Bịt lỗ hổng giá xét nghiệm Covid-19 thế nào?

Trước những lỗ hổng về giá thiết bị y tế, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã xây dựng Nghị định 98 đưa phương thức từ công khai giá sang buộc phải kê khai giá và truyền dữ liệu về Bộ Y tế.

Phát biểu giải trình về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Tài chính đối với việc quản lý giá tại phiên họp Quốc hội sáng 10/11, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Luật Quản lý giá năm 2012 xác định giao cơ quan quản lý giá chuyên ngành về cho Bộ chuyên ngành quản lý.

Cụ thể, giá đất giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý, giá điện, xăng dầu giao cho Bộ Công Thương quản lý. Vì vậy, giá thiết bị y tế do Bộ Y tế chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, thời gian qua đã xảy ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực quản lý giá, không những giá thiết bị y tế, mà còn có cả giá giáo dục, giá đất đều có lỗ hổng, cần phải hoàn thiện. Trước tình hình trên, Bộ Tài chính và Bộ Y tế đã thảo luận và xây dựng Nghị định 98 ngày 8/11 để đưa phương thức từ công khai giá sang buộc phải kê khai giá và truyền dữ liệu về trung tâm của Bộ Y tế để quản lý.

“Khi đã kê khai, nếu bán giá sai sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép hoạt động, thậm chí bị truy tố trước pháp luật”, Bộ trưởng Phớc nói.

 Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Hồng Phong.

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: Hồng Phong.

Đồng thời, trong kê khai giá, Nghị định 98 yêu cầu nếu nhập khẩu, đơn vị phải công khai giá nhập hải quan, cộng với chi phí được tính hợp lý để hình thành lên giá cơ sở; còn nếu sản xuất trong nước thì phải đưa ra giá thành sản xuất và công khai giá bán.

Đối với vấn đề loạn giá, Bộ Tài chính cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Thuế và ngành hải quan quản lý chặt chẽ, không để các đơn vị lợi dụng việc viện trợ, tài trợ để nâng giá, đưa vào chi phí sản xuất.

Đối với vướng mắc về tài chính cấp huyện, mô hình hiện nay do Sở Y tế quản lý tài chính. Ở đây, cơ chế tài chế phải thông qua HĐND tỉnh, UBND tỉnh phân bố dự toán cho Sở Y tế, sau đó Sở Y tế mới phân bổ cho huyện.

“Nếu áp dụng mô hình này, tỉnh ở xa mà huyện thì ở gần, xa thì không với đến mà gần thì không có quyền để với. Cho nên vấn đề y tế cấp huyện vẫn có thiệt thòi và hạn chế”, Bộ trưởng Phớc nhìn nhận và cho rằng có thể giao quản lý tài chính về cho huyện, TP, thị xã quản lý. Sở Y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn.

Còn ý kiến xã hội hóa về y tế để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đại diện Bộ Tài chính đánh giá đây là mô hình tốt. Tuy nhiên, điều này dễ dẫn đến sai phạm do lợi dụng lỗ hổng để trục lợi.

Bộ trường lấy ví dụ trường hợp khi doanh nghiệp đã liên doanh liên kết, sẽ liên quan đến vấn đề định giá vật tư thiết bị góp vào, lúc này có thể nâng giá lên để ăn chia. Như vậy, giá dịch vụ sẽ tăng và có sự trục lợi ở đây.

Lỗ hổng thứ hai là yếu tố thời gian phụ thuộc vào tính chủ quan của doanh nghiệp, thứ ba là vấn đề ăn chia phân phối, dễ dẫn đến tư lợi. Bộ Tài chính cho rằng cần phải có văn bản hướng dẫn.

“Theo quy định của pháp luật, Bộ Y tế sẽ chủ trì, Bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ để xây dựng đối với văn bản hướng dẫn trên. Thứ hai, phải tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và thanh tra để ngăn chặn thất thoát, lãng phí và tham nhũng”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Văn Hưng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bit-lo-hong-gia-xet-nghiem-covid-19-the-nao-post1276441.html