ hội nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững?

Hơn 300 doanh nhân, các nhà tài chính, chuyên gia tài chính trong và ngoài nước đã có mặt trong sự kiện lớn nhất trong năm của giới tài chính Vietnam CFO Forum 2019 do CFO Việt Nam phối hợp với Hiệp hội quốc tế các nhà quản trị tài chính cấp cao (IAFEI) và Hiệp hội Kế toán công chứng Anh quốc (ACCA) cùng Hiệp hội các Giám đốc tài chính Nhật Bản (JACFO) tổ chức tại TP. HCM.

Các diễn giả quốc tế và trong nước đã bàn luận sâu về thương mại toàn cầu, ảnh hưởng chính sách thuế quan, pháp lý và thương mại đến doanh nghiệp Việt Nam, sự đánh đổi giữa tăng trưởng kinh tế và môi trường… từ đó đưa ra những thông điệp hữu ích cho các lãnh đạo, không chỉ để làm sao ứng phó vượt qua thách thức mà có thể chủ động vượt qua thách thức, hướng đến phát triển bền vững.

Để hiểu hơn về bức tranh thương mại toàn cầu, không thể không bàn tới cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang đi vào giai đoạn quyết liệt nhất. Trong nghiên cứu mới nhất của mình Nghệ thuật đàm phán thương lượng trong thương chiến Mỹ - Trung, ông Steven Clarke, RMIT Asia Graduate Center đã đưa ra một nhận định khá thú vị về cách sử dụng “Binh pháp Tôn Tử” trong nghệ thuật đàm phán xuyên văn hóa, xuyên thế giới này.

Từng phụ trách nhiều công ty bán lẻ Mỹ và toàn cầu, đi khắp thế giới tham quan các công xưởng, mở thương hiệu riêng giúp các khách hàng châu Âu tìm đến các nhà sản xuất châu Á. Từng gặp rất nhiều thất bại do quản trị không tốt, phá sản; quay lại trường học tiến sĩ, và trở thành nhà tư vấn… Dựa trên kinh nghiệm cá nhân và nghiên cứu của mình tại RMIT để khai thác thương mại toàn cầu, ông Steven Clarke cho rằng cuộc chiến này đang ảnh hưởng đến mọi cá nhân.

“Lần đầu tiên tôi đến Trung Quốc là năm 1971, thực ra Mỹ và Trung Quốc đã có vấn đề thương mại từ 1972 rồi. Mỹ đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc và ngược lại, có mối quan hệ cộng sinh và cùng cam kết WTO và những nền tảng của thương mại toàn cầu. Nhưng khi Trump bước vào Nhà Trắng, ông đã buộc tội Trung Quốc là “kẻ cắp lớn nhất trong lịch sử thế giới” trong bàn giao công nghệ, nguồn tài sản trí tuệ.

Khi McDonald’s bước vào Trung Quốc, họ chỉ tới được các vùng nông thôn, vì đã có người Trung Quốc đã đăng ký sở hữu bản quyền chữ “M” màu vàng của McDonald’s ở thành thị.

McDonald’s phải giải quyết cả một quá trình mệt mỏi, rất nặng nề về vi phạm bản quyền mới chiếm được thị phần, đến giờ vẫn chưa hết lao đao. Trung Quốc rất thông minh, họ là bậc thầy về chơi cờ Vua, còn Mỹ là người chơi cờ Đam; nên chiến lược về quân sự và chiến lược đàm phán của hai bên rất khác nhau.

Từ 2018 đến nay Mỹ liên tục tăng việc áp thuế quan vào hàng hóa Trung Quốc… Do Mỹ và Trung Quốc đều thấy mình có thế mạnh triêng, đàm phán trên thế mạnh của mình. Cả hai bên đều không muốn rời bỏ vị trí của họ theo triết lý không thể thỏa thuận được một điều gì cho đến khi chúng ta thỏa thuận được tất cả mọi thứ. Hoặc 100%, hoặc không là gì cả.

