Bloomberg: Microsoft yêu cầu nhân viên ở Trung Quốc dùng iPhone thay cho máy Android để làm việc

Theo hãng tin Bloomberg, Microsoft yêu cầu nhân viên ở Trung Quốc sử dụng iPhone cho công việc bắt đầu từ tháng 9 tới, loại bỏ các thiết bị chạy hệ điều hành Android khỏi môi trường làm việc.

Tập đoàn công nghệ Mỹ sẽ sớm yêu cầu nhân viên tại Trung Quốc chỉ sử dụng các thiết bị Apple để xác minh danh tính của họ khi đăng nhập vào máy tính hoặc điện thoại cho công việc, theo một bản ghi nhớ nội bộ mà hãng tin Bloomberg nhìn thấy.

Là một phần của Sáng kiến Tương lai An toàn Toàn cầu của Microsoft, biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến hàng trăm nhân viên trên khắp Trung Quốc và nhằm đảm bảo tất cả họ sử dụng trình quản lý mật khẩu Microsoft Authenticator cùng ứng dụng Identity Pass.

Identity Pass là ứng dụng di động do Microsoft phát triển, có các tính năng sau:

- Xác minh danh tính: Giúp người dùng xác minh danh tính của họ khi đăng nhập vào các tài khoản Microsoft, ứng dụng và dịch vụ khác.

- Quản lý mật khẩu: Cho phép người dùng lưu trữ và quản lý mật khẩu một cách an toàn, đồng thời tự động điền thông tin đăng nhập khi cần thiết.

- Xác thực đa yếu tố (MFA): Cung cấp thêm một lớp bảo mật bằng cách yêu cầu người dùng nhập mã xác minh từ ứng dụng ngoài việc sử dụng mật khẩu.

- Quản lý quyền truy cập: Cho phép người dùng kiểm soát quyền truy cập vào các tài nguyên của Microsoft, chẳng hạn như Azure AD.

Động thái trên từ Microsoft nhấn mạnh bản chất phân tán của các cửa hàng ứng dụng Android ở Trung Quốc và sự khác biệt ngày càng tăng giữa hệ sinh thái di động của quốc gia châu Á này so với nước ngoài.

Không giống App Store của Apple, Google Play không khả dụng ở Trung Quốc, nên các nhà sản xuất smartphone nội địa như Huawei và Xiaomi vận hành các nền tảng riêng của họ.

Microsoft đã chọn chặn quyền truy cập từ các thiết bị đó vào tài nguyên của công ty này vì chúng không có các dịch vụ di động Google ở Trung Quốc, theo nội dung bản ghi nhớ.

Bất kỳ nhân viên nào sử dụng thiết bị Android, gồm cả do Huawei hoặc Xiaomi sản xuất, sẽ được cung cấp iPhone 15 một lần duy nhất, theo bản ghi nhớ.

Microsoft sẽ cung cấp iPhone 15 để nhân viên đến nhận tại các điểm thu thập khác nhau trên khắp Trung Quốc, gồm cả Hồng Kông - nơi các dịch vụ của Google có thể truy cập được.

Theo Bloomberg, Microsoft yêu cầu nhân viên ở Trung Quốc sử dụng iPhone cho công việc bắt đầu từ tháng 9 tới, loại bỏ các thiết bị chạy Android khỏi môi trường làm việc - Ảnh: Internet

Theo Bloomberg, Microsoft yêu cầu nhân viên ở Trung Quốc sử dụng iPhone cho công việc bắt đầu từ tháng 9 tới, loại bỏ các thiết bị chạy Android khỏi môi trường làm việc - Ảnh: Internet

Microsoft chưa công khai chuyện trên và không trả lời các câu hỏi từ Bloomberg về lý do đằng sau quyết định đó. Thế nhưng, điều này có thể một lần nữa khiến dư luận chú ý đến tình hình của iPhone ở Trung Quốc. Đây là vấn đề nhạy cảm vào thời điểm Trung Quốc và Mỹ vẫn đang bị mắc kẹt trong cuộc xung đột địa chính trị. Kể từ năm 2023, ngày càng nhiều các công ty và cơ quan nhà nước Trung Quốc đã yêu cầu nhân viên ngừng mang các thiết bị nước ngoài đến nơi làm việc, gồm cả iPhone và iPad của Apple, viện dẫn lo ngại về bảo mật.

Microsoft đã tăng cường bảo mật trên toàn thế giới sau khi liên tục bị hacker tấn công, với một vụ xâm phạm liên quan đến hacker Nga được tiết lộ vào tháng 1 ảnh hưởng đến hàng chục cơ quan chính phủ Mỹ, gồm cả Bộ Ngoại giao. Gã khổng lồ phần mềm phải đối mặt với áp lực và lời chỉ trích đáng kể từ các nhà làm luật Mỹ để cải thiện các vấn đề về an ninh của mình.

Hồi tháng 5, Phó chủ tịch điều hành Microsoft - Charlie Bell cho biết: "Chúng tôi đang ưu tiên bảo mật lên hàng đầu tại Microsoft, trên hết tất cả những thứ khác”.

Microsoft đã cam kết thực hiện đợt cải tổ bảo mật tham vọng nhất trong 2 thập kỷ với Sáng kiến Tương lai An toàn Toàn cầu. Trong số các bước khác, Microsoft cho biết sẽ hành động nhanh hơn để giải quyết các lỗ hổng bảo mật đám mây, khiến hacker khó đánh cắp thông tin đăng nhập hơn và tự động thực thi xác thực đa yếu tố cho nhân viên.

