Bộ đội Cụ Hồ nơi đầu sóng

Kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng Trường Sa (29.4.1975 - 29.4.2023)

BHG - Kỳ 4: Giữ môi trường xanh nơi đảo xa

Đến với quần đảo Trường Sa, mọi người sẽ được chiêm ngưỡng màu xanh của biển, của cây trái, của những vườn rau và sắc hoa trên đảo. Nhờ tình yêu, lòng quyết tâm của quân, dân trên đảo và sự chung sức của cả nước, môi trường xanh luôn hiện hữu giữa biển khơi.

Màu xanh trên đảo

Kiểm tra sự phát triển của cây ở vườn ươm của đảo Trường Sa Đông.

Kiểm tra sự phát triển của cây ở vườn ươm của đảo Trường Sa Đông.

Phong ba, Bão táp, Mù u, nhàu, bàng, Bàng quả vuông, tra (mà Bộ đội ở đảo hay gọi là Nho biển), Phi lao và Dừa... là những “Cây đặc sản” ở các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa. Có những cây được mang ra từ đất liền, rồi bộ đội nhân giống trên đảo. Nhưng cũng nhiều cây tự mọc ở đảo từ bao giờ chẳng rõ. Nhiều cây đã được phong tặng là “Cây Di sản”, như: Bàng vuông tám nhánh (đảo Nam Yết), Phong ba (đảo Song Tử Tây), cây Mù u (đảo Sơn Ca). Việc công nhận cây di sản cũng chính là khẳng định chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Trường Sa. Với mỗi người lính Trường Sa đều có chung tâm nguyện: Bảo vệ cây xanh, bảo vệ cây di sản là vinh dự, trọng trách lớn lao của người lính nơi đảo xa.

Không chỉ ở đảo Trường Sa, dù đã được giới thiệu trước nhưng chúng tôi thật sự bất ngờ trước màu xanh của đảo An Bang và đảo Trường Sa Đông. Bất chấp sóng gió, những thiếu thốn về đất trồng, nước tưới, các đảo rợp bóng mát, tràn ngập một màu xanh từ những rặng cây tra, bàng, Bàng vuông, Phong ba… Quanh đảo, bên những gốc Bàng vuông, Mù u hay ban công các nhà, là những chậu hoa cây cảnh được cắt tỉa tạo dáng thật đẹp mắt, đang đâm chồi nảy lộc.

Vườn rau xanh trên đảo Đá Đông.

Vườn rau xanh trên đảo Đá Đông.

Thật ấn tượng, choáng ngợp trước vườn rau của đảo: Giàn bí, mướp, rồi Mướp đắng, quả nào quả nấy như to hơn trong đất liền, sai trĩu quả. Những luống rau cải, Mùng tơi, muống, dền tốt ngợp. Không chỉ gặp ở đảo Trường Sa, Song Tử Tây, tại đảo Trường Sa Đông chúng tôi cũng bắt gặp những cây chuối đang trổ buồng trĩu quả.

Xa đất liền, để có những vườn rau tươi tốt giữa biển khơi trong điều kiện khắc nghiệt, bộ đội ở đảo An Bang, Trường Sa Đông và Đá Đông A, B, C luôn có giải pháp, sáng kiến vận dụng trong trồng trọt chăn nuôi hiệu quả. Khâu ươm, trồng, cây phát triển cũng đã là một kỳ công với những người chiến sỹ nơi đảo xa. Các đảo đều có vườn ươm mà giống cây từ 2 nguồn, một là từ nguồn cây hoặc hạt giống do bộ đội và khách mang từ đất liền ra, phải ươm 1 thời gian cho phù hợp khí hậu rồi mới đem trồng. Hai là từ nguồn cây được chiết hoặc lấy hạt từ các cây ở đảo đem ươm. Cây trồng xuống đều được che chắn cẩn thận, hố trồng cây được ủ lá và cây mục trước đó kỹ càng; mỗi cây được giao cho 1 bộ phận chăm sóc, đảm bảo cây sống và phát triển. Mỗi cây xanh được trồng ở đây đều lưu giữ nhiều kỷ niệm, dấu ấn của người lính đảo. Việc gieo trồng, bảo vệ các loại cây bóng mát, cây ăn quả, rau xanh đã trở thành phong trào sâu rộng, tạo ý thức tự giác của quân và dân trên đảo Trường Sa. Vượt qua bão tố, nắng hạn, dưới bàn tay của người lính, những mầm xanh của các loại cây vẫn đua nhau nảy lộc, cứ lớn dần lên, khẳng định sức sống mãnh liệt trên mảnh đất tiền tiêu của Tổ quốc.