Cả hai bên đều không tin vào tính chính trực của bên đối thoại, dựa trên nguyên tắc “tắc kè hoa”, có vẻ rất giận dữ nhưng thực ra vô cùng bình tĩnh với mỗi quyết định đưa ra. Dẫn đến hiện tượng rất nhiều tin giả, truyền thông giả. Theo binh pháp Tôn Tử, mọi hoạt động chiến tranh đều là lừa dối, "thêm mắm dặm muối".

Mỹ ngày càng thâm hụt thương mại với Trung Quốc, gia tăng doanh thu của chính phủ Mỹ, nền công nghiệp Mỹ, có thị trường lao động mạnh hơn. Còn Trung Quốc tăng trưởng GDP đã chậm hơn rất nhiều, đồng nhân dân tệ đang ngày càng mất giá, tác động mạnh mẽ tới nền kinh tế của các tỉnh thành, phải vay ngày càng nhiều để tiếp tục duy trì nền kinh tế. Ở cuộc đàm phán mới nhất, cả hai bên đều lo lắng, tìm cách giảm thuế quan, giảm nhiệt, để trong tương lai cả hai bên cùng có lợi.

Có một chi tiết mà chúng ta cần lưu ý là khái niệm thực thi, đó là vấn đề rất khó đoán định ở cả hai bên. Tất cả các quốc gia lớn đều có thuế quan về ngành xe hơi, được xem là bảo đảm an ninh quốc gia. Mỹ đang ngưng sản xuất các toa tàu, vì nghi Trung Quốc có phần mềm mà Mỹ buộc tội liên quan đến an ninh quốc gia, ảnh hưởng đến cuộc đàm phán này”.

Vậy ai sẽ được lợi trong cuộc thương chiến này? Theo ông Steven Clarke, khu vực ASEAN được xem là người chiến thắng trong tiềm năng.

Tháng 9/2019, thâm hụt Mỹ giảm thấp nhất, trong khi đó tăng nhập khẩu từ khối cộng đồng chung châu Âu. Trung Quốc phải giảm mạnh giá trị tiền tệ để giảm ảnh hưởng thuế quan vào Mỹ, như vậy hàng hóa vào Việt Nam sẽ rẻ hơn, các công ty Việt Nam rất khó cạnh tranh. Các nhà đầu tư Đài Loan và Hongkong đang có mối quan tâm lớn đến các Khu công nghiệp ở Bắc Ninh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long so với các nước, khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn hơn.

Trong tương lai Mỹ có thể sẽ áp thuế quan vào Việt Nam nếu họ phát hiện ra hàng hóa Trung Quốc bây giờ lại được đóng mác Việt Nam để xuất sang Mỹ. Chiến tranh thương mại có thể tước đi các nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam. Điều này ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng quốc gia.

Hơn nữa, các giao dịch thương mại này phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu, nếu như nền kinh tế toàn cầu có vấn đề thì Việt Nam cũng ảnh hưởng rất lớn.

Một cơ hội nữa cho Việt Nam là 60% nhà sản xuất các thiết bị điện tử đã gõ cửa khu công nghiệp ở khu vực Đông Bắc Hà Nội 6 tháng qua để tránh thuế quan đánh vào Trung Quốc. Nike đã có 9 nhà máy sản xuất giày hoàn toàn bằng robot tại Việt Nam.

Chiến tranh thương mại không phải chuyện sống chết như ngày xưa, chỉ là vấn đề bất quân bình giữa các bên khác nhau. Việt Nam đang thu hút các bên khác nhau của thế giới. Đầu tư thương mại vào Trung Quốc không tốt cho khu vực châu Á, thậm chí họ còn gửi người sang các quốc gia khác, đầu tư Trung Quốc không dễ chút nào. Đây là cơ hội để Việt Nam tham gia sâu hơn vào thương mại toàn cầu. Việt Nam đang trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ.

