Bộ Công an yêu cầu nhân rộng mô hình phòng, chống ma túy ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu trong quý 1-2024, các xã xây dựng cần mô hình phòng, chống ma túy theo cách làm của xã An Nhứt được Bộ Công an biểu dương.

Gần đây, Ban chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138) thông báo kết luận đề nghị các xã tham khảo, tham mưu xây dựng triển khai theo mô hình phòng, chống ma túy “Nói không với tệ nạn ma túy” trên địa bàn xã An Nhứt, huyện Long Điền.

 Cuộc họp sơ kết của Ban chỉ đạo 138, Ban chỉ đạo mô hình phòng, chống ma túy của xã An Nhứt, huyện Long Điền. Ảnh: CA

Cuộc họp sơ kết của Ban chỉ đạo 138, Ban chỉ đạo mô hình phòng, chống ma túy của xã An Nhứt, huyện Long Điền. Ảnh: CA

Thí điểm triển khai toàn tỉnh trong quý 1

Đây là một trong những mô hình hay trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ được Cục Xây dựng phong trào bảo vệ An ninh tổ quốc (Cục V05) Bộ Công an biểu dương, thông báo nhân rộng trên toàn quốc…

Theo Ban chỉ đạo 138, để kết quả, cách làm hay của mô hình được lan rộng, góp phần giữ vững tình hình ANTT tại địa phương nên yêu cầu 100% cấp xã thực hiện xây dựng và ra mắt mô hình trong quý 1-2024. Riêng huyện Côn Đảo xây dựng mô hình “Huyện Côn Đảo không có ma túy và an toàn giao thông”.

Ngoài ra, giao công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp xã xây dựng mô hình theo quy định, hướng dẫn của Cục V05…

 Các hội, đoàn thể tham gia hoạt động của mô hình phòng,chống ma túy. Ảnh: CA

Các hội, đoàn thể tham gia hoạt động của mô hình phòng,chống ma túy. Ảnh: CA

Riêng về mô hình của xã An Nhứt, chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tường Thành, Chủ tịch UBND xã, cho biết xã là địa bàn thuần nông của huyện Long Điền, với 25 tổ dân cư, hơn 1.200 hộ và hơn 4.700 khẩu, số ít là tạm trú. Về kinh tế, đa số người dân chủ yếu làm nông nghiệp lúa nước, một số hộ kinh doanh buôn bán nhỏ, làm công nhân.

Mô hình được thành lập và hoạt động từ cuối năm 2022. Ban Chỉ đạo mô hình gồm 18 thành viên, trong đó chủ lực là công an, quân sự cùng Mặt trận tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và các trưởng ấp.

“An Nhứt là xã thuần nông, người dân gần như quen biết nhau, có tính cộng đồng cao; tỉ lệ tội phạm, số đối tượng còn trong diện quản lý, quản lý sau cai thấp. Đây là những thuận lợi để triển khai, thực hiện tốt mô hình. Nhưng cái chính là sự quyết tâm, quyết liệt, phân công rõ nhiệm vụ từng thành viên và làm việc vì cái tâm, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, người dân. Từ đó, năm 2023, xã không phát sinh đối tượng nghiện ma túy mới, ANTT được đảm bảo…” - ông Thành nhấn mạnh.

 Thiếu tá Phạm Thanh Hữu cùng đoàn thanh niên trò chuyện, động viên các thanh niên trong xã từng sử dụng ma túy nay đã cai nghiện và có việc làm ổn định. Ảnh: CA

Thiếu tá Phạm Thanh Hữu cùng đoàn thanh niên trò chuyện, động viên các thanh niên trong xã từng sử dụng ma túy nay đã cai nghiện và có việc làm ổn định. Ảnh: CA

Để “dân biết, dân tin, dân giám sát và dân báo”

Thiếu tá Phạm Thanh Hữu, Trưởng công an xã An Nhứt- Phó Trưởng ban thường trực, chia sẻ thêm: “Tôi từ Công an huyện Long Điền về nhận công tác tại xã từ tháng 8-2022. Khi đó, trưởng công an huyện giao nhiệm vụ cho tôi khảo sát, tham mưu xã triển khai mô hình này. Mục tiêu là giữ vững sự ổn định về ANTT ở xã có tỉ lệ tội phạm và tệ nạn ma túy thấp, không để tội phạm và tệ nạn ma túy từ những địa phương phức tạp, lân cận chuyển dịch về hoạt động tại xã An Nhứt. Đồng thời cũng là thí điểm điển hình về cách làm để đánh giá các giải pháp phòng chống tội phạm, tệ nạn ma túy trên địa bàn huyện…”.

