Bộ Công Thương: Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam và Ả Rập

Sáng 24/10, tại Hà Nội, Bộ Công Thương phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo giao thương giữa đoàn doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ả Rập.

Buổi B2B Matching do Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Giao lưu Văn hóa và Xúc tiến thương mại Việt Nam - Ả Rập tổ chức nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Ả Rập.

Xuất nhập khẩu sang khu vực Trung Đông, châu Phi đang tăng nhanh

Phát biểu khai mạc tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – cho biết, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết. Trong quá trình phát triển kinh tế, Việt Nam coi trọng việc thu hút và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Toàn cảnh Hội thảo

Toàn cảnh Hội thảo

Chính phủ Việt Nam có nhiều biện pháp cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Những nỗ lực trên cùng các biện pháp thu hút FDI hiệu quả đã giúp cho nguồn vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh qua các năm, đạt 438,7 tỷ USD tính đến hết năm 2023, lọt top 20 nước thu hút FDI nhiều nhất thế giới.

Tiềm năng thị trường to lớn, cơ chế chính sách thuận lợi, cùng những thành tựu ấn tượng về kinh tế - xã hội đã đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác hợp tác quan trọng tại châu Á của các quốc gia Trung Đông.

Tuy nhiên, hiện vốn đầu tư từ khu vực Ả rập chỉ chiếm chưa đầy 1% trong tổng các dự án FDI tại Việt Nam, với số vốn chỉ chiếm 0,21% tổng số vốn FDI, những kết quả này còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông, châu Phi.

Trong khi đó, quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước Ả Rập Trung Đông, châu Phi thời gian qua tiếp tục phát triển tích cực, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu có tính chất bổ sung lẫn nhau. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và khu vực Trung Đông, châu Phi đã tăng hơn 10 lần kể từ năm 2005, đạt 2 tỷ USD năm 2005 lên 20,8 tỷ USD năm 2023.

Những biến động về chính trị, xã hội trong khu vực Trung Đông, châu Phi đã có những ảnh hưởng nhất định đến các hoạt động xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường này. Tuy nhiên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các nước khu vực này đang tăng nhanh (tăng 27,3%), đứng thứ hai so với thị trường châu Mỹ (tăng 28,3%). Đây là dấu hiệu đáng khích lệ cho triển vọng xuất nhập khẩu của Việt Nam với các quốc gia Trung Đông, châu Phi trong các năm tiếp theo.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát biểu tại Hội thảo

Theo ông Trần Thanh Hải, hợp tác trong thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước Ả Rập Trung Đông, châu Phi có tiềm năng lớn nhờ vào sự bổ sung về lợi thế và nhu cầu giữa các bên trong các lĩnh vực năng lượng và cơ sở hạ tầng, bất động sản, du lịch cũng như lĩnh vực công nghiệp và chế biến.

Hiện nay, xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Đông và châu Phi tập trung các mặt hàng như gạo, cà phê, hồ tiêu, thủy sản. Các sản phẩm may mặc, giày dép, đồ điện tử và hàng gia dụng của Việt Nam có tiềm năng lớn tại thị trường này, đặc biệt tại các nước có dân số trẻ và tầng lớp trung lưu đang tăng trưởng. Ngược lại, Việt Nam có thể nhập khẩu dầu mỏ, khí đốt tự nhiên, và các sản phẩm hóa dầu từ Trung Đông để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế trong nước. Các nước châu Phi cũng cung cấp khối lượng lớn nguyên liệu như bông, gỗ, khoáng sản, đáp ứng nhu cầu sản xuất trong các ngành công nghiệp của Việt Nam.

Các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi có nhu cầu cao về thực phẩm Halal nhập khẩu do hạn chế trong sản xuất nông sản, với dân số Hồi giáo chiếm hơn 40%, tiêu thụ các sản phẩm Halal, đặc biệt là thực phẩm chế biến, mỹ phẩm và dược phẩm ngày càng tăng cao. Trong khi đó, Việt Nam có thế mạnh trong sản xuất nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến và đang nỗ lực nâng cao tiêu chuẩn để đáp ứng yêu cầu Halal. Bên cạnh đó, Việt Nam có chủ trương phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và châu Phi; trong đó, có thúc đẩy hợp tác sản xuất nhập khẩu, chứng nhận Halal. Đây cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Halal.

