Bộ đội của dân, vì dân

Những ngày đầu tháng 9, cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão khiến mưa to kéo dài gây ngập lụt, sạt lở đất, thiệt hại lớn về tính mạng, tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống nhân dân các tỉnh phía Bắc. Đâu khó có bộ đội. Ngay tại địa bàn mưa lũ, sạt lở, lực lượng vũ trang xung kích phối hợp cùng chính quyền địa phương ứng phó với mưa lũ, khắc phục hậu quả thiên tai. Hình ảnh người lính dầm mưa, lội bùn giúp dân chống lũ, tìm kiếm người mất tích, di dời người dân, tài sản đến nơi an toàn... đã tô thắm thêm phẩm chất tốt đẹp của 'Bộ đội Cụ Hồ'.

Lực lượng bộ đội hỗ trợ nhân dân vùng lũ Mường Pồn (huyện Điện Biên) trong trận lũ quét xảy ra ngày 25/7. Ảnh: Hải Yến

Lực lượng bộ đội hỗ trợ nhân dân vùng lũ Mường Pồn (huyện Điện Biên) trong trận lũ quét xảy ra ngày 25/7. Ảnh: Hải Yến

Hướng về đồng bào vùng lũ phía Bắc, người dân miền Nam, miền Trung thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, chia sẻ khó khăn, mất mát với tinh thần tương thân tương ái. Những chuyến hàng cứu trợ với thực phẩm, đồ dùng thiết yếu được gom góp, ngược từ Nam ra Bắc chuyển tới bà con vùng lũ. Trong đau thương, tình đoàn kết, nghĩa đồng bào lại phát huy sức mạnh, chia sẻ để người dân vùng lũ vượt qua khó khăn. Nhiều hoạt động thiện nguyện, quyên góp hỗ trợ đồng bào khắc phục hậu quả mưa lũ được triển khai kịp thời, lan tỏa rộng khắp cả nước. Ngay tại địa bàn các tỉnh bị ngập lụt, sạt lở lớn là sự xung kích của lực lượng vũ trang đã và đang xuống với dân, giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, gây dựng cuộc sống. Những người lính ngày đêm liên tục có mặt tại vùng ngập lụt, sạt lở để san gạt bùn đất, dọn dẹp cùng người dân, vận chuyển lương thực tới từng nhà...

Với người dân ở xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, hình ảnh người lính đã trở nên gần gũi như người thân trong gia đình khi hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả trận lũ quét bởi hoàn lưu cơn bão số 2 vào cuối tháng 7 vừa qua. Trận lũ quét đêm 24 rạng sáng 25/7 tại Mường Pồn khiến 7 người thiệt mạng và mất tích, 20 nhà ở bị cuốn trôi, vài chục héc-ta lúa, ao cá bị vùi lấp, nhiều tuyến đường bị sạt lở, chia cắt... Có gia đình bị cuốn trôi cả người, cả nhà; tài sản, lợn gà, rau màu bị cuốn trôi theo dòng nước lũ; vài cửa hàng tạp hóa chẳng còn lại gì sau khi lũ qua. Lũ quét đi qua để lại cả khu vực ngổn ngang bùn đất, đá sỏi, vụn gỗ cùng đồ đạc, tài sản của người dân bị hư hỏng, phá hủy lẫn trong bùn nước...

Đồng cam cộng khổ cùng người dân, ngay sau lũ, những người lính lại xung kích khắc phục hậu quả thiên tai, dầm mình dưới nước tìm người mất tích, vượt các đỉnh đồi, sườn núi đưa hàng cứu trợ tới bà con. Tuyến đường lên điểm bản vùng cao Huổi Ké bị sạt lở không còn đường đi, bộ đội dùng xẻng, cuốc bạt đường, mở lối. Men theo lối mòn dốc ngược, trơn trượt, bộ đội, dân quân san gạt, mở đường vận chuyển thực phẩm, đồ dùng lên bản tiếp tế cho người dân. Dưới chân núi, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị san gạt bùn đất trong nhà, tháo dỡ, di dời nhà khu vực nguy cơ sạt lở; đồng thời vệ sinh môi trường giúp bà con ổn định cuộc sống.

Để gây dựng lại cuộc sống mới sau mưa lũ không đơn giản trong một sớm một chiều, đặc biệt với tâm lý người còn lại khi người thân trong gia đình bị lũ cuốn, mất tích, nhà cửa, tài sản mất trắng. Cấp ủy, chính quyền cùng các lực lượng chức năng tại Điện Biên đã và đang triển khai xây dựng nhà ở cho người dân bị mất nhà, hỗ trợ sản xuất để bà con phát triển kinh tế, xã hội.

Thiên tai gây hậu quả nặng nề, thiệt hại khủng khiếp về cả con người, tài sản của nhà nước và nhân dân. Cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão đã gây thiệt hại lớn đối với các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Quảng Ninh... Thông tin tại hội nghị của Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng cơn bão số 3 cho thấy, đến ngày 15/9 cơn bão số 3 khiến 348 người chết và mất tích; hơn 190.000ha lúa, khoảng 80.000ha hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; gần 3.300 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị cuốn trôi, hư hỏng; 2,6 triệu con gia cầm và hàng chục nghìn con gia súc bị chết. Nhiều tuyến đường bị sạt lở nghiêm trọng không thể lưu thông; đặc biệt có tới 305 sự cố về đê điều do mưa lớn, nước dâng cao. Biến đổi khí hậu đã gây những hậu quả nặng nề không thể thống kê bằng những con số. Trước cơn bão số 3 các tỉnh phía Bắc đã xảy ra mưa kéo dài làm những vạt đồi, ngọn núi thấm đẫm nước nên khi có bão các vụ sạt lở vùi lấp nhà cửa, đường sá, gây thiệt hại khủng khiếp và đau lòng.

Với tinh thần xung kích, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang có mặt tại các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, vượt khó khăn, hiểm nguy vì tính mạng, tài sản của nhân dân. Tinh thần “bộ đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu” được phát huy mạnh mẽ. Lực lượng vũ trang khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định tình hình tâm lý để cuộc sống sớm trở lại bình thường.

Tinh thần sẵn sàng lên đường, nhanh chóng có mặt tại các địa phương bị mưa lũ khắc phục hậu quả thiên tai, hỗ trợ người dân là tinh thần nhất quán của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang. Cùng với công an, bộ đội, dân quân, dự bị động viên đều được huy động đến những nơi nguy hiểm, bị mưa lũ, sạt lở hỗ trợ chính quyền địa phương và nhân dân thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn. Sự sẻ chia, hỗ trợ của những người lính để lại hình ảnh đẹp trong lòng nhân dân, thắt chặt tình quân dân, sáng ngời phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”.

Hà Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.com.vn/tin-tuc/quoc-phong/218387/bo-doi-cua-dan-vi-dan