Bộ GD-ĐT đề xuất việc dạy học đại trà trên truyền hình cho học sinh, công nhận kết quả học trực tuyến
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu, đề xuất việc dạy học đại trà trên truyền hình cho học sinh, đồng thời làm rõ hành lang pháp lý công nhận kết quả học trực tuyến những nơi đã triển khai.
Học qua truyền hình và online
Hiện tại, nhiều địa phương trên phạm vi cả nước đã cho học sinh các cấp từ mầm non, tiểu học, THCS và THPT tạm nghỉ học đến hết 15/3, thậm chí có tỉnh nghỉ đến đầu tháng 4 để phòng chống dịch Covid-19.
Để giúp học sinh củng cố kiến thức trong thời gian nghỉ, các sở giáo dục và trường đại học đã tổ chức dạy học trên truyền hình. Đã có gần 10 tỉnh trên cả nước tổ chức phát sóng các chương trình ôn tập kiến thức trên Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Vĩnh Long, An Giang, Đà Nẵng... Học sinh các khối 9 và 12 sẽ được các giáo viên giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao truyền đạt kiến thức.
Bên cạnh đó, các trường đại học tổ chức dạy học online cho sinh viên. Cụ thể như ĐH Mở Hà Nội thông báo sinh viên của trường vẫn nghỉ học ở nhà học trực tuyến theo thời khóa biểu bình thường. Trên hệ thống đào tạo trực tuyến, giảng viên điểm danh bằng việc xuất báo cáo, có chấm điểm, vào điểm các môn học.
Tại trường ĐH Kinh tế Quốc dân, từ ngày 9-15/3, tất cả các học phần sẽ học theo hình thức Blended learning (hình thức học tập trực tuyến thông qua phần mềm). Theo nhà trường, thông qua hệ thống, giảng viên có thể tạo các bài học theo tuần, đưa các bài kiểm tra tự luận, trắc nghiệm… để sinh viên tự học, tự kiểm tra và đánh giá sự tiến bộ của mình.
Học trực tuyến có được công nhận kết quả?
Do tình hình dịch diễn biến phức tạp và có thể ảnh hưởng đến lịch học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ mới đây vừa yêu cầu các đơn vị thuộc bộ nghiên cứu, đề xuất việc dạy học đại trà trên truyền hình cho học sinh, đồng thời làm rõ giá trị kết quả học trực tuyến.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, các đơn vị tiếp tục tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng kế hoạch dạy học từ xa đảm bảo nền nếp, chất lượng. Trong đó, cần làm rõ những nội dung có thể dạy và học từ xa, phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt phải tính đến phương án cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn để các em không bị thiệt thòi.
Các trường sư phạm được giao nhiệm vụ hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để triển khai việc dạy và học từ xa một cách bài bản. Nếu học sinh tiếp tục nghỉ lâu hơn do dịch, Bộ GD&ĐT sẽ chuẩn bị các phương án phù hợp.
Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản chỉ đạo Bộ GD&ĐT sớm xem xét kiến nghị cho các trường triển khai phương thức giáo dục từ xa trong mùa dịch của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và Hiệp hội Vì giáo dục cho mọi người Việt Nam.
GS.TS Nguyễn Hữu Châu, Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia cho rằng, Việt Nam có thể học các quốc gia phát triển là tăng cường việc học di động (Mobile learning) trong đó có việc học bằng điện thoại di động. Học bằng điện thoại di động, rất tiện ích với tất cả mọi người, vì có thể học mọi nơi, mọi lúc chỉ với chiếc điện thoại di động. GS Châu cho rằng, ngành giáo dục nên đẩy mạnh việc xây dựng và sử dụng các sách giáo khoa điện tử. Đặc biệt, nên tận dụng khai thác sử dụng ngay các công nghệ như radio, tivi trong cả thời kỳ phát triển ồ ạt các công nghệ mới
Trả lời Tiền Phong, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết phải đánh giá thực tế chất lượng dạy học online thì mới quyết định công nhận kết quả học tập bằng hình thức này hay không.