Bình yên A Pa Chải

'Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn' (Chế Lan Viên). Hai câu như nốt nhạc, như lời hát thi thoảng lại rung ngân trong hồn tôi, khi có một cơn cớ nào đó liên gợi đến núi rừng A Pa Chải, cực Tây của Tổ quốc.

Mong nhớ, hò hẹn với đất với người nhưng rồi công việc và trăm thứ “bà rằn” của cuộc sống cứ cuốn tôi đi. Sau bao năm vời vợi xa, vào một ngày cuối thu, tôi mới để lại phía sau mọi thứ, chộn rộn gói ghém tư trang, gói ghém tất cả nhớ mong cho chuyến đi này. A Pa Chải ơi, đất ơi, người ơi, hãy đợi tôi về!

Cũng như những năm về trước, tôi thường chọn chuyến xe đêm từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) lên thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Sau một giấc ngủ sâu, khoảng hơn 6 giờ sáng là xe đã vượt trên 450km để đến thành phố. Nhưng ở chuyến đi này, không hiểu sao tôi không thể nào vào giấc, không phải là do những cung đường với liên tiếp khúc cua làm xe rung lắc, cũng không phải cảm giác lâu lâu mới lại xa nhà. Có lẽ, nỗi háo hức như một người xa quê đã lâu sắp được đặt chân lên đất mẹ, cái bồi hồi hoài niệm về ngàn ngày gắn bó với đất, với người A Pa Chải đã làm tôi thao thức chăng?

 Chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải kiểm tra cột mốc số 0 - cột mốc ngã ba biên giới ba nước Việt Nam-Trung Quốc-Lào.

Chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải kiểm tra cột mốc số 0 - cột mốc ngã ba biên giới ba nước Việt Nam-Trung Quốc-Lào.

Đúng 7 giờ tôi lên chuyến xe từ thành phố vào A Pa Chải. Xe qua cánh đồng Mường Thanh, bác tài xế như cũng cố tình đi chậm lại để mọi người được thưởng thức cảnh sắc ngút ngát, lộng lẫy của vựa lúa trứ danh nhất vùng Tây Bắc: “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” (Mường Thanh (Điện Biên Phủ-Điện Biên); Mường Lò (Nghĩa Lộ-Yên Bái), Mường Than (Than Uyên-Lai Châu), Mường Tấc (Phù Yên-Sơn La) là bốn cánh đồng lớn thuộc vùng Tây Bắc). Gió thu hây hẩy, lúa chín mẩy gục đầu chao bông cho người nhìn cảm giác đang trôi trên một biển vàng rập rờn sóng vỗ...

Qua thành phố Điện Biên Phủ, rồi hết địa phận huyện Mường Chà, cung đường bắt đầu cao hơn, nhiều khúc cua hơn. Trên xe, một số người gà gật để trốn những cơn say. Tôi ngồi bên cửa kính, ô cửa được mở nên gió và sương chen nhau tràn vào trong xe. Những làn sương lạnh và ẩm ướt, rất đặc trưng của miền rừng ùa ngập vào tôi. Nhưng tôi không thấy lạnh mà cảm nhận trong sương gió, hình như có mùi lá hoa từ trên các trảng rừng kia gửi tặng cho người mới trở về. Thật đúng là mùi gì đó như tinh dầu của lá và một thứ hỗn hương dịu nhẹ từ các nhụy hoa, những loài hoa vô danh ngàn năm đã gắn với núi rừng, lặng thầm, chắt chiu và dâng hiến.

Tầm 3 giờ chiều, xe vào đến Mường Nhé. Cả thị trấn như chìm trong sắc vàng mơ của nắng thu. Sự ồn ào phố xá đã thay thế cho vẻ trầm buồn, tĩnh lặng của những chiều thu nhiều năm về trước. Nhà xe cho khách giải lao, tôi định tìm đến quán nước chè của bà Nu, người phụ nữ Hà Nhì phúc hậu ngày trước nhưng không thấy dấu vết gì ở khoảnh đấy ngay sát hông chợ Mường Nhé. Chỗ ấy, đã mọc lên mấy ngôi nhà cao tầng, mang dáng dấp hiện đại của đời sống phố thị. Thật bất ngờ, tôi gặp lại đồng đội cũ-Trung tá Đặng Văn Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải, anh vừa tan buổi họp ở UBND huyện Mường Nhé. Thế là tôi được đề nghị chuyển xe, cùng anh ngược về A Pa Chải. Ngồi bên Tuấn, tôi thú thật rằng tôi muốn chuyến lên với cực Tây lần này với tâm thế của một người xa quê trở lại cố thổ, một cánh chim thiên di quay về tổ ấm. Tôi nhìn sang Tuấn, mái đầu anh đã non nửa sợi bạc. Hai mươi năm đời lính biên thùy cho anh vẻ phong trần, từng trải. Một lúc rất lâu, câu chuyện giữa chúng tôi đứt quãng, Tuấn hướng về con đường đang dần cán đích cuối cùng của hành trình là đồn, ngôi nhà của những người lính trấn thủ biên thùy. Còn tôi thì nhìn ra những trảng rừng ngút ngái xanh, đôi chỗ điểm xuyết vài tán lá vàng đỏ, những loài cây thay lá báo một mùa đông sắp tràn về.

