Bỏ làm kỹ sư công nghệ, chàng trai khởi nghiệp thành công với nghề làm chuông gió 'chữa lành'

Nhận thấy âm nhạc có thể chữa lành cho con người, kích thích phát triển cho cây cối, anh Hồng Đức đã khởi nghiệp làm chuông gió với tần số 'đặc biệt', thành công bán ra hàng trăm nghìn sản phẩm.

Năm 2012, khi còn là một kỹ sư công nghệ, làm việc ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, anh Trần Ngọc Hồng Đức (34 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP. HCM) có cơ hội đến thăm thiền viện Chơn Không. Tại đây, anh đã được nghe những âm thanh phát ra từ chuông gió treo ở thiền viện, thứ vô tình “đánh thức” sự đam mê của anh về nghệ thuật.

Chàng trai khởi nghiệp thành công với sản phẩm chuông gió "chữa lành".

Bài liên quan

Bỏ nghề đạo diễn phim hoạt hình, chàng trai 9X khởi nghiệp thành công bằng việc làm tiêu bản xác động vật

Doanh nghiệp khởi nghiệp vượt khó trong đại dịch

Vị Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện và tâm huyết giúp chị em khởi nghiệp

Quan tâm hơn nữa để có nhiều tập thể, cá nhân phụ nữ khởi nghiệp thành công

Chàng trai cho biết, âm thanh phát ra từ các loại chuông gió trên thị trường có phần nhẹ nhàng, nhưng lại thiếu sâu lắng. Vì thế, anh liền tìm hiểu và quyết định sản xuất, kinh doanh những sản phẩm chuông gió đặc biệt hơn, theo cách của riêng mình.

Chuông gió không chỉ giúp con người chữa bệnh, giải tỏa căng thẳng mà còn kích thích cây cối phát triển.

“Mục đích lớn nhất khi làm chuông gió chính là giúp người nghe có thể bỏ bớt căng thẳng, tự chữa lành. Thay vì phải uống thuốc quá nhiều, người ta có thể nghe nhạc để tịnh tâm, từ đó khả năng khỏi bệnh sẽ nhanh hơn. Lúc đầu tìm hiểu về tần số này, tôi đã thử áp dụng vào làm ra bộ chuông gió. Khi tôi treo ngoài cửa thì nhận thấy cây cối phát triển rất tốt. Một số người sử dụng nhạc cổ điển cho cây cối nghe, chúng tôi cũng áp dụng âm thanh từ chuông gió để tạo ra ‘đạm âm nhạc’, kích thích tăng trưởng”, anh Đức nói.

Thời gian đầu, vì chưa có kinh nghiệm, nguồn lực và nguồn vốn, chàng trai gặp nhiều khó khăn, chưa dám bỏ hẳn nghề cũ để khởi nghiệp. Suốt 5 năm, anh Đức vừa làm nghề “tay phải” để nuôi dưỡng nghề “tay trái”. Đến năm 2017, anh mới sẵn sàng nghỉ hẳn công việc kỹ sư công nghệ để chuyên tâm làm chuông gió.

Chàng trai 8X đã nghiên cứu rất nhiều, để tìm ra tần số phù hợp cho sản phẩm chuông gió mang thương hiệu cá nhân.

Đi từ thất bại này sang thất bại khác, tham khảo tài liệu qua Internet, đúc kết kinh nghiệm riêng, anh Hồng Đức đã có thể tạo ra sản phẩm mang tính thương hiệu cá nhân. Loại chuông này phát ra âm thanh ở tần số 432 Hz, có công dụng chữa lành tự nhiên, rất tốt cho sức khỏe.

Vật liệu để làm chuông gió là ống nhôm, đồng, trẻ, thép, sơn tĩnh điện,… với đủ kích thước. Để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh, có âm thanh đạt chuẩn, người thợ phải thật tỉ mỉ và trải qua nhiều công đoạn phức tạp. Trước hết, anh Đức sẽ thiết kế âm thanh, chuông gió sao cho phù hợp với người nghe. Sau đó, anh sẽ cắt, khoan, mài dũa ống nhôm để đạt yêu cầu thẩm mỹ, không bị bén. Trước khi hoàn thiện, người thợ sẽ tiến hành xỏ dây, dùng lazer bắn lên ống nhôm những thông tin về sản phẩm.

