Bộ đội, dân quân giúp dân gia cố sạt lở bờ sông

Do ảnh hưởng bão số 5, mưa lớn, nước sông Vu Gia dâng cao, chảy cuồn cuộn đã liên tục khoét sâu vào bờ và làm sạt lở khoảng 2 héc ta đất canh tác của hơn 10 hộ dân ở thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) và có nguy cơ đe dọa trực tiếp đến nhà cửa, tài sản của 8 gia đình trên địa bàn. Những ngày qua, gần 250 cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân thuộc Ban CHQS huyện Đại Lộc cùng hàng trăm cán bộ, đoàn viên đã không quản ngại khó khăn, dầm mưa, dãi nắng chặt tre, đào đắp, vận chuyển hàng nghìn khối đất đá gia cố vị trí sạt lở bờ sông, giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống.

 Một góc đoạn sông bị sạt lở.

Một góc đoạn sông bị sạt lở.

Đã 4 ngày nay, bên bờ sông bị sạt lở, từ sáng sớm, các lực lượng đã tập trung đông đủ bắt tay vào việc. Người chặt tre, người xúc cát, người chuyển bao… mỗi người một việc, khẩn trương đắp bờ, kè đá ngăn sạt lở đất bảo vệ tài sản, nhà cửa cho người dân.

Phụ trách lực lượng chặt tre, Thượng úy QNCN Nguyễn Thành Vinh, nhân viên quân sự địa phương, Ban CHQS huyện Đại Lộc, chia sẻ: “Chúng tôi huy động 3 cưa máy và lựa chọn những người có kinh nghiệm để trực tiếp khai thác tre. Mỗi cọc tre dài từ 4m đến 5m. Sau khi tre được cắt tỉa, sẽ có lực lượng nhanh chóng vận chuyển đến vị sạt lở để gia cố bờ sông”.

 Bộ đội, dân quân Ban CHQS huyện Đại Lộc giúp dân kè bờ sông bị sạt lở.

Bộ đội, dân quân Ban CHQS huyện Đại Lộc giúp dân kè bờ sông bị sạt lở.

Cùng bộ đội, dân quân khẩn trương đóng bao, vận chuyển đất đá đến khu vực sạt lở, Thiếu tá Trần Bá Cuộc, Trợ lý dân quân, Ban CHQS huyện Đại Lộc trao đổi với chúng tôi: “Bởi mưa nắng thất thường, đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mọi người. Song với tinh thần, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân là trên hết, anh em đã nỗ lực, vượt khó, nhanh chóng đào đất, kè bờ chắc chắn giúp người dân an tâm ổn định cuộc sống”.

Thấy bộ đội, dân quân về giúp đỡ, bà con rất phấn khởi, sắp xếp công việc cùng tham gia đắp đê, giữ đất, giữ nhà. Gắn bó với mảnh vườn ven sông Vu Gia đã mấy chục năm nay, ông Ngô Xung, 54 tuổi, ở thôn Phú Nghĩa, một trong những hộ dân bị ảnh hưởng nặng nề, xúc động nói: “Thôn được bao phủ bởi hàng tre rậm rạp, thế mà giờ đây gần như đã bị xóa sổ bởi sạt lở. Đất nông nghiệp bị cuốn trôi, vườn tược mất trắng, không còn đất canh tác. Mấy ngày nay tôi cứ đứng ngồi không yên, bởi ngôi nhà cấp 4 kiên cố của gia đình hiện chỉ cách mép nước chưa tới 15m. Nay có bộ đội, dân quân và các lực lượng về giúp đỡ, tôi mừng lắm”.

 Bộ đội, dân quân Ban CHQS huyện Đại Lộc xúc đất cát vào bao chuyển đến vị trí sạt lở.

Bộ đội, dân quân Ban CHQS huyện Đại Lộc xúc đất cát vào bao chuyển đến vị trí sạt lở.

Trực tiếp chỉ huy bộ đội, dân quân tại hiện trường, lo lắng cho tài sản của người dân bị ảnh hưởng, Trung tá Nguyễn Văn Thành, Phó chỉ huy Trưởng kiêm Tham mưu trưởng, Ban CHQS huyện Đại Lộc, quần xắn ngang gối, áo lấm lem bùn đất, hết đến bộ phận này rồi đến bộ phận khác liên tục động viên anh em đẩy nhanh tiến độ.

Anh Thành cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, tranh thủ nước rút, đơn vị đã huy động tối đa cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện cùng dân quân tự vệ thuộc 6 xã, thị trấn (Đại Cường, Đại Hiệp, Địa nghĩa, Đại An, Đại Hòa và thị trấn Ái Nghĩa) trên địa bàn tham gia vào nhiệm vụ lần này. Bởi khu vực sạt lở lớn, khối lượng công việc nhiều nên chúng tôi bố trí, phân chia lực lượng và cử người phụ trách các bộ phận chặt chẽ, khoa học. Sau 4 ngày, các lực lượng đã đào đắp được hơn 20 nghìn bao cát, đóng gần 1.000 cọc tre các loại, cơ bản kè xong khu vực sạt lở có hình vòng cung dài khoảng 300m, sâu gần 70 mét, giúp bảo vệ tài sản, hoa màu cho người dân”.

 Mặc trời mưa, các lực lượng vẫn tích cực kè chuyển đất kè bờ sông.

Mặc trời mưa, các lực lượng vẫn tích cực kè chuyển đất kè bờ sông.

Theo người dân thôn Phú Nghĩa, tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia diễn biến phức tạp 3 năm trở lại đây, kể từ khi có công trình đập tạm ngăn dòng đưa nước về thành phố Đà Nẵng. Được biết, đoạn sạt lở không chỉ ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu, nhà cửa của bà con thôn Phú Nghĩa mà còn ảnh hưởng đến 2 trụ điện hạ thế cấp điện cho người dân xã Đại Cường. Cùng với bộ đội, dân quân, chính quyền địa phương đã huy động 4 máy xúc và hàng trăm đoàn viên thanh niên và người dân cùng tham gia vào công việc này. Trên thực địa, tiếng chặt tre, xúc đất, đóng cọc cùng tiếng hô một hai đưa bao cát lên vai hòa lẫn vào nhau thật nhộn nhịp, khẩn trương. Khí thế quân và dân một lòng đội nắng, dầm mưa quyết xây phòng tuyến trước nghịch cảnh như tinh thần xung trận ra tiền tuyến.

Ông Ngô Đình Nguyện, Bí thư kiêm Trưởng thôn Phú Nghĩa cho biết: “Anh em làm việc rất hăng say, bất kể nắng, mưa. Bà con rất cảm kích trước tinh thần, trách nhiệm của các chú bộ đội và dân quân. Sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm đó, đã giúp người dân giảm bớt thiệt hại, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Chúng tôi mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp có giải pháp lâu dài để người dân không phải lo lắng mỗi khi mưa bão”.

Hành động, việc làm và tinh thần vượt khó của cán bộ, chiến sĩ và dân quân tự vệ Ban CHQS huyện Đại Lộc đã góp phần thắt chặt thêm tình quân dân cá nước, lan tỏa mạnh mẽ phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân.

Bài, ảnh: PHAN XUÂN ĐỊNH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/bo-doi-dan-quan-giup-dan-gia-co-sat-lo-bo-song-708936