Bộ LĐ-TB&XH trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Hòa Bình
Bộ LĐ-TB&XH có Văn bản số 359/LĐTBXH-VP, Văn bản số 360/LĐTBXH-VP, ngày 19/1/2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Bộ LĐ-TB&XH có Văn bản số 359/LĐTBXH-VP, Văn bản số 360/LĐTBXH-VP, ngày 19/1/2024 về việc trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Cử tri hỏi: "Ngày 15/3/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách bảo trợ xã hội (BTXH) đối với đối tượng BTXH. Tại điểm a, khoản 5, Điều 5 quy định đối tượng BTXH hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng là "Người cao tuổi (NCT) thuộc diện hộ nghèo, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng”. Tuy nhiên, tại khoản 6, Điều 2 có nêu rõ: "Người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng NCT là vợ, chồng hoặc các con, cháu của NCT và những người khác có nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình" (Điều 107, Luật Hôn nhân và gia đình quy định "nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, bác, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng”).
Thực tế hiện nay, có nhiều trường hợp NCT trên 60 đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, không có con, không còn vợ hoặc chồng và cũng không có người thân nuôi dưỡng như theo quy định tại Điều 107, Luật Hôn nhân và gia đình. Như vậy, nếu đối chiếu với quy định tại khoản 6, Điều 2, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thì những NCT từ trên 60 tuổi đến 80 tuổi nhưng không có con đẻ, con nuôi, hiện sống đơn thân, thuộc hộ nghèo ở vùng nông thôn không có cơ hội được tiếp cận chính sách BTXH theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ vì quy định người có nghĩa vụ phụng dưỡng NCT rất rộng. Do đó, cử tri đề nghị Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đề xuất Chính phủ xem xét điều chỉnh đối tượng người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng NCT hoặc có chính sách quy định cụ thể để NCT từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, không có con đẻ, con nuôi, không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng được hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP”.
Trả lời: Bộ LĐ-TB&XH xin ghi nhận ý kiến cử tri để nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp, phù hợp với khả năng bố trí ngân sách từng thời kỳ.
Cử tri hỏi: "Tại khoản 1, Điều 15 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định: "1. Việc xác định mức độ khuyết tật (MĐKT) do Hội đồng xác định MĐKT thực hiện”. Ngày 02/01/2019, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định MĐKT do Hội đồng xác định MĐKT thực hiện. Tuy nhiên, trên thực tế trong quá trình thực hiện có nhiều trường hợp sau một thời gian đã khôi phục được sức khỏe và trở lại sinh hoạt bình thường nhưng vẫn được hưởng chế độ. Do vậy, để đảm bảo công bằng, khách quan, đúng đối tượng được thụ hưởng chính sách, cử tri đề nghị Bộ LĐ-TB&XH sớm sửa đổi, bổ sung các định cho phù hợp với thực tiễn”.
Trả lời: Khoản 1, Điều 15 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định việc xác định MĐKT do Hội đồng xác định MĐKT thực hiện. Tại điểm a, khoản 2, Điều 8, Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định: "Trường hợp thay đổi dạng khuyết tật hoặc MĐKT thì phải làm thủ tục cấp lại Giấy xác nhận khuyết tật”.
Tại điểm a, khoản 1, Điều 11 Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định UBND cấp xã có trách nhiệm: "Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về xác định MĐKT. Tổ chức xác định, xác định lại MĐKT đối với người khuyết tật trên địa bàn theo quy định của pháp luật”. Mặt khác, tại điểm a, khoản 2 và điểm a, khoản 3, Điều 11, Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định, Sở LĐ-TB&XH và Phòng LĐ-TB&XH có trách nhiệm: "Hướng dẫn thực hiện, kiểm tra công tác xác định MĐKT trên địa bàn”.
Như vậy, đối với nội dung cử tri kiến nghị đã được quy định tại Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH. Đối với một số trường hợp thực hiện chưa đúng quy định tại địa phương, đề nghị cử tri có ý kiến phản ánh cụ thể với cơ quan chức năng và đề nghị Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát phản ánh của cử tri.
Tiếp thu ý kiến cử tri, Bộ LĐ-TB&XH sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm thực hiện chính sách đúng quy định.