Người thợ thẩm âm bằng muỗng.

Công đoạn cắt, khoan rất quan trọng, vì chỉ cần khoan không đúng vị trí thì có thể khiến tần số âm thanh bị lệch, tạo ra âm thanh khác. Để chắc chắn chuông gió đạt chuẩn, người thợ sẽ thẩm âm bằng chiếc muỗng, kiểm tra xem ống có bị trầy, xước hay không.

“Nghề này không phải ai cũng làm được. Ngoài sự tỉ mỉ, người thợ phải có khả năng cảm âm và sự thành thật. Chúng tôi không quan tâm số lượng làm bao nhiêu, mà quan tâm về chất lượng âm thanh mang đến cho người nghe. Những loại chuông này thật ra mang lại năng lượng rất mạnh. Một khi làm sai thì âm thanh có thể sẽ làm ảnh hưởng đến những vật xung quanh”, người thợ 8X nói.

Nếu người thợ không tỉ mỉ, không có khả năng cảm thanh, âm thanh có thể dễ bị "méo", gây khó chịu cho người nghe.

Phần lớn, những bộ chuông gió đều có màu đen. Mục đích của anh Đức chính là để người nghe hoàn toàn tập trung vào âm thanh, chứ không phải bận tâm về vẻ bề ngoài của chúng.

Một bộ chuông chỉ mất 30 phút để hoàn thành. Nhưng sau khi có một xưởng sản xuất khoảng 400 m2, với 5 công nhân, máy móc làm việc hết công suất, anh Đức có thể làm ra khoảng 80 bộ chuông gió/ngày. Giá thành của các bộ chuông tùy theo kích thước, độ tỉ mỉ, có thể lên đến 12 triệu đồng/bộ. Tính đến thời điểm hiện tại, anh đã sản xuất hàng trăm nghìn bộ chuông gió, phát đi các chi nhánh ở Hà Nội, Huế, TP. HCM,… và những khách hàng ở Thái Lan, Đức, Pháp, Nhật Bản,…

Công đoạn khoan lỗ và xỏ dây là hai công đoạn quan trọng nhất, quyết định chất lượng âm thanh của chuông gió.

Anh Hồng Đức chia sẻ, loại chuông gió mà anh thích nhất có tên là chuông Bạch Minh. Loại chuông này có đường kính khoảng 4cm, âm thanh có phần trầm hơn các loại chuông khác, thích hợp với những người lớn tuổi và những người làm công việc sáng tạo. Người thợ cho biết, anh rất thích nghe tiếng chuông Bạch Minh bởi nó dễ kích thích sự sáng tạo, giúp anh rất nhiều trong quá trình thiết kế sản phẩm mới.

Được biết, thời gian đầu, gia đình không ủng hộ chàng trai theo đuổi nghề làm chuông gió, vì nghề này khá kén người làm và rủi ro cao.

Làm chuông gió là nghề khá kén người theo. Anh Đức cho biết, làm chuông gió cũng như một cách để gieo duyên với người mua, thông qua những âm thanh chữa lành mà sản phẩm mang lại cho họ.

“Gia đình thì luôn muốn tôi có một công việc ổn định. Nhưng một công việc ổn định mà tôi không cảm thấy hạnh phúc thì thôi. Lúc đầu làm chuông gió có ít khách hàng lắm, nhưng khi có người cảm ơn vì đã đem lại âm thanh chữa lành cho họ, tôi thấy rất vu. Bất kỳ công việc nào cũng thế, có thể đem lại hạnh phúc cho người khác và cho chính bản thân thì mới gọi thành công”, người thợ làm chuông gió chia sẻ.

Sắp tới, anh Hồng Đức dự định sẽ mở một trung tâm trị liệu, chữa lành tránh dùng Tây dược, tập trung vào những phương pháp tự nhiên như dùng thảo mộc, yoga, khí công, âm nhạc,… Bên cạnh đó, chàng trai 8X cũng đang phát triển mô hình trồng trọt nông trại theo phương pháp “đạm âm nhạc” và “đạm điện từ trường” - thu hoạch điện trong không khí để nuôi cây trồng.

Thúy Vy

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bo-lam-ky-su-cong-nghe-chang-trai-khoi-nghiep-thanh-cong-voi-nghe-lam-chuong-gio-chua-lanh-post169682.html