Giữa tháng 5, trang The Wall Street Journal đưa tin Microsoft yêu cầu khoảng 700 đến 800 nhân viên ở Trung Quốc đang làm việc về học máy và các công việc khác liên quan đến điện toán đám mây xem xét việc chuyển địa điểm làm việc.

"Cung cấp cơ hội nội bộ là một phần thường xuyên trong việc quản lý doanh nghiệp toàn cầu của chúng tôi. Trong quá trình này, chúng tôi đã chia sẻ một cơ hội chuyển công tác nội bộ tùy chọn với một số nhân viên", người phát ngôn Microsoft cho biết trong một tuyên bố qua email gửi cho Reuters, không chỉ ra số lượng nhân viên mà họ đã gửi yêu cầu.

Học máy là một lĩnh vực trong AI tập trung vào việc phát triển các thuật toán và mô hình máy tính có khả năng học hỏi từ dữ liệu và cải thiện hiệu suất của chúng theo thời gian mà không cần lập trình cụ thể. Các hệ thống học máy có khả năng tự động tìm hiểu và áp dụng kiến thức từ dữ liệu để thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như phân loại, dự đoán, nhận dạng mẫu và tối ưu hóa quyết định.

Những ứng dụng của học máy rất đa dạng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, xe tự hành, dự đoán thời tiết, quản lý dữ liệu lớn...

Học máy đã có sự tiến bộ đáng kể trong thập kỷ gần đây, nhờ sự phát triển của các mô hình học sâu và khả năng xử lý dữ liệu lớn (big data), mang lại nhiều cơ hội và tiềm năng giải quyết các vấn đề phức tạp và cải thiện hiệu suất trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Microsoft vẫn cam kết với Trung Quốc và sẽ tiếp tục hoạt động ở đó cùng các thị trường khác, người phát ngôn nói thêm.

Các nhân viên Microsoft, chủ yếu là kỹ sư có quốc tịch Trung Quốc, được cung cấp lựa chọn chuyển đến Mỹ, Ireland, Úc và New Zealand, The Wall Street Journal cho biết, dựa trên nguồn tin quen biết với vấn đề này.

Việc trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang khi chính quyền Tổng thống Joe Biden tăng thuế quan lên một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc gồm ô tô điện, pin năng lượng mặt trời, chip máy tính và các sản phẩm y tế. Hôm 14.5, chính quyền Biden đã công bố mức thuế quan mới với ô tô điện do Trung Quốc sản xuất, tăng gấp 4 lần mức thuế hiện tại từ 27,5% lên 102,5%, cũng như áp các mức thuế mới với pin năng lượng mặt trời, thép, nhôm… Các mức thuế mới sẽ tác động đến 18 tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đầu tháng 7, trang SCMP đưa tin Microsoft đã đóng các cửa hàng truyền thống được ủy quyền tại Trung Quốc, khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ tái cơ cấu hoạt động bán lẻ của mình tại quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, theo ba nhà phân phối địa phương.

Hôm 1.7, Microsoft nói với truyền thông địa phương rằng quyết định “tích hợp tất cả kênh phân phối ở Trung Quốc”, dù người tiêu dùng có thể tiếp tục mua sản phẩm và dịch vụ thông qua trang web của họ và một số đối tác bán lẻ nhất định. Ngoài ra, Microsoft còn điều hành các cửa hàng trực tuyến trên trang thương mại điện tử Taobao và JD.com.

Những người điều hành các cửa hàng Microsoft truyền thống được ủy quyền ở Trung Quốc trước đó nhận thông báo từ công ty Mỹ rằng hợp đồng của họ đã bị chấm dứt và các cửa hàng này phải đóng cửa trước ngày 30.6, theo ba nhà phân phối địa phương giấu tên.

Trong khi Apple vận hành các cửa hàng truyền thống riêng ở Trung Quốc và duy trì mối quan hệ với các đại lý địa phương trên khắp đất nước, Microsoft chỉ dựa vào các nhà bán lẻ bên thứ ba độc lập để thiết lập mạng lưới các cửa hàng nhượng quyền thương hiệu tại nước này. Hiện chưa rõ có bao nhiêu đối tác địa phương như vậy bị ảnh hưởng.

Qian Feng, nhà phân phối sản phẩm của Microsoft tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc), cho biết bối cảnh bán lẻ ở nước này đã thay đổi, với các cửa hàng được ủy quyền mất đi sự quan trọng.

“Thị trường Trung Quốc quá nhỏ với Microsoft. Nếu giữ lại tất cả các cửa hàng, họ sẽ tốn tiền”, Qian Feng nói.

Một số nhà phân phối ở Trung Quốc mong muốn duy trì vị thế là nhà bán lẻ độc lập bên thứ ba cho Microsoft dựa trên hoạt động nội địa mà họ đã xây dựng trong nhiều năm.

Steven Li, nhà phân phối được Lenovo Group ủy quyền và từng là quản lý cửa hàng Microsoft ở thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc), nói ông sẽ tiếp tục bán laptop và máy tính bảng Microsoft với dịch vụ hậu mãi.

Steven Li cho biết điểm khác biệt duy nhất là ông không thể quảng bá doanh nghiệp của mình là "nhà bán lẻ được ủy quyền" cho Microsoft nữa, và điều này có thể khiến một số khách hàng bỏ đi.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ tháng trước, Chủ tịch Microsoft - Brad Smith nói rằng Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 1,5% doanh thu toàn cầu của công ty. Brad Smith cũng xác nhận rằng Microsoft đang đề nghị chuyển 700 đến 800 nhân viên của mình tại Trung Quốc ra nước ngoài.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/bloomberg-microsoft-yeu-cau-nhan-vien-o-trung-quoc-dung-iphone-thay-cho-may-android-de-lam-viec-219317.html