Bộ Công Thương: Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo nguồn cung Tết Nguyên đán

Theo đại diện Bộ Công Thương, sắp tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để có hướng dẫn tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.

Nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn

Từ cuối tháng 4 năm 2021 đến nay, làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải.

Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế.

Tại hội nghị "Giữ vững mối liên kết đảm bảo chuỗi cung ứng hàng Việt Nam, hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra vào sáng 8/12, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định: Khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm so với cùng kỳ thì thị trường trong nước nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế khỏi những biến động từ bên ngoài.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 11 tháng đầu năm tuy giảm 8,7% so với cùng kỳ năm trước, do các dịch vụ du lịch, hàng không trên toàn cầu bị đình trệ, nhưng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tháng 11 đã tăng 6,2% so với tháng trước.

“Việt Nam đã thành công khi nguồn cung hàng hóa thiết yếu không bị gián đoạn và kiểm soát được giá cả trên thị trường, ngay cả ở Bắc Ninh, Bắc Giang, TP.HCM và một số tỉnh phía Nam trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 và 16+”, ông Hải cho biết.

Bên cạnh đó, chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tiếp tục khởi sắc khi các địa phương trên cả nước thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, với mức tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2020.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, nhằm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt về các điểm nghẽn cản trở hoạt động sản xuất hiện nay.

Tiếp tục tháo gỡ nhiều vướng mắc

Về vấn đề này, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết: Từ khi bắt đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, Bộ Công Thương đã có hơn 60 văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu và tăng cường chuỗi sản xuất, tránh đứt gãy. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành khác nhau để hỗ trợ hàng hóa được thông suốt.

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Lê Việt Nga.

“Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, liên tục có các văn bản hướng dẫn, đề nghị gửi các địa phương nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp khi vận chuyển hàng hóa qua các chốt kiểm dịch nhằm điều phối cung ứng hàng hóa thiết yếu cho thị trường, kịp thời xử lý các khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa nhằm không làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu trong lúc dịch bệnh căng thẳng”, bà Nga nói.

Về những khó khăn của doanh nghiệp sản xuất đang gặp phải, Bà Nga cho biết: , Bộ Công Thương đã có các văn bản đề xuất ưu tiên tiêm phòng vắc xin cho người lao động trong chuỗi cung ứng phân phối hàng hóa.

Bộ Công Thương cũng đề xuất Bộ Quốc phòng hỗ trợ về nguồn nhân lực, bán hàng, giao hàng, kho vận, tài xế. Đồng thời đề xuất Bộ Y tế về tiêm vắc xin hướng dẫn phương án xử lý trong trường hợp có ca F0 tại cửa hàng, kho hàng;...

Bộ Công Thương đã thành lập các đường dây nóng tại Vụ Thị trường trong nước, Tổ công tác đặc biệt phía Nam để tiếp nhận và xử lý khó khăn của doanh nghiệp trong những tháng cao điểm chống dịch.

Bà Nga cho rằng, trong thời gian qua, triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, các doanh nghiệp đã thường xuyên phối hợp, liên kết và hợp tác từ khâu sản xuất, phân phối, lưu thông và kinh doanh hàng hóa đến tay người tiêu dùng, tạo ra chuỗi cung ứng hàng hóa vững vàng, không để bị đứt gãy trong thời gian dịch bệnh.

Vừa qua, tại Hội nghị kết nối cung – cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành năm 2021 với sự tham gia của 600 doanh nghiệp đến từ 45 tỉnh, thành phố trên cả nước đã ký kết được gần 600 biên bản hợp tác lẫn nhau.

Đại diện Vụ Thị trường trong nước khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai những giải pháp đã được thực tiễn chứng minh hiệu quả cũng như phối hợp các cơ quan liên quan để tiếp tục triển khai các chương trình trọng điểm để tăng cường thực hiện Cuộc vận động trong thời gian tới trong bối cảnh đất nước tiếp tục hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới,

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-cong-thuong-thao-go-kho-khan-cho-doanh-nghiep-dam-bao-nguon-cung-tet-nguyen-dan-post171026.html