Bộ Công Thương lên tiếng về ứng dụng mua sắm Temu

Ứng dụng thương mại điện tử Temu đang gây lo ngại cho nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nội địa và nền tảng thương mại điện tử trong nước.

Ứng dụng mua sắm Temu đang gây sốt khi vào thị trường Việt Nam. (Ảnh: VNEC)

Ứng dụng mua sắm Temu đang gây sốt khi vào thị trường Việt Nam. (Ảnh: VNEC)

Trước những quan ngại từ một số quốc gia về ứng dụng này, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số rà soát, đánh giá tác động của Temu lên thị trường.

Trong buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đã chia sẻ về vấn đề Temu – một ứng dụng mua sắm giá rẻ đang làm dậy sóng thị trường.

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, mặc dù các sàn thương mại điện tử nước ngoài khi vào Việt Nam đều phải tuân thủ quy định đăng ký, nhưng trước việc Indonesia đã cấm Temu, Bộ Công Thương hiện đang tích cực rà soát và nghiên cứu tác động của ứng dụng này lên thị trường Việt Nam.

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, Bộ Công Thương sẽ triển khai các biện pháp quản lý chặt chẽ, đồng thời đảm bảo chống gian lận thương mại và sự xuất hiện của hàng giả, hàng nhái.

“Chúng tôi cũng rất bất ngờ trước giá cả rẻ bất thường trên Temu. Tuy nhiên, cần phải có sự điều tra kỹ lưỡng để xác định giá cả này có hợp lý hay không, vì chúng tôi tôn trọng các giao dịch mua bán là thỏa thuận trên thị trường”, Thứ trưởng Bộ Công Thương chia sẻ.

Sự xuất hiện của Temu đang tạo ra sự cạnh tranh mạnh mẽ không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều thị trường lớn như Mỹ và các nước EU.

Điều đáng lo ngại là các nhà bán lẻ và doanh nghiệp nhỏ trong nước có thể gặp khó khăn trước sức ép về giá và thị phần. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng làn sóng từ các ứng dụng nước ngoài có thể khiến nhiều nhà bán lẻ Việt Nam khó duy trì hoạt động, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và chuỗi kinh doanh truyền thống.

Trước áp lực từ các ứng dụng thương mại điện tử nước ngoài, Bộ Công Thương đang trong quá trình nghiên cứu và sẽ đưa ra các giải pháp kiểm soát để bảo vệ thị trường nội địa. Việc quản lý các sàn thương mại điện tử, đặc biệt là việc giám sát giá cả, sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu nhằm đảm bảo tính công bằng cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Với sự xuất hiện của Temu, thương mại điện tử tại Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức. Bộ Công Thương đang nỗ lực để đưa ra những biện pháp bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, đồng thời đảm bảo sự phát triển lành mạnh cho thị trường thương mại điện tử.

Vũ Linh

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/bo-cong-thuong-len-tieng-ve-ung-dung-mua-sam-temu-398975.html