Bồ Đào Nha bước vào tứ kết: 'Quả bom' Ronaldo trong đội hình
CR7 trở thành tâm điểm của dư luận bất kể anh ở vị trí nào. Đó chính là sự khác biệt của một ngôi sao từng đứng đầu thế giới và luôn nhận được sự săn đón từ truyền thông.
Ngôi sao của truyền thông
Khi còn ở đỉnh cao, Ronaldo tỏa sáng trong và ngoài sân cỏ. Thu nhập anh kiếm được “bên ngoài” còn lớn hơn “bên trong”. Lúc đó, tác dụng của truyền thông đóng vai trò “đẩy thuyền”. Ronaldo tận dụng sự quan tâm đặc biệt của công chúng để hưởng những lợi ích của người nổi tiếng.
Trong lĩnh vực này, Ronaldo có sức hút rất lớn với các nhãn hàng và anh cũng đầu tư rất tỉ mỉ để thu lợi nhuận từ những hợp đồng quảng cáo bên ngoài. Báo chí phương Tây, các nhà phân tích kinh tế cũng thừa nhận Ronaldo là “cầu thủ giỏi nhất trong số những cầu thủ có ý tưởng làm kinh tế” khi anh tận dụng quá tốt yếu tố chuyên môn nổi bật và những bản hợp đồng triệu đô.
Khi chạy đua với Messi, Ronaldo thậm chí được đánh giá nhỉnh hơn vì “biết cách” xây dựng hình ảnh cá nhân và tận dụng truyền thông. Ngôi sao Argentina ngược lại với Ronaldo. Anh không thực sự muốn dùng hình ảnh và hưởng lợi từ truyền thông. Messi nghĩ nhiều hơn về bóng đá. Tờ Marca từng tiết lộ, số M10 từng hủy nhiều cuộc hẹn với các nhà tài trợ vì quá mệt mỏi. Một số hợp đồng anh thực hiện phần nhiều vì lợi ích của CLB và ĐTQG hơn là cho cá nhân.
Ronaldo là ngôi sao sân cỏ và cũng là ngôi sao truyền thông. Vấn đề hai mặt “lợi ích và rắc rối” luôn song hành. Bây giờ, Ronaldo đang phải đối đầu với rắc rối lớn nhất từ truyền thông và điều đó khiến anh trở thành “quả bom”. Nếu không có cách tháo gỡ hợp lý, quả bom Ronaldo sẽ phát nổ bất cứ lúc nào!
Điều dư luận quan tâm lúc này là HLV Fernando Santos có dám làm vì lợi ích đội bóng hay ông phải xoa dịu căng thẳng bằng cách điền tên CR7 vào đội hình xuất phát, sau đó... tính tiếp?
Xét về sức hút, tiền đạo từng 5 lần đoạt Quả bóng Vàng châu Âu vẫn là một trong số ít các ngôi sao được săn đón khủng khiếp tại World Cup lần này. Theo tính toán sơ bộ của 4-4-2, Ronaldo nhận được sự quan tâm chỉ sau Messi, Neymar. Anh vẫn xếp trên Mbappe và vượt trội hàng loạt ngôi sao đình đám khác như Vinicius (Brazil), Hakimi (Moroceo), De Bruyne (Bỉ) hay tài năng trẻ đang thi đấu rất lên chân của tuyển Anh Jude Bellingham.
Thế nên, nhất cử nhất động của Ronaldo đều được “soi” rất kỹ. Đó chính là mặt trái của ngôi sao truyền thông!
CR7 đang gồng mình chịu đựng!
Phải ngồi ngoài trận gặp Thụy Sĩ là nỗi đau tê tái của CR7. Trong gần 20 năm cống hiến cho ĐTQG, anh chưa bao giờ phải đóng vai kép phụ, trừ khi chấn thương hoặc đội tuyển đá trận vô thưởng vô phạt. Nhưng trong trận cầu then chốt cần những cầu thủ giỏi nhất như vòng knock-out World Cup vừa rồi, CR7 không có tên!
Ở góc độ của Ronaldo, không thể nói anh không buồn, không thể nói anh “sẵn sàng hy sinh” vị trí chính thức cho một cầu thủ gần như “vô danh” vì lợi ích của đội tuyển. Với cá tính ăn thua có phần hiếu thắng của mình, CR7 đang ngậm đắng nuốt cay với tình hình hiện tại. Một tượng đài không chỉ của Bồ Đào Nha, mà của thế giới đang sụp đổ!
Gần như ngay lập tức, truyền thông “phát hiện” ra Ronaldo đi vào đường hầm sớm hơn đồng đội. Anh chào khán giả qua loa, bắt tay hời hợt với các cầu thủ Thụy Sĩ. Trong trận, CR7 bộc lộ 50 sắc thái trên ghế dự bị từ tiếc nuối, bực dọc, giận dữ đến ánh mắt cam chịu. Rõ ràng, “quả bom” đã dồn nén trong tư tưởng vốn bị quá nhiều áp lực của Ronaldo.
Không phải ngẫu nhiên, báo chí quốc tế nói Ronaldo giận dỗi và tính bỏ đội tuyển về nhà. Họ có lí và phân tích mọi thứ dựa trên biểu hiện và tính cách của CR7. Cho dù sau đó, đích thân khổ chủ và cả Liên đoàn bóng đá BĐN đã lên tiếng trấn an: “Mọi chuyện đều ổn. Ronaldo chưa từng nói đến việc rời đội”, thì người ta vẫn bán tin bán nghi về một kịch bản khác có thể xảy ra.
Điều Ronaldo cảm thấy bị bỏ rơi và nếm trải dư vị đắng ngắt khi “cả thế giới quay lưng” là việc sao trẻ Gonzalo Ramos - người thay thế anh ghi một hattrick, còn lối chơi chung của Bồ Đào Nha lại trở nên khoáng đạt, mạnh mẽ và nguy hiểm hơn nhiều khi so với đội hình có Ronaldo đá chính!
Không phủ nhận, Ronaldo từng là huyền thoại, là nhân tố số 1 của Bồ Đào Nha. Tuy nhiên, bóng đá vốn không có quá khứ và nó sống với hiện tại. Ronaldo giờ khác với CR7 thời đỉnh cao. Mọi người nhận ra điều đó nhưng bản thân anh thì không. Ronaldo quá cố chấp, hoặc quá đề cao cái Tôi bản thân. Nỗi đau từ đó mà ra, rắc rối cũng từ đó mà ra.
Chẳng ai còn nhận ra sự nguy hiểm của Ronaldo khi anh có mặt trên sân. Nhưng tất cả đều nhìn thấy mọi chuyện tốt đẹp hơn khi anh... dự bị.
Thế nên, nhiệm vụ khó khăn nhất của HLV Fernando Santos lúc này không phải là chiến thuật thế nào, phương án chống Morocco ra sao, mà là giúp Ronaldo hiểu được “thời của anh đã qua” và hiện tại, Bồ Đào Nha cần những nhân tố tốt nhất cho cuộc chiến then chốt. Dẫu vậy, việc thu phục nhân tâm chưa bao giờ là dễ, nhất là khi phải đối mặt với một tượng đài có tư duy “thủ cựu” như CR7. Nhiều khả năng, Bồ Đào Nha sẽ vẫn phải chấp nhận bước vào tứ kết với “quả bom” Ronaldo có thể phát nổ bất cứ lúc nào.