Bộ Công Thương giải trình vấn đề xăng dầu trước Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu 8 vấn đề tồn tại của ngành xăng dầu: nguồn cung, dự trữ, giá, Quỹ Bình ổn giá, điều kiện kinh doanh, mối quan hệ giữa các doanh nghiệp, công tác quản lý nhà nước, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành có liên quan.

Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu sáng 28-2

Phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu sáng 28-2

Sáng nay (28-2), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Phiên giải trình về tình hình về thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Theo đó, hai bộ quản lý chính gồm Bộ Công Thương và Bộ Tài chính giải trình về các vấn đề liên quan đến việc quản lý nhà nước về xăng dầu và tình hình thị trường xăng dầu thời gian qua.

Nói về dự trữ quốc gia về xăng dầu, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã tích cực triển khai xây dựng phương án nâng mức dự trữ quốc gia về xăng dầu và đã 4 lần trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngày 27-12-2022, Bộ Công Thương trình Chính phủ lần thứ tư phương án dự trữ quốc gia về xăng dầu. Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất từ năm 2023 - 2025, nâng mức dự trữ xăng dầu quốc gia từ 9 ngày nhập ròng hiện nay lên 15 ngày và trong giai đoạn 2026-2030 tiếp tục nâng lên 30 ngày nhập ròng.

Để thực hiện phương án này, ngân sách nhà nước cần bố trí tối thiểu 4.100 tỷ đồng/năm để mua xăng dầu dự trữ; tuy nhiên theo báo cáo của Bộ Tài chính thì mức kinh phí trên vượt quá khả năng cân đối NSNN (hiện nay NSNN mới bố trí được khoảng 1.500 tỷ đồng/năm để mua hàng cho toàn ngành Dự trữ quốc gia).

Để từng bước giải quyết khó khăn trên, ngày 17-2-2023, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã tổ chức họp, rà soát và thống nhất tiếp tục báo cáo Chính phủ xem xét cho nâng dần mức dự trữ xăng dầu quốc gia theo khả năng cân đối của NSNN hàng năm và phù hợp với khả năng cho thuê kho dự trữ bảo quản của các doanh nghiệp.

Trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép thì mỗi năm NSNN sẽ bố trí mua tăng thêm 1.000 - 2.000 tỷ đồng (tương đương 1-2 ngày nhập ròng) để nâng tổng mức xăng dầu DTQG đến năm 2025 đạt mức tối đa theo quy định tại Quyết định số 1030 ngày 13-7-2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Về nhiệm vụ thực hiện công khai, minh bạch và có giải pháp tách bạch giữa dự trữ xăng dầu quốc gia và dự trữ lưu thông của các doanh nghiệp đầu mối, Bộ Công Thương cho hay, việc thực hiện nhiệm vụ trên đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do hiện nay Nhà nước chưa có Kho dự trữ quốc gia xăng dầu nên phải đi thuê của các doanh nghiệp, trong khi định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hiện rất thấp, không phù hợp với thực tế.

Bộ Công Thương đã tổ chức đấu thầu, lựa chọn doanh nghiệp bảo quản riêng xăng dầu DTQG nhưng không có đơn vị tham gia.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đề xuất, trước mắt, để công tác bảo quản xăng dầu DTQG không bị gián đoạn, Bộ Công Thương báo cáo thường trực Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tiếp tục ký hợp đồng với các doanh nghiệp như trước đây để bảo quản xăng dầu DTQG chung với hàng kinh doanh của DN;

Đối với mức phí trả cho doanh nghiệp bảo quản, tạm thời tiếp tục áp dụng mức phí tại Quyết định số 65/QĐ-BKH ngày 17-1-2003 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời đề nghị: Bộ Tài chính sớm ban hành Quy chuẩn kỹ thuật về xăng dầu dự trữ quốc gia để làm căn cứ cho Bộ Công Thương xây dựng lại định mức phí bảo quản xăng dầu DTQG bảo đảm phù hợp với thực tế, gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành để tổ chức lựa chọn đơn vị bảo quản riêng;

