Bộ Công an chỉ đạo tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 4 và mưa lũ

Ngày 19/9/2024, Bộ Công an có Công điện số 17/CĐ-BCA-V01 gửi Công an các đơn vị, địa phương về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 4 và mưa lũ.

Theo đó, Bộ Công an chỉ đạo: Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố gồm: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Thủ trưởng các đơn vị: Cục An ninh kinh tế, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Cục Cảnh sát giao thông; Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng; Cục Kế hoạch và tài chính; Cục Quản lý xây dựng và doanh trại; Cục Trang bị và kho vận, Cục Y tế; Cục Truyền thông CAND.

Lực lượng CAND hỗ trợ giúp đỡ nhân dân trong mưa lũ.

Lực lượng CAND hỗ trợ giúp đỡ nhân dân trong mưa lũ.

Công điện nhấn mạnh: để triển khai thực hiện hiệu quả, nghiêm túc các Công điện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 4 và mưa lũ; tiếp theo Công điện số 16/CĐ-BCA-V01, ngày 17/9/2024 của Bộ Công an, lãnh đạo Bộ yêu cầu Thủ trưởng Công an các đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

1. Tổ chức theo dõi chặt chẽ tình hình, cập nhật liên tục thông tin diễn biến của bão và mưa lũ để triển khai kịp thời, quyết liệt, có hiệu quả các phương án, kế hoạch bảo đảm an ninh trật tự, ứng phó phù hợp với diễn biến thực tế của bão tại địa phương, quán triệt phương châm “bốn tại chỗ”, “ba sẵn sàng”; chủ động xử lý triệt để, kể cả các tình huống xấu nhất có thể xảy ra, bảo vệ an toàn tính mạng, sức khỏe của Nhân dân là trên hết, trước hết; hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân, Nhà nước, nhất là đối với các đô thị, vùng thấp trũng, nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ở khu vực miền núi, sườn dốc, vùng hạ du của xả lũ, các địa bàn bị nguy cơ hồ, đập. Bảo đảm tuyệt đối an toàn về các lực lượng, trụ sở, cơ sở giam giữ, tài liệu, trang thiết bị làm việc của lực lượng Công an nhân dân.

2. Giám đốc Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: (1) Bố trí lực lượng, nhất là lực lượng cơ sở (Cảnh sát giao thông, Công an xã, Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở) hướng dẫn, phân luồng, cắm biển cảnh báo, bảo đảm an toàn giao thông, kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, các công trình giao thông (cầu, tràn) không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người và phương tiện tham gia giao thông lưu thông khi không bảo đảm an toàn.

(2) Bố trí lực lượng, các trang thiết bị, phương tiện đặc chủng chuyên dùng, nhất là tại các khu vực dự kiến chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, mưa lũ, địa bàn trọng điểm để chủ động trước, thực hiện sớm công tác phòng ngừa, di dời và kịp thời thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, xử lý các sự cố “ngay khi xảy ra”; (3) Bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và Nhà nước, không để tội phạm lợi dụng bão, mưa lũ để đưa tin sai sự thật, xuyên tạc về chủ trương, chính sách, tổ chức triển khai phòng, chống bão, mưa lũ và tuyệt đối không để lợi dụng tình hình nhằm hoạt động phạm tội tại các khu vực sơ tán dân cư đi và đến.

3. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương: (1) Rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, mất an toàn để có phương án sơ tán, di dời, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho người dân; (2) Tổ chức hướng dẫn các chủ phương tiện hoạt động trên biển và người dân biết để ứng phó, không di chuyển vào khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn và cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra; (3) Kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tầu thuyền tại các khu neo đậu, tránh trú đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội, các hoạt động sản xuất trên biển, ven biển, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu du lịch, dịch vụ ven biển; (4) Bảo đảm an toàn hồ đập, thủy điện, đê điều, công trình có dự án trọng điểm, quan trọng liên quan an ninh quốc gia; (5) Hỗ trợ vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ảnh hưởng của bão, mưa lũ, nhất là các hộ dân tại các khu vực bị cô lập, tuyệt đối không để ai bị đói, bị rét, thiếu nước uống, không có nơi ở.

4. Các đơn vị trực thuộc Bộ chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo chức năng, nhiệm vụ; thống nhất tổ chức chặt chẽ các nguồn lực sau cơn bão số 3 (Yagi) để sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, thuốc men để chi viện khi có yêu cầu, bảo đảm thông tin liên lạc phục vụ công tác chỉ huy, điều hành trong ứng phó với bão, mưa lũ, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Giao Cục Truyền thông CAND tăng cường phối hợp chặt chẽ với Công an các đơn vị, địa phương, các cơ quan truyền thông Trung ương, địa phương tổ chức phổ biến, hướng dẫn kỹ năng ứng phó với các tình huống thiên tai, sự cố, cứu nạn, cứu hộ nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; tiếp nối với tinh thần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục sau bão số 3, tổ chức tuyên truyền sâu rộng, kịp thời về hoạt động công tác cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai và lan tỏa hình ảnh đẹp của lực lượng Công an nhân dân.

5. Tổ chức trực ban nghiêm túc, kịp thời thông tin, truyền đạt mệnh lệnh của lãnh đạo Bộ đến Công an các đơn vị, địa phương, nhất là cấp cơ sở; đảm bảo quân số sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và phòng, chống thiên tai. Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về Bộ theo quy định (qua Văn phòng Bộ, SĐT: 069.2299150, 0904231899 hoặc 0979087633).

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/bo-cong-an-chi-dao-tap-trung-ung-pho-khac-phuc-hau-qua-bao-so-4-va-mua-lu-i744579/