Theo Thiếu tá Hữu, bên cạnh hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần làm thật, người dân đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện hiệu quả mô hình. Để “Dân biết, dân tin, dân giám sát và dân báo” là yếu tố quyết định.

 Người dân đã cung cấp thông tin giúp công an xã làm tốt công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn. Ảnh: CA

Người dân đã cung cấp thông tin giúp công an xã làm tốt công tác phòng, chống ma túy trên địa bàn. Ảnh: CA

Kết quả, trong năm 2023, các hội viên hội Nông dân xã đã cung cấp 4 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an xã bắt quả tang 6 đối tượng từ nơi khác đến sử dụng trái phép chất ma túy tại khu vực cánh đồng ruộng các ấp; người dân đã cung cấp nguồn tin giúp công an xã bắt 1 vụ tổ chức và sử dụng trái phép chất ma túy.

“Thông tin người dân cung cấp đều được chúng tôi bảo mật tuyệt đối. Sau đó, có hình thức động viên, khen thưởng người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Tôi cũng tạo nhóm zalo kết nối với các thanh niên trong xã thuộc diện quản lý theo quy định hoặc quản lý sau cai, thỉnh thoảng mời các em cà phê để động viên, chia sẻ, cảm hóa dần” - Thiếu tá Hữu nói.

Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo mô hình còn chú trọng tới tổ chức hội nghị tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, tác hại của ma túy cho các đối tượng từng có tiền sự về ma túy và đoàn viên thanh niên, nông dân, các hội đoàn thể, cụm dân cư trong xã. Ngoài ra, phân công trách nhiệm cụ thể các thành viên quan tâm, thăm hỏi, cảm hóa, định hướng nghề cho các thanh niên sau cai nghiện.

 Ban chỉ đạo mô hình cử thành viên thăm hỏi, tặng quà các đối tượng từng nghiện ma túy. Ảnh: CA

Ban chỉ đạo mô hình cử thành viên thăm hỏi, tặng quà các đối tượng từng nghiện ma túy. Ảnh: CA

Hiện nhiều thanh niên sau cai đã có công việc ổn định. Một thanh niên thuộc diện quản lý sau cai nghiện được giới thiệu nơi làm việc, vay vốn 20 triệu đồng của Hội Nông dân để chuẩn bị đi học giấy phép lái xe hạng C…

Đã bỏ phí cuộc đời khi sử dụng ma túy

Anh NCT chia sẻ từng đi lính nghĩa vụ, sau xuất ngũ về mở tiệm cắt tóc, nhưng do tuổi trẻ bồng bột, ham chơi, bạn bè rủ rê nên đã sử dụng ma túy đá nhưng ba mẹ không hay biết.

Sau đó, anh tình nguyện đi cai nghiện, khi ấy ba mẹ lên ký giấy tờ mới biết anh nghiện. Hết thời gian cai nghiện về nhà, vì bạn bè rủ rê nên lại tái nghiện cho đến khi bị công an xã phát hiện, tạm giữ. Rồi hết thời gian cai nghiện bắt buộc, anh về địa phương và đang trong thời gian quản lý.

Anh được anh Hữu, Trưởng công an xã An Nhứt giới thiệu đi làm ở một công ty ở Bà Rịa. Thời gian ở trong trung tâm cai nghiện, anh thấy sợ vì thấy đã bỏ phí, nếu ở ngoài đã có thể đi làm…

Sau đó, anh được xã hỏi thăm, động viên, tặng quà, kiểm tra thường xuyên. Tuy nhiên, khi các anh mời lúc nào, anh rất hợp tác vì khẳng định bản thân không còn nghĩ tới, sử dụng ma túy. Hết giờ làm, anh về nhà với gia đình, thỉnh thoảng họp mặt cùng bạn bè.

Xã An Nhứt đã cho anh vay một số tiền để học lái xe hạng C. Sau khi có bằng lái, công việc làm sẽ tốt hơn và có thu nhập để anh trả nợ.

TRÙNG KHÁNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bo-cong-an-yeu-cau-nhan-rong-mo-hinh-phong-chong-ma-tuy-o-ba-ria-vung-tau-post777497.html