Bộ Công Thương đề xuất chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe hybrid

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Công Thương đã đề xuất nghiên cứu và xây dựng các chính sách giảm lệ phí trước bạ cho các dòng xe hybrid (HEV), xe hybrid sạc điện (PHEV) và xe thuần điện (BEV).

Theo Bộ Công Thương, để thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng trong nước, cần phát triển thị trường ô tô với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 14-16% mỗi năm, nhằm đạt doanh số tiêu thụ từ 1 triệu đến 1,1 triệu xe vào năm 2030. Trong đó, các dòng xe dưới 9 chỗ chiếm khoảng 55%, tương đương 550.000 xe, xe từ 10 chỗ trở lên chiếm khoảng 5%, xe tải chiếm 35%, và xe chuyên dụng chiếm 5%.

Đáng chú ý, tỉ lệ xe điện, xe hybrid, xe năng lượng mặt trời và các loại xe sử dụng nhiên liệu xanh khác dự kiến sẽ chiếm 18-22% thị trường vào năm 2030.

Về sản xuất trong nước, Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030, sản lượng xe lắp ráp nội địa sẽ tăng trưởng trung bình 18-20%/năm, đạt từ 600.000 - 700.000 xe, trong đó 70% là xe sản xuất trong nước. Đến năm 2045, tỉ lệ này dự kiến tăng lên 87%, với xe dưới 9 chỗ chiếm 90%, từ 10 chỗ trở lên đạt 98%, xe tải 93% và xe chuyên dụng 50%.

Bộ Công Thương đề xuất chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe hybrid

Bộ Công Thương đề xuất chính sách giảm lệ phí trước bạ cho xe hybrid

Về triển vọng dài hạn, đến năm 2045, Bộ Công Thương dự kiến tăng trưởng tiêu thụ ô tô trong nước sẽ duy trì ở mức 11-12%/năm, tổng lượng xe tiêu thụ đạt từ 5-5,7 triệu chiếc, trong đó, tỉ lệ xe điện và hybrid sẽ chiếm 80-85%, tương đương khoảng 4,3-4,4 triệu chiếc.

Bộ Công Thương cũng đặt mục tiêu xuất khẩu phương tiện và linh kiện đạt giá trị 14 tỷ USD vào năm 2030, tăng lên 36 tỷ USD vào năm 2045. Giai đoạn đến năm 2030 sẽ tập trung vào sản xuất một số linh kiện quan trọng như bộ phận truyền động, hộp số, động cơ, từ đó dần tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để đạt được những mục tiêu này, Bộ Công Thương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát huy nội lực quốc gia và hợp tác với các tập đoàn ô tô lớn trên thế giới, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đồng bộ, đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, cần chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất và cung ứng các dòng xe điện hóa, xe hybrid và xe sử dụng năng lượng xanh.

Bộ cũng đề xuất các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ cho xe điện hóa, đồng thời xây dựng hệ thống hạ tầng như trạm sạc và trạm bơm nhiên liệu xanh. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ như phí đỗ xe và thuế môi trường cho người dùng xe điện cũng được khuyến nghị nhằm thúc đẩy thị trường.

Hiện tại, trong khi xe điện được hưởng mức thuế tiêu thụ đặc biệt ưu đãi giảm từ 15% xuống 3% (áp dụng từ tháng 3/2022 đến tháng 2/2027), các dòng xe hybrid như HEV và PHEV vẫn chưa được hưởng ưu đãi tương tự. Xe hybrid hiện chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt như xe động cơ đốt trong, tùy thuộc vào dung tích xi lanh. Một số dòng xe hybrid có thể được hưởng mức thuế suất ưu đãi hơn khi tỉ lệ sử dụng xăng không vượt quá 70%, nhưng vẫn chịu mức lệ phí trước bạ cao như xe xăng thông thường.

Được biết, trong năm 2022, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và lệ phí trước bạ cho các dòng xe hybrid để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang xe điện hoàn toàn trong tương lai. Tuy nhiên, đến nay, các chính sách ưu đãi này vẫn chưa được áp dụng cho dòng xe hybrid.

Theo VAMA, tính từ đầu năm đến tháng 7/2024, doanh số xe hybrid phổ thông tại Việt Nam đạt 4.142 xe (chỉ tính các hãng công bố số liệu bán hàng). Gần 45% trong số này bán ra ở miền Bắc, còn tại miền Nam là khoảng 37%.

Do năm 2023 chưa có doanh số xe hybrid nên chưa thể đánh giá mức độ tăng trưởng của dòng xe này tại Việt Nam. Tuy nhiên, với xu hướng xanh hóa tiếp tục được đẩy mạnh trong năm 2024, thị trường xe hybrid sẽ có thêm nhiều cơ hội tăng trưởng.

N.H

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/bo-cong-thuong-de-xuat-chinh-sach-giam-le-phi-truoc-ba-cho-xe-hybrid-313551.html