Bỏ biên chế suốt đời mà gặp phải lãnh đạo không tốt, không tử tế thì...
Chọn được người lãnh đạo tốt, có năng lực họ sẽ biết trọng dụng người tài làm việc và chắc chắn lúc ấy những kẻ cơ hội, yếu kém sẽ không bao giờ được chào đón
Ngày 25/11/2019, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Theo đó, đối với những viên chức mới trúng tuyển từ ngày 01/7/2020 thì đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định này sẽ tiến tới xóa bỏ hoàn toàn chế độ biên chế suốt đời đối với viên chức để tránh tình trạng chây ỳ, lười đổi mới và nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức trong các cơ sở giáo dục và các cơ quan hành chính sự nghiệp.
Việc đổi mới này cũng xóa bỏ được tư tưởng vào biên chế được là “chắc chân”, là không lo sợ phải thất nghiệp, là an tâm để an hưởng tuổi già khi có sổ nhận lương hưu.
Nhiều thầy cô giáo đồng thuận
Những giáo viên thật sự có năng lực cũng rất vui mừng vì việc bỏ viên chức suốt đời sẽ tạo điều kiện cho họ thật sự phát huy khả năng, công sức để được ghi nhận xứng đáng.
Bên cạnh đó, cũng là cơ hội để đưa những kẻ yếu kém, chây lười ra khỏi môi trường giáo dục.
Việc tồn tại viên chức suốt đời sẽ làm viên chức trì trệ, không chịu rèn luyện phấn đấu, trau dồi năng lực...mà chỉ luôn dùng thủ đoạn để tiến thân.
Bỏ biên chế suốt đời, thầy cô năng lực kém sẽ phải tìm việc khác
Nay không còn, buộc người thầy phải nỗ lực vận động, phải cố gắng thể hiện đúng vai trò của mình.
Bên cạnh những ý kiến đồng tình thì vẫn có không ít những băn khoăn, trăn trở.
Có người cho biết, việc làm này nói chung là tốt, nhưng khi đó cũng nảy sinh rất nhiều vấn đề, lãnh đạo thì có người tốt, người không.
Có người hay đố kỵ, nhỡ làm tốt mà không được lòng xếp thì toi. Rồi lễ, Tết lại phải biếu xén, lại phải đi cửa sau để lấy lòng.
Người lại sợ quyền sinh, quyền sát cục bộ của người ký hợp đồng lao động sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực đằng sau.
Đặc biệt ở lĩnh vực giáo dục, việc đánh giá giáo viên hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt hay chưa hoàn thành nhiệm vụ cũng chỉ mang tính tương đối vì các quy định đánh giá còn chồng chéo, chưa rõ ràng, cụ thể.
Hơn nữa sản phẩm của giáo dục là con người, hiệu quả giáo dục là cả một quá trình không thể đo, hay đong đếm như cân đường hộp sữa ngay được.
Phụ thuộc nhiều vào sự công tâm của người lãnh đạo
Hiện nay, trong ngành giáo dục ở nhiều địa phương, hiệu trưởng phần lớn là được bổ nhiệm.
Bỏ biên chế là xu thế thời đại, nhưng tôi làm thầy giáo, vẫn thấy buồn quá
Việc bổ nhiệm cũng có nhiều điều đáng nói, chưa hẳn là giáo viên dạy giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt, năng nổ trong mọi mặt đều được cơ cấu vào nguồn, và đều được bổ nhiệm.
Thế nên, chưa hẳn năng lực chuyên môn, trình độ quản lý của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng lại hơn nhiều giáo viên.
Điều này, còn căn cứ vào tài ngoại giao của mỗi người hay sự quen biết, đỡ đầu của một ai đó.
Những lãnh đạo không lên bằng thực lực mà có sự nâng đỡ, sự “biết điều”…thì đương nhiên cũng chẳng biết sử dụng người tài. Những lãnh đạo này, phần lớn cũng chỉ bao che cho ê kíp của mình và thẳng tay loại những người không ưa.
Trong xếp loại thì độc đoán, chuyên quyền, được lòng thì xếp tốt, không ưa thì tìm đủ mọi cách để hạ bệ.
Nếu chẳng may gặp những hiệu trưởng thế này thì nguy cơ không được ký lại hợp đồng của những giáo viên ấy cũng sẽ rất cao.
Cần tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý giáo dục
Để công bằng cũng cần có quy định bỏ chế độ viên chức suốt đời đối với cả công chức. Cần xóa bỏ tư tưởng “lên rồi là không xuống” để chế tài cách làm việc không hiệu quả của một số hiệu trưởng.
Cần tổ chức thi tuyển công khai để những người có tài thực sự làm quản lý chứ không việc bổ nhiệm như hiện nay.
Khi chọn được người lãnh đạo tốt, có năng lực đương nhiên họ sẽ biết trọng dụng người tài để làm việc và chắc chắn lúc ấy những kẻ cơ hội, yếu kém sẽ không bao giờ được chào đón.