Bộ GD&ĐT kết nối nguồn lực xây dựng trường học an toàn, thân thiện
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Kế hoạch số 29/KH-BGD&ĐT, kết nối nguồn lực xã hội để xây dựng trường học an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh giai đoạn 2021-2025.
Tháo gỡ khó khăn về trường lớp học
Một trong những mục đích của Kế hoạch này là nhằm hưởng ứng Chương trình “Điều ước cho em” của Bộ GD&ĐT; kết nối nguồn lực xã hội, giúp các địa phương, các cơ sở giáo dục xây dựng, tu bổ trường lớp theo tiêu chí quy định, bảo đảm điều kiện và môi trường học tập an toàn, thân thiện cho trẻ em, học sinh ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới hải đảo, địa bàn có nhiều khu công nghiệp.
Triển khai áp dụng số hóa để quản lý giáo dục, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục giải quyết khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư trường lớp, thiết bị dạy học, bữa ăn bán trú, hệ thống nước sạch và công trình vệ sinh, học liệu, phần mềm hỗ trợ việc dạy và học; hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, trẻ em và học sinh dân tộc thiểu số, trẻ em và học sinh có hoàn cảnh đặc biệt được học hòa nhập.
Gặp mặt, tri ân và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng góp, hỗ trợ hiệu quả cho sự nghiệp GD&ĐT giai đoạn 2015 - 2020.
Bộ GD&ĐT giữ vai trò kết nối nguồn lực xã hội, tạo dựng mô hình, tổng hợp thông tin, kết quả; ghi nhận đóng góp của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đồng hành với các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT trong việc hỗ trợ các địa phương và cơ sở giáo dục xây dựng trường học an toàn, thân thiện theo mục đích đặt ra trong Kế hoạch.
Đồng thời, xây dựng các văn bản ký kết, giao ước kết nối nguồn lực xã hội xây dựng trường học an toàn, thân thiện; tại mỗi địa phương cần rõ về đầu việc, hạng mục, tiêu chí và nhiệm vụ theo giai đoạn và từng năm.
Thành lập Ban điều phối để cập nhật thông tin, theo dõi, kết nối, đôn đốc việc triển khai các văn bản ký kết; đề xuất hình thức ghi nhận những cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp nguồn lực cho sự nghiệp GD&ĐT; tham mưu tổng kết, đánh giá kết quả việc kết nối nguồn lực xã hội khi kết thúc giai đoạn và triển khai kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.
2 nội dung nguồn lực huy động
Kế hoạch đưa ra 2 nội dung huy động nguồn lực, gồm: cơ sở vật chất; tài liệu, học liệu, nguồn lực hỗ trợ nhà trường; và bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực cho giáo viên, nhân viên.
Cụ thể, hỗ trợ địa phương và cơ sở giáo dục xây dựng, sửa chữa trường lớp; đầu tư phòng học, phòng bộ môn, trang thiết bị dạy học; hệ thống nước sạch, công trình vệ sinh hợp chuẩn và đáp ứng nhu cầu, bảo đảm chất lượng trường lớp, đội ngũ, cơ sở vật chất..., đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới giáo dục;
Khảo sát, nắm bắt nhu cầu thực tiễn để kết nối nguồn lực nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương về trường lớp học, bảo đảm sĩ số học sinh và môi trường học tập an toàn, thân thiện, hỗ trợ xây dựng khu ký túc xá, khu ở nội trú, bán trú cho học sinh dân tộc thiểu số; đầu tư điện, đường, phương tiện đi lại để thuận tiện cho việc đưa đón trẻ em, học sinh tới trường.
Cung cấp học liệu, phần mềm ứng dụng số hóa; xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa dùng chung và bản đồ số hóa về sức khỏe học đường, thiết bị vệ sinh trường học; tư vấn tâm lý học đường cho các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở;
Xây dựng Bộ chỉ số đánh giá, phần mềm quản lý với các chỉ số phù hợp nhằm xây dựng trường học an toàn, thân thiện; xây dựng kỹ năng ứng xử văn hóa, giáo dục đạo đức, thể chất, lối sống, kỹ năng sống, phòng, chống ma túy, tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, đuối nước và phòng, chống bạo lực học đường cho trẻ em, học sinh;
Biên soạn tài liệu, tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nhận thức, bổ sung kiến thức, kỹ năng về giáo dục thể chất, dinh dưỡng học đường cho trẻ em, học sinh và những người trực tiếp chăm sóc trẻ/cha mẹ trẻ em, học sinh.
Hỗ trợ nguồn lực để cải thiện bữa ăn học đường; cải thiện dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc cho trẻ em và học sinh ở tập thể bán trú, nội trú.
Tổ chức khảo sát thực trạng nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại các cơ sở giáo dục; tập huấn cho đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin về kỹ năng xây dựng bản đồ “trường học an toàn, thân thiện” và bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho nhân viên y tế trường học.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh trao học bổng "Điều ước cho em" tới học sinh 2 trường THPT DTNT Nghệ An.
10 tỉnh được hỗ trợ trong năm 2021
Theo kế hoạch, năm 2021 lựa chọn 10 tỉnh được hỗ trợ nguồn lực, gồm: Quảng Trị, Quảng Bình, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Kon Tum, Đắk Nông, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Giai đoạn 2021 – 2025, lựa chọn 30 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thanh Hóa, Quảng Nam, Tuyên Quang, Hà Giang, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Bình Thuận, Trà Vinh, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang, Bình Dương, Đồng Nai.
Mỗi địa phương chọn 1 huyện, mỗi huyện chọn 20 trường, mỗi trường chọn 1 giáo viên, 1 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục và 10 trẻ em, học sinh thuộc gia đình có hoàn cảnh khó khăn vượt khó để tặng quà theo mức quy định trước khi khảo sát hoặc đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực (trong đó có 10 trường mầm non, 5 trường tiểu học, 5 trường THCS).
Dự kiến ngày 22/1/2021 sẽ tổ chức gặp mặt triển khai Kế hoạch tại Hà Nội.