Cùng với đó, tiếp tục đánh giá kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương thức bảo quản (để chung hoặc để riêng) và xây dựng mức phí bảo quản theo từng phương thức để so sánh, từ đó kiến nghị Chính phủ quyết định phương án bảo quản phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và doanh nghiệp, đồng thời rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về DTQG xăng dầu cho phù hợp với tình hình thực tế.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, năm 2023, trên cơ sở dự báo nhu cầu thị trường có tính đến yếu tố kinh tế trong nước phục hồi, tăng trưởng cao hơn năm trước, Bộ Công Thương đã thực hiện phân giao tổng nguồn xăng dầu cho các doanh nghiệp ở mức 27,34 triệu m3/tấn, tăng 15% so với số phân giao của năm trước nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.

Bên cạnh đó, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu về điều hành và quản lý kinh doanh xăng dầu quốc gia nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần kiểm soát chặt chẽ, chính xác, đầy đủ nguồn cung của hệ thống phân phối xăng dầu trong nước; tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu.

Tại Phiên giải trình, các đại biểu Quốc hội ghi nhận sự nỗ lực của các Bộ, ngành trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu thời gian qua.

Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc, bất cập trong các quy định hiện hành là: doanh nghiệp sản xuất được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù nhưng không có cam kết về mức sản lượng tối thiểu, dẫn đến sự bị động khi phải tìm nguồn thay thế; đánh giá về cơ cấu nguồn cung xăng dầu, cơ sở phân giao tổng nguồn;

Xăng dầu dự trữ quốc gia chưa được bảo quản riêng theo Luật Dự trữ quốc gia mà vẫn cất trữ chung trong kho thương mại của doanh nghiệp, dẫn đến thiếu minh bạch;

Ngoài ra, phương pháp tính giá có nhiều hạn chế, chưa bảo đảm tính cạnh tranh, chưa tuân thủ các quy luật của thị trường; Việc áp đặt định mức chi phí, lợi nhuận cho tất cả doanh nghiệp dẫn đến triệt tiêu động lực cạnh tranh; Chưa “tính đúng, tính đủ” cho doanh nghiệp, một số yếu tố cấu thành giá được rà soát định kỳ 6 tháng, hằng năm nên không phù hợp với tình hình thực tế;

Việc xác định giá thế giới trong công thức tính giá cơ sở bằng cách lấy “giá trung bình” của 10 ngày trước kỳ điều hành để cấu thành “giá trần” cho 10 ngày sau vừa không bảo đảm tính chất “trần”, vừa tạo ra sự “lệch pha” giữa giá Việt Nam và giá thế giới;

Các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, việc thực hiện bình ổn giá không đạt mục tiêu đề ra, chưa công khai, minh bạch trong quản lý và sử dụng Quỹ Bình ổn giá; Điều kiện kinh doanh xăng dầu chưa phù hợp, chưa có sự ràng buộc về mức cung ứng tối thiểu ra thị trường; Quản lý nhà nước về xăng dầu giao thoa nhiệm vụ giữa nhiều bộ...

Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và có chế tài nghiêm khắc để loại bỏ xăng dầu giả, kém chất lượng khỏi thị trường, ngăn ngừa các hành vi gian lận, đầu cơ, “găm hàng” trong kinh doanh xăng dầu;

Nghiên cứu xây dựng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng xăng dầu phù hợp hơn để góp phần giảm áp lực cho doanh nghiệp và người dân, kiềm chế lạm phát, giảm chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh, giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách bền vững… để đảm bảo nguồn cung xăng dầu ổn định trong nước.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-cong-thuong-giai-trinh-van-de-xang-dau-truoc-uy-ban-kinh-te-quoc-hoi-post532323.antd