Chung tay vì môi trường biển sạch

Môi trường sống ở đảo Trường Sa luôn xanh, sạch, đẹp.

Môi trường sống ở đảo Trường Sa luôn xanh, sạch, đẹp.

Thời gian gần đây số lượng rác thải ở đảo ngày càng nhiều. Rác thải đến từ sinh hoạt trên đảo; do các tàu của ngư dân xả thải trực tiếp xuống biển khi khai thác hải sản ở khu vực gần các đảo. Thậm chí là rác thải do sóng biển đánh dạt vào trên bờ cát ven đảo. Để xử lý vấn đề rác thải, hướng tới xây dựng môi trường biển, đảo xanh, sạch, đẹp, Ban Chỉ huy các đảo thường xuyên phát động phong trào “Thứ 7 tình nguyện”, “Ngày Chủ nhật xanh”, “Hãy làm sạch biển”, phát huy vai trò xung kích, trách nhiệm của CBCS, đặc biệt lấy đoàn viên, thanh niên làm nòng cốt trong việc thu gom, xử lý rác thải.

Những rác thải rắn, khó phân hủy như: Vỏ lon, vỏ hộp, chai nhựa, túi nilon… thì đập bẹp, đóng vào các bao sau đó mang vào bờ để xử lý. Đối với rác thải sinh hoạt như lá cây xanh trên đảo rụng xuống, cuộng rau xanh hay gốc rau già sau khi thu hoạch, hoặc vỏ củ quả nếu không sử dụng được cho vật nuôi, được bộ đội được phân loại, băm nhỏ để rải dưới gốc rau hoặc ủ 1 thời gian rồi đem bón cây, góp phần cải tạo đất tăng gia và trồng cây xanh trên đảo.

Thượng tá Nguyễn Công Chính, Chính trị viên đảo Trường Sa, cho biết: Không chỉ thường xuyên tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức giữ gìn khu vực biển, đảo xanh, sạch, đẹp, chúng tôi hướng dẫn CBCS và nhân dân trên trên đảo, ngư dân thực hiện tốt việc phân loại, xử lý rác thải, góp phần chung tay bảo vệ môi trường biển, đảo. Trước đây ngư dân có thói quen xả rác sinh hoạt trực tiếp xuống biển, vậy là khi các tàu cá của ngư dân vào các đảo xin thuốc, khám chữa bệnh hoặc vào các Âu tàu huyện đảo Trường Sa tránh trú gió, bão, tiếp nhiên liệu, CBCS kết hợp với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển lồng ghép các nội dung tuyên truyền pháp luật với tuyên truyền bảo vệ môi trường biển, tác hại của việc xả thải trực tiếp xuống biển; hướng dẫn ngư dân phân loại rác .

Được chứng kiến một buổi thu gom, xử lý rác tại các khu vực xung quanh đảo, mới thấy tinh thần nhiệt huyết, ý thức trách nhiệm của quân và dân trên đảo đối với nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển, đảo. Họ đã và đang chung sức bảo vệ, gìn giữ môi trường xanh giữa biển khơi.

Bài, ảnh: ĐẶNG THỊ PHƯƠNG HOA

Kỳ cuối: Vẹn nguyên lời thề giữ biển.

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/an-ninh-quoc-phong/202305/ky-niem-48-nam-ngay-giai-phong-truong-sa-2941975-2942023-bo-doi-cu-ho-noi-dau-song-8a45496/