'Bố già' trở lại bảng phim ăn khách
"Bố già" của Coppola thu 970.000 USD ở Bắc Mỹ, 1,4 triệu USD từ thị trường khác khi chiếu lại dịp kỷ niệm 50 năm ra đời.
Theo thông tin đăng tải hôm 28/2, trang Hollywood Reporter đánh giá tác phẩm hay nhất trong số các phim ra rạp cuối tuần qua. Từ ngày 25 đến 27/2, phim thu về mức trung bình ở mỗi rạp là 6.128 USD, vượt qua Thợ săn cổ vật (thu trung bình 5.438 USD, chiếu ở 4.275 rạp).
Tác phẩm đứng số một hoặc số hai ở hơn 70 rạp, trong tổng số 156 rạp chiếu phim, gồm cả ba rạp ăn khách hàng đầu như AMC Lincoln Square (New York), AMC Metreon (San Francisco), AMC Georgetown (Washington). Thành tích góp phần nâng doanh thu toàn cầu của phim lên 248,2 triệu USD, chưa tính lạm phát. Chủ tịch phân phối nội địa của hãng Paramount, ông Chris Aronson, nói: "Kết quả này thật phi thường. Mọi người đều đã xem Bố già, nhưng không phải ở rạp".
Phát hành năm 1972, Bố già chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Mario Puzo, xoay quanh những vụ ẩu đả, tranh giành quyền lực của các băng đảng tội phạm. Đạo diễn Francis Ford Coppola - khi ấy 29 tuổi - cho người xem bước hẳn vào cuộc sống của những tên trùm mafia, đại diện là nhà Corleone.
Tác phẩm thay đổi quan niệm của khán giả về phim tội phạm, nhất là dòng gangster. Trước đó, cụm từ "mafia" còn xa lạ với Hollywood. Chủ đề tội phạm thường chỉ xoay quanh những vụ án mạng, cuộc điều tra của thám tử, kết thúc bằng việc cái ác được đưa ra ánh sáng.
Bố già - ngược lại - được xây dựng bằng những màn đấu đá của thế giới ngầm, đậm tính bạo lực, với nhiều cảnh quay ở mức R (hạn chế khán giả dưới 17 tuổi). Không dừng ở xây dựng thế giới tội phạm, Coppola và tác giả tiểu thuyết gốc Puzo cùng nhào nặn nên một tác phẩm khiến người xem người phải suy ngẫm bản chất của thiện - ác.
Phim còn lồng ghép thông điệp về giá trị gia đình, nguyên tắc sống. Suốt hành trình lãnh đạo băng tội phạm, Vito Corleono không bao giờ ngừng nghĩ về vợ con. Ông luôn phân biệt rõ chuyện nhà và chuyện làm ăn, dạy các con những bài học về đạo làm người. Tác phẩm từng giành chín giải Oscar cho cả hai phần. Tờ The Guardian đánh giá Corleone là hình tượng tội phạm kinh điển xuyên suốt lịch sử điện ảnh 50 năm.