Bịt 'khoảng hở' trong xử lý vi phạm chứng khoán
Đang có 'khoảng hở' trong cơ chế phối hợp xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán (TTCK). Thị trường kỳ vọng, với cơ chế mới vừa được Bộ Tài chính ban hành, tình trạng này sẽ dần được khắc phục, đồng thời có căn cứ cụ thể hơn trong xử lý các hành vi vi phạm.
Sẽ không còn tình trạng “treo” các vụ vi phạm
Trong năm 2013, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức hơn 60 đoàn thanh tra, kiểm tra, qua đó phát hiện và xử phạt trên 100 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt hơn 7,7 tỷ đồng.
Công tác xử lý vi phạm thời gian gần đây đã “mạnh tay” hơn, nhưng do hạn chế của quy định pháp lý nên vẫn còn “khoảng hở” trong xử lý vi phạm, cụ thể là cơ chế phối hợp thiếu chặt chẽ, chưa kịp thời giữa các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, các bộ, ngành và UBCKNN.
Pháp luật hiện hành quy định UBCKNN có trách nhiệm chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền, để xem xét khởi tố vụ án, nhưng lại chưa quy định trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng không khởi tố vụ án hình sự, thì phải trả lại hồ sơ cho UBCKNN để xử lý theo thẩm quyền và công khai cho thị trường biết.
Vì hạn chế này mà không ít hồ sơ vụ việc được UBCKNN chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự xử lý, nhưng kết quả xử lý ra sao không được công khai kịp thời tới thị trường. Điều này phần nào làm giảm tính răn đe đối với các hành vi vi phạm.
Việc khắc phục hạn chế trên đã định hình tại Thông tư 217/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 108/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK, mà Bộ Tài chính vừa ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/3/2014.
Theo đó, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có trách nhiệm xem xét, kết luận vụ việc và trả lời kết quả giải quyết bằng văn bản cho người có thẩm quyền đã chuyển hồ sơ trong thời hạn theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự. Trường hợp không khởi tố vụ án hình sự, thì trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày có quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự phải trả hồ sơ vụ việc cho người có thẩm quyền xử phạt đã chuyển hồ sơ đến…
Quy định mới còn khắc phục “khoảng hở” về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với UBCKNN trong phát hiện, xử lý vi phạm.
Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, nhưng không thuộc thẩm quyền xử phạt của mình, thì phải chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc và đề xuất xử lý bằng văn bản tới UBCKNN để làm rõ vi phạm, hoặc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Quy định mới không chỉ làm rõ cơ chế, thẩm quyền phối hợp giữa UBCKNN với các cơ quan bên ngoài, mà còn phân định cụ thể thẩm quyền xử phạt giữa Chánh Thanh tra UBCKNN và Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành của UBCKNN.
Theo đó, điểm mới của Thông tư 217 là Trưởng đoàn Thanh tra chuyên ngành của UBCKNN có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính được phát hiện qua hoạt động thanh tra chuyên ngành.
Làm rõ thời hiệu xử phạt
Điểm mới nữa của Thông tư 217 so với quy định hiện hành, còn là quy định chi tiết thời hiệu xử phạt đối với một số hành vi vi phạm được quy định mang tính nguyên tắc tại Nghị định 108/2013.
Theo đó, đối với hành vi phạm quy định về thực hiện chào bán, phát hành chứng khoán, ngày chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày kết thúc việc đăng ký mua chứng khoán; trường hợp đã thu tiền mua chứng khoán, thì ngày chấm dứt hành vi vi phạm để tính thời hiệu xử phạt là ngày kết thúc việc thu tiền mua chứng khoán.
Riêng hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đăng ký công ty đại chúng, thì thời hiệu xử phạt được tính kể từ ngày lập biên bản ghi nhận hành vi vi phạm.
Đối với hành vi báo cáo, công bố thông tin không đúng thời hạn, không báo cáo, công bố thông tin theo quy định hoặc theo yêu cầu, thời điểm xác định hành vi vi phạm được thực hiện là ngày kế tiếp ngày kết thúc thời hạn phải thực hiện báo cáo, công bố thông tin đó.