Bình yên 'chợ nổi' trên sông Ngô Đồng

Nhắc đến chợ nổi chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đến miền Tây Nam Bộ mênh mông sóng nước. Nhưng ở trên đất Bắc cũng có một chợ nổi lênh đênh đã trở thành một phần trong hành trình du lịch trở về thăm non nước Tam Cốc (Ninh Bình). Nói đến chợ nổi ắt phải kể đến sông.

Đó là dòng Ngô Đồng uốn lượn dưới chân các dãy núi đá vôi. Sông hiền hòa ôm từng dải đất để bồi đắp nên những cánh đồng trù phú tốt tươi. Mỗi mùa, bờ bãi lại đổi thay sắc màu, khi xanh mướt bởi lúa đương thì con gái, lúc rực vàng của lúa chín dập dìu, hết mùa thu hoạch ven sông bàng bạc màu nước, có khi lấp lánh ánh vàng hòa cùng sắc xanh ngọc bích. Mùa nào sông cũng đẹp, cũng hữu tình. Nhưng cái tình tứ của cảnh sắc ấy có được một phần là nhờ bàn tay con người điểm tô.

Trên dòng Ngô Đồng trải mình như dải lụa mềm quấn bên vách núi, những chiếc thuyền nhỏ nhẹ khua mái chèo như đưa khách về miền hư ảo. Núi cao chất ngất, sông nước lững lờ, bờ bãi bình yên. Chúng tôi ngồi trên chiếc thuyền nhỏ, cô lái đò tên Lan nhẹ khua mái chèo. Vừa đi cô vừa nhẩn nha kể chuyện khiến hành trình thủy lộ thêm phần thú vị. Chẳng mấy chốc thuyền đã lướt qua Tam Cốc (3 hang động) và dừng lại ở bãi nghỉ. Một khoảng sông rộng có rất nhiều thuyền nhỏ neo đậu. Đây chính là chợ nổi nằm ở cuối hành trình thưởng ngoạn cảnh sắc. Gọi là chợ vì ở đây cũng diễn ra cảnh mua bán phục vụ du khách. Những chiếc thuyền do các bà, các chị chèo lái chở đầy hoa quả, đặc sản của vùng đất Ninh Bình. Ghé sát bên chiếc thuyền hàng, cô lái đò đon đả mời chúng tôi uống nước mát và ăn xoài lắc muối ớt. Nhanh tay phục vụ, cô Đào Thị Mơ người xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư tươi cười góp chuyện như muốn du khách thêm hài lòng. Vốn quê gốc ở đất này, vào mùa vụ cô làm đồng, lúc nông nhàn lại chèo thuyền bán hàng. Hằng ngày cô dậy từ sớm chèo thuyền hơn 3 cây số đường sông, lúc đông lúc thưa khách tùy vào từng thời điểm du lịch, ngày nọ bù ngày kia cũng tạm đủ để trang trải cuộc sống gia đình.

 Bán hàng phục vụ du khách trên sông Ngô Đồng.

Bán hàng phục vụ du khách trên sông Ngô Đồng.

Chị em là người cùng xã hợp lại với nhau thành chợ. Các mặt hàng phục vụ chủ yếu là hoa quả lấy ở trong làng, mùa nào thức nấy đủ đầy như phiên chợ quê. Nào chuối, ngô, cam, táo, cơm cháy, bánh gai... và thêm vài món quà lưu niệm, chút nước mát, thế là đủ hành trang cho một buổi chợ. Điểm tô cho mỗi chiếc thuyền là những bó hoa sen, hoa súng in bóng nước thêm lung linh đa sắc. Là khu chợ nằm biệt lập với dân cư nên người mua là những vị khách du lịch. Khách mua đặc biệt nhưng không vì thế mà giá cả đắt đỏ, mọi thứ đều phải chăng. Cô Mơ chia sẻ: “Bán hàng để phục vụ du lịch nên chị em bảo nhau cố gắng làm sao vui lòng khách đến vừa lòng khách đi”. Tất cả cùng nhau bám sông kiếm sống, thế nên không có cảnh tranh giành chèo kéo khách, người mua người bán đều tươi cười niềm nở.

Sau một chặng đường sông khá dài, khách có thời gian nghỉ ngơi uống cốc nước mát lạnh, ăn chút trái cây người bỗng thấy khoan khoái. Nhiều khách quốc tế rất thích thú trước cảnh chợ quê bình dị vùng sông nước này. Mỗi người bán hàng sẵn lòng trở thành một hướng dẫn viên du lịch tự hào kể về non nước quê mình. Thuyền chuẩn bị quay đầu trở về, chúng tôi lựa mua mấy món quà lưu niệm. Trước lúc chia tay, cô bán hàng không quên lời dặn dò có dịp quay trở lại Tam Cốc. Thuyền lững lờ trôi, tiếng mái chèo vỗ bì bọp bên mạn, ngoái nhìn lại vẫn còn đó những bóng thuyền neo đậu yên bình đợi chờ khách. Non nước Tam Cốc trở về với vẻ tĩnh lặng vốn có tự ngàn năm và con người nơi đây vẫn gắn bó với sông nước bờ bãi, trở thành điểm nhấn du lịch mời gọi du khách bốn phương đến với nơi này.

Bài và ảnh: THƯ NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/du-lich/binh-yen-cho-noi-tren-song-ngo-dong-623101