Việc sử dụng công nghệ mới cho dân sự và quân sự ngày càng tăng cao, khiến cho vấn đề địa chính trị ngày càng căng thẳng hơn, buộc chúng ta phải tìm phương cách mới quản trị doanh nghiệp và quản trị quốc gia.

Ông Steven Clarke cho biết, khi mới đến Trung Quốc, để thay đổi chính sách tỷ lệ ngoại hối, phải chuẩn bị trước 6 tháng mới áp dụng vào thị trường. Nhưng hiện nay chính sách tiền tệ thay đổi nhanh chóng hơn nhiều. Thị trường chứng khoán Thượng Hải gần như không tăng trưởng vì họ không có khả năng đầu tư hai chiều. Còn ở Mỹ gần như tăng trưởng theo cấp số nhân. Các công ty đang dời khỏi Trung Quốc.

Nghiên cứu hai bên Mỹ và Trung Quốc, thế nào là sự chân thực, thế nào là nói dối, phải nghiên cứu văn hóa hai bên, văn hóa giữa ông Tập và ông Trump trong đối thoại song phương xuyên quốc gia của họ. Không đơn thuần chỉ là thương mại mà rộng hơn rất nhiều, liên quan đến tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ giao tiếp… để hiểu họ là ai, hành động dựa trên nguyên tắc văn hóa, tôn giáo nào?

"Binh pháp Tôn Tử dựa trên sự lừa dối, đánh lừa đối thủ, che dấu thanh gươm của mình bằng nụ cười. Chúng tôi không nói về đạo đức, mà nói đến khác biệt về văn hóa. Hai bên đều có triết lý chung là thấu hiểu đối thủ của mình nhằm đạt mục tiêu cao nhất. Cuộc chiến này ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu, một số quốc gia thụ hưởng nhờ suy thoái từ Trung Quốc như Brazil, Áchentina, Úc…xuất khẩu sang Trung Quốc.

Trung Quốc kỳ vọng Mỹ sẽ hỗ trợ thương mại tự do và mở cửa với Trung Quốc, nhưng Mỹ kỳ vọng Trung Quốc cải tổ chính trị để mở rộng cải cách kinh tế, đó là hai kỳ vọng hoàn toàn khác nhau giữa hai bên", ông Steven Clarke nói.

Theo ông Steven Clarke, có ba kịch bản sẽ xảy ra.

Kịch bản thứ nhất: Kinh tế Trung Quốc tiếp tục phát triển từ 3 - 5% mỗi năm, bất quân bình về cấu trúc lâu dài, vay nợ nặng làm yếu đi nền kinh tế. Trung Quốc sẽ phải giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp, dẫn đến bẫy thu nhập trung bình.

Kịch bản thứ 2: Trung Quốc phải có chế độ chuyên chế mềm, Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ phải có sự cải cách phần nào hệ thống chính trị, để có chế độ chuyên chế mềm mỏng, rộng mở hơn để thúc đẩy sự sáng tạo, giảm thiểu ảnh hưởng đến xã hội và nhà nước, có ảnh hưởng tích cực vào nền kinh tế, tuy nhiên vẫn không thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Kịch bản thứ 3: Trung Quốc sẽ phải giải quyết nợ nần, giải quyết thế lực thị trường tự do lớn hơn, cải cách chính sách đất đai, tham nhũng, môi trường… khai thác tài sản lớn của họ về con người và vốn.

"Căng thẳng này dù ở kịch bản nào cũng mang lại cơ hội thương mại giữa các bên. Có cơ hội 2 bên sẽ đi đến thỏa thuận, liên quan đến chính trị như vấn đề Biển Đông, Nhật Bản… Thông điệp mà tôi muốn đưa ra là thương mại đem lợi ích cho cả hai bên một cách công bằng, các ngành công nghiệp giao dịch với nhau sẽ không có chiến tranh thương mại xảy ra", ông Steven Clarke nhấn mạnh

Kim Yến ghi

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/binh-phap-ton-tu-trong-dam-phan-my-trung-1573964531020.htm