Trong lĩnh vực logistics và vận tải biển, với vị trí chiến lược, Việt Nam có thể trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa châu Á và Trung Đông. Hợp tác với các công ty logistics hàng đầu tại Trung Đông, như công ty DP World sẽ giúp cải thiện hiệu quả chuỗi cung ứng trong khu vực, cũng như giữa Việt Nam với các nước Trung Đông, Bắc Phi. "Hiện, một số Tập đoàn hàng đầu khu vực này đã hiện diện tại Việt Nam trong lĩnh vực cảng biển và hệ thống kho bãi như Tập đoàn BW, góp phần tăng cường năng lực vận chuyển, phục vụ hoạt động thương mại giữa các khu vực", ông Trần Thanh Hải nói.

Chia sẻ cơ hội, hợp tác kinh doanh

Phát biểu tại Hội thảo, ngài Bassam Tabajah - Chủ tịch Diễn đàn doanh nhân Ả Rập – cho hay, trong những năm qua chúng tôi đã đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt, trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật và chúng tôi muốn kéo dài thành công này hơn nữa tại Việt Nam.

“Ngành Halal có nhiều cơ hội và tiềm năng và chúng tôi mong muốn hợp tác hơn nữa với các doanh nghiệp Việt Nam trong tương lai. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như cơ sở hạ tầng, xuất nhập khẩu,…”, ngài Bassam Tabajah chia sẻ và hi vọng vào sự hợp tác có hiệu quả trong tương lai.

Đại sứ Nguyễn Quang Khai - Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Iraq, UAE và một số nước Trung Đông – cũng đã chia sẻ về những thành tựu to lớn về mọi mặt, đặc biệt về kinh tế, thương mại của Việt Nam sau hơn 35 đổi mới. Về quan hệ Việt Nam và các nước, chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước, trong đó có 18 nước là đối tác chiến lược (8 nước là đối tác chiến lược toàn diện). Việt Nam cũng có quan hệ thương mại với 124 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Với sự ổn định về chính trị, các nước trên thế giới nhìn về Việt Nam như là một điểm đến để đầu tư.

Năm 2023, Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Israel đã được ký kết. Các doanh nghiệp Ả Rập rất quan tâm đến Việt Nam và mong muốn đầu tư, hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp Việt Nam”, ông Nguyễn Quang Khai chia sẻ.

Phiên kết nối B2B Matching giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ả Rập

Phiên kết nối B2B Matching giữa doanh nghiệp Việt Nam và Ả Rập

Tại Hội thảo, các doanh nghiệp hai khu vực, các doanh nghiệp tham dự đã giới thiệu những thông tin ngắn gọn, tổng quan nhất về mình, bao gồm: Tên doanh nghiệp, lĩnh vực kinh doanh và mục tiêu hợp tác mong muốn. Bên cạnh đó, đã diễn ra phiên kết nối B2B Matching giữa doanh nghiệp 2 nước, cũng như lễ ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các đối tác.

Ông Trần Thanh Hải cho hay, trong khuôn khổ tầm nhìn 2030 của Ả rập Xê út, đã ra đời Saudi Arabian Logistics (SAL) với chiến lược thúc đẩy chuyển đổi kinh tế của đất nước bằng cách trở thành trung tâm hậu cần vận tải toàn cầu, quản lý hàng hóa đẳng cấp thế giới cả đường không, đường bộ, đường biển thông suốt nối liền 3 châu lục: Châu Á - châu Âu - châu Phi...

Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các đối tác

Lễ ký kết các biên bản ghi nhớ (MOU) giữa các đối tác

Cùng với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA) đã kết thúc đàm phán và đang chờ phê chuẩn, đây là những cơ hội tốt để cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cộng đồng doanh nghiệp Ả Rập Trung Đông, châu Phi tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và logistics thời gian tới. “Hội thảo hôm nay sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp hai khu vực gặp gỡ, trao đổi và tìm kiếm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường trong tương lai”, ông Trần Thanh Hải nói.

Đoàn doanh nghiệp Ả Rập và doanh nghiệp Việt Nam cùng chụp ảnh lưu niệm tại Bộ Công Thương

Đoàn doanh nghiệp Ả Rập và doanh nghiệp Việt Nam cùng chụp ảnh lưu niệm tại Bộ Công Thương

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bo-cong-thuong-ket-noi-giao-thuong-doanh-nghiep-viet-nam-va-a-rap-354430.html