Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt thêm 7 sách giáo khoa lớp 1
Trong số 7 cuốn này, 6 cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; một cuốn môn Tiếng Anh của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ký Quyết định số 512/QĐ-BGDĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa lớp 1 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông.
Bảy sách giáo khoa được phê duyệt lần này, nâng tổng số sách giáo khoa lớp 1 được phê duyệt trong Chương trình giáo dục phổ thông mới lên 45 cuốn của 9 môn học và hoạt động giáo dục.
Cụ thể, 7 sách giáo khoa được phê duyệt lần này gồm một cuốn môn Tự nhiên xã hội (do tác giả Đỗ Xuân Hội tổng chủ biên); ba cuốn môn Giáo dục thể chất do ba tác giả tổng chủ biên là Nguyễn Duy Quyết, Phạm Thị Lệ Hằng và Hồ Đắc Sơn; hai cuốn môn Hoạt động trải nghiệm do hai tác giả Lưu Thu Thủy, Vũ Quang Tuyên tổng chủ biên và một cuốn môn Tiếng Anh do tác giả Nguyễn Thu Hiền chủ biên.
Trong số 7 cuốn này, 6 cuốn của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam; một cuốn môn Tiếng Anh của Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Bảy cuốn sách giáo khoa được Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt lần này nằm trong 8 bản mẫu sách giáo khoa của 4 môn học/hoạt động giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp nhận thẩm định tháng 10/2019.
Trong số 8 bản mẫu này, có 7 bản được tác giả chỉnh sửa, biên soạn lại theo góp ý của Hội đồng thẩm định lần 1, các Nhà xuất bản gửi về Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị thẩm định lần 2; một bản mẫu sách giáo khoa chưa kịp gửi thẩm định lần 1 cũng được nhà xuất bản tiếp tục gửi hồ sơ đề nghị thẩm định.
Theo quy định trong Thông tư 33, việc thẩm định lần 2 được tiến hành với quy trình như lần 1.
Các bản mẫu sách giáo khoa được tác giả xây dựng công phu, cẩn thận, tâm huyết trên cơ sở cụ thể hóa Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với trọng tâm là chuyển mục tiêu giáo dục từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang giúp học sinh hình thành, phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực.
Nhiều bản mẫu sách giáo khoa có quan điểm biên soạn, cấu trúc sách mới, hiện đại, tiếp cận với cách biên soạn sách của các nước tiên tiến trên thế giới nhưng vẫn bảo đảm phù hợp với điều kiện nhà trường và học sinh tiểu học Việt Nam; bảo đảm tính “mở,” linh hoạt, tạo điều kiện cho giáo viên phát huy tính chủ động, sáng tạo.
45 cuốn sách giáo khoa của 9 môn học và hoạt động giáo dục lớp 1 được phê duyệt cho phép sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020-2021 là thành công bước đầu của việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các nhà xuất bản có hình thức phù hợp cung cấp sách giáo khoa đến các địa phương kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin để thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.