Bộ luật Lao động 2019: Người lao động thêm nhiều quyền lợi mới

Bộ luật Lao động 2019 (có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021) có nhiều nội dung mới liên quan đến quyền lợi của người lao động.

Bộ luật Lao động 2019 đã mở rộng thêm đối tượng áp dụng là người làm việc không có quan hệ lao động. (Ảnh minh họa: VT)

Bộ luật Lao động 2019 đã mở rộng thêm đối tượng áp dụng là người làm việc không có quan hệ lao động. (Ảnh minh họa: VT)

Bộ luật Lao động 2019 quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý Nhà nước về lao động.

Đối tượng áp dụng gồm: Người lao động, người học nghề, người tập nghề và người làm việc không có quan hệ lao động; người sử dụng lao động; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Theo đó, Bộ luật Lao động 2019 đã mở rộng thêm đối tượng áp dụng là người làm việc không có quan hệ lao động.

Sau đây Lao động thủ đô sẽ trích đăng những phân tích của Luật sư Nguyễn Văn Dũng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) về những điểm mới của Bộ luật Lao động 2019 liên quan trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.

Bài 1: Chỉ còn 2 loại hợp đồng lao động

Điều 20 Bộ luật Lao động 2019 đã bỏ nội dung về hợp đồng lao động mùa vụ hoặc theo một công việc có thời hạn dưới 12 tháng, chỉ còn quy định 2 loại hợp đồng là: Hợp đồng lao động không xác định thời hạn và hợp đồng lao động xác định thời hạn.

Trong đó, hợp đồng lao động không xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng.

Riêng đối với trường hợp người lao động cao tuổi, Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với người cao tuổi thay cho việc kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới như trước đây. (Ảnh minh họa: HT)

Riêng đối với trường hợp người lao động cao tuổi, Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với người cao tuổi thay cho việc kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới như trước đây. (Ảnh minh họa: HT)

Điểm mới này nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động trốn trách nhiệm, không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động với hình thức giao kết hợp đồng lao động mùa vụ (hoặc giả cách ký hợp đồng dịch vụ, hợp đồng khoán việc thay cho hợp đồng lao động mùa vụ)…

Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.

Khi hợp đồng lao động xác định thời hạn hết hạn mà người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn, hai bên phải ký kết hợp đồng lao động mới; trong thời gian chưa ký kết hợp đồng lao động mới thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được thực hiện theo hợp đồng đã giao kết;

Nếu hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động hết hạn mà hai bên không ký kết hợp đồng lao động mới thì hợp đồng lao động xác định thời hạn đã giao kết trở thành hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

Trường hợp hai bên ký kết hợp đồng lao động mới là hợp đồng lao động xác định thời hạn thì cũng chỉ được ký thêm 1 lần, sau đó nếu người lao động vẫn tiếp tục làm việc thì phải ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Riêng đối với trường hợp người lao động cao tuổi, khoản 1 Điều 149 Bộ luật Lao động 2019 quy định người sử dụng lao động thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với người cao tuổi thay cho việc kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới như trước đây.

(Còn nữa)

Luật sư Nguyễn Văn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bo-luat-lao-dong-2019-nguoi-lao-dong-them-nhieu-quyen-loi-moi-120509.html