Tôi hỏi Tuấn về tình trạng Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Anh bảo mấy năm qua, những cánh rừng ở Mường Nhé không chỉ được các lực lượng chức năng gìn giữ, mà đồng bào các dân tộc nơi đây đã dành nhiều tâm huyết, tình cảm cho bà mẹ rừng, lá phổi xanh, nguồn sống của chính quê hương mình. Hiện nay, hầu như không còn một khẩu súng săn nào được cất giữ trong các gia đình, các loại cạm bẫy thủ công cũng hiếm gặp. Anh cho biết, năm 2008, Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được khoanh vùng với diện tích hơn 45.000ha, thuộc địa bàn 5 xã biên giới của huyện Mường Nhé là Nậm Kè, Mường Nhé, Chung Chải, Leng Su Sìn và Sín Thầu. Việc hạn chế khai thác gỗ và cấm săn bắn chim, thú rừng đã gây ra những phản ứng tiêu cực của một bộ phận người dân địa phương có thói quen sống dựa hoàn toàn vào việc khai thác các sản vật từ rừng.

Nhưng rồi, qua công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền địa phương, cán bộ kiểm lâm, bộ đội biên phòng, đại bộ phận người dân đã hiểu ra và ủng hộ chủ trương của Chính phủ. Hôm sau, nhân lúc gặp mấy cán bộ, chiến sĩ trong Đồn Biên phòng A Pa Chải mới đi tuần tra về, tôi hỏi anh em về hiện trạng Khu bảo tồn, họ cho biết những lần đi tuần vẫn gặp những cây pơ mu, trầm hương, lát hoa, dổi có đường kính một người ôm không hết, thi thoảng còn nhìn thấy lợn rừng, nai xuống suối uống nước, khỉ, voọc đu mình, chí chóe đùa nhau như trẻ con trên những tán lá cây xum xuê...

Hai ngày ở A Pa Chải, tôi có dịp thăm lại nhiều nơi, gặp lại nhiều người. Nhà nào cũng muốn vào, để nói với chủ nhà vài câu, nhìn xem người già đã già đi như thế nào và bọn trẻ con thì có thể nhận ra con nhà ai nữa không. Theo lối đường mòn, băng qua con suối Mo Phí, tôi vào trang trại của “vua bò” Chang Váng Sinh, ngôi nhà nằm yên bình giữa thảo nguyên Tá Miếu, ngay phía sau là đỉnh Khoan La San (phía Trung Quốc gọi là Thập Tầng Đại Sơn) cao vút. Ngày tôi còn công tác ở địa bàn, ông Sinh và gia đình ông là chỗ thân tình với đơn vị. Chúng tôi đã dựa vào ông, gia đình ông và bao người dân đất này để hoàn thành nhiệm vụ giữ gìn cương thổ của Tổ quốc.

Ông Sinh nay 74 tuổi nhưng vẫn tinh tường, tráng kiện. Đàn bò của gia đình ông đã phát triển lên đến gần 200 con, ông vẫn giữ vững danh hiệu “vua bò” mà anh em biên phòng “trao tặng” từ hơn 10 năm về trước. Ông muốn giữ tôi lại, ăn một bữa cơm với gia đình, như ruột thịt trở về nhà. Nhưng vì có hẹn với những nơi khác, để khỏi phụ lòng ông, tôi xin phép được uống với ông một chén rượu. Chỉ một chén rượu thôi, vậy mà khi rời thảo nguyên tôi đã thấy mình chếnh choáng, cái thứ rượu trong vắt nấu từ gạo của cánh đồng Sín Thầu với men lá rừng này thật là “lợi hại”.

Pờ Mì Lế là một phụ nữ xinh đẹp, dịu dàng. Tôi từng chứng kiến một quãng thanh xuân rực rỡ và theo dõi sự phát triển của chị trong những năm tháng qua: Từ cô bé tóc cháy nắng thích câu cá, cưỡi ngựa, đến thiếu nữ hương sắc giữa thâm sơn, rồi Phó bí thư và giờ là Bí thư Đảng ủy xã Sín Thầu. Trong lúc nói chuyện với tôi, một trong những vấn đề khiến chị trăn trở nhiều nhất là bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống của người Hà Nhì. Xã Sín Thầu có dân số hơn 1.300 người, 96% là người Hà Nhì.

Những năm qua, vùng đất này có sự giao lưu, đón nhận nhiều luồng sinh khí mới, nhưng cũng có những thứ tràn đến nảy sinh nguy cơ làm mất đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của tộc người. Mì Lế đã cùng với lãnh đạo địa phương lập nhiều dự án để giữ gìn những nét tinh hoa mà tổ tiên, ông cha đã trao truyền lại. Tháng 6-2019, lễ cúng bản (Gạ Ma Thú), lễ hội lớn, quan trọng nhất của người Hà Nhì (gồm 4 xã Sín Thầu, Chung Chải, Sen Thượng, Leng Su Sìn) được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chị Lế vui vẻ cho tôi biết: “Hiện nay, trong xã đã có gần chục hộ gia đình biết làm du lịch văn hóa cộng đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ chọn một đến hai bản để tập trung quy hoạch, đầu tư, gắn phát triển du lịch nâng cao đời sống kinh tế, tinh thần của bà con kết hợp với việc giữ gìn văn hóa tộc người”.

Hai ngày với A Pa Chải vèo trôi như một cơn gió. Trên đường về xuôi, tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói của Trung tá Đặng Văn Tuấn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng A Pa Chải: “Chúng ta về đây công tác vài ba năm rồi lại chuyển đến miền đất mới, chỉ những người dân nơi đây mới thực sự là những cái cây đâm rễ sâu vào đất, những cột mốc sống cắm vững chãi ở cực Tây này”. Nghĩ về đồng đội, về những biên dân nơi này, lòng tôi lại dâng lên niềm tin yêu dạt dào rằng A Pa Chải đang và sẽ mãi là điểm sáng nơi cuối trời Tây Bắc.

Bút ký của NGUYỄN QUANG MINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/ky-su/binh-yen-a-pa-chai-709502