Bố mẹ dùng bạo lực trước mắt con trẻ: Vết thương khó lành
Không ít bậc cha mẹ vẫn cho trẻ con không biết gì, thường xuyên thể hiện những hành vi bạo lực thể xác, tinh thần đối với nhau trước mặt con trẻ. Và hậu quả là để lại trong tâm hồn non nớt của trẻ thơ những vế ố, những nỗi đau, những vết thương dai dẳng ảnh hưởng đến cả tính cách và lối sống của trẻ về sau.
Con trầm cảm vì cha mẹ hành hạ nhau
Cuối năm 2019, vụ việc một bé gái 11 tuổi nhảy lầu tự sát từ một tầng cao ở chung cư cao cấp tại Hà Nội đã khiến dư luận bàng hoàng. Không lâu sau đó, một lá thư được cho là của em nhỏ nói trên được lan truyền trên mạng xã hội, khiến cho người ta càng xót xa hơn nữa vì nguyên nhân em kết thúc cuộc sống được hé lộ: Khủng hoảng tâm lý khi chứng kiến bố mẹ thường xuyên cãi nhau.
Trong lá thư rơi nước mắt ấy là những dòng tỏ nỗi nhớ nhung của em về một gia đình hạnh phúc khi xưa, lúc ở ngôi nhà cũ, thiếu tiện nghi, cả nhà ngủ chung, cùng nhau làm việc, vui chơi. Nhưng cũng trong bức thư ấy là những dòng viết đầy buồn bã, tiếc nuối vì ngày xưa giờ không còn nữa. Vì bố mẹ không còn ngủ chung, không còn đi làm cùng nhau, bất đồng cãi vã và muốn chia tay.
Mẹ đã không còn yêu thương bố nữa. Và bố cũng không còn giành thời gian cho gia đình, giúp đỡ việc nhà, chỉ bảo con cái học hành nữa. Bé gái ấy rất yêu thương, rất trân trọng gia đình mình, nhưng em lựa chọn cái chết, để khỏi phải chứng kiến gia đình mình đi đến tan vỡ, chia lìa.
Một câu chuyện như thế, lá thư như thế đủ làm giật mình bất cứ bậc cha mẹ có phần thờ ơ nào. Rất nhiều ông bố, bà mẹ hiện nay vẫn còn rất “vô tư” trước mặt con trẻ. Họ vẫn nghĩ rằng, con trẻ thì nào đâu biết gì. Chúng là những tâm hồn non nớt, chỉ biết ăn, ngủ, học hành, cho đồ chơi là vui, dỗ dành là hết buồn, buồn thoáng là quên ngay.
Nhưng, đọc những gì một em gái 11 tuổi viết, người ta mới thấy, trong tâm hồn các em diễn ra những gì người lớn có thể sẽ không biết được. Các em hoàn toàn có thể có những nhận xét, những ghi nhận và suy nghĩ rất độc lập, rất nhạy và chững chạc. Các em cũng có thể nhận ra được cả những gì cha mẹ ẩn giấu bên trong cách hành xử, các ngôn từ giành cho nhau.
Tâm hồn trẻ thơ của các em cảm nhận được những mất mát, đổ vỡ bên trong gia đình mình. Có thể, bên ngoài các em vẫn thản nhiên, không bộc lộ suy nghĩ, cảm xúc thật, bởi chính người lớn đã chặn đứng những thổ lộ ấy, bằng thái độ, bằng những câu nói “trẻ con thì biết cái gì”. Và các em bị những điều đó gây đau đớn, sợ hãi, dẫn đến trầm cảm.
Đưa con gái 6 tuổi đi gặp chuyên gia tâm lý, chị Lê Thị Lệ Giang, ngụ tại phường 6, quận 3 (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ với chuyên gia là gia đình tìm mãi không ra nguyên nhân vì sao con mình bị rối loạn tâm lý. Cháu sợ tiếng động mạnh, đêm ngủ hay giật mình dậy khóc suốt mấy tiếng không nín.
Lên lớp, chỉ cần cô giáo mắng một tiếng, cháu lập tức hoảng loạn tinh thần, run rẩy, khóc lóc, không thể tiếp tục học được nữa. Chuyên gia tâm lý hỏi rõ, thì thấy cháu ở nhà không bị cha mẹ đánh. Gia đình cháu khá ổn, cha mẹ thi thoảng có mâu thuẫn nhưng vẫn là một đôi khá hạnh phúc. Trên lớp cô giáo cũng không bạo hành, bạn bè không ai bắt nạt cháu.
Đào sâu vào tâm tư cháu nhỏ, mới phát phiện ra, hóa ra lý do đến từ việc cha mẹ hay cãi nhau. Cả hai người đều rất nóng tính. Thi thoảng họ cãi nhau, mỗi lần cãi là thi nhau đập đồ đạc. Vợ đập nồi, chồng đập quạt. Nhiều lúc đang ăn cơm, hất luôn cả mâm cơm xuống đất.
Họ là những người dễ nóng dễ nguội, chửi nhau ầm ầm rồi lại vợ vợ chồng chồng, nhưng con gái bé nhỏ của họ thì không dễ quên như thế. Mỗi lần cha mẹ chửi nhau, cháu rất hoảng loạn thường xuyên nép vào góc nhà khóc một mình. Những tiếng đập đồ, đổ vỡ làm cháu sợ đến thắt tim. Dần dà, cháu sinh ra sợ tiếng động mạnh, tiếng quát, bởi những tiếng ấy làm cháu liên tưởng đến cảnh cha mẹ mình cãi vả chửi bới, đập đồ…
Những đứa trẻ bị nhuộm đen
Có thể thấy, trẻ con không hề “không biết gì” như nhiều người lớn vẫn nghĩ. Ngược lại, mọi hành xử, lối sống của cha mẹ đều được các em thu nạp vào tâm hồn mình. Mỗi đứa trẻ, tùy vào hoàn cảnh gia đình, nhận thức, thể trạng tinh thần, tâm lý sẽ tiếp nạp những gì mình đã nhận và thể hiện ra bằng cách thức khác nhau.
Cũng có em rơi vào khủng hoàng tâm lý, trầm cảm và hành động tiêu cực. Ngược lại, có những em bị thay đổi nhận thức về thế giới quan chung quanh mình. Có em lại biến những hành vi bạo lực mình thường được chứng kiến thành hành vi bạo lực của chính mình với những người chung quanh.
Ông bà Trần Văn Tiến, Nguyễn Thị Thu Thanh, ngụ ở Long Phước, quận 9 (T.P Hồ Chí Minh) đau đầu vì con trai đã lớn mà không muốn có bạn gái, cũng không có ý định lập gia đình. Anh này thường tuyên bố: Lấy vợ không có gì vui, sẽ không bao giờ lấy vợ. Thậm chí, ai nhắc đến chuyện vợ con là anh gạt phắt đi như thứ gì đó đáng sợ lắm.
Hóa ra, nguồn cơn từ việc anh này thường xuyên chứng kiến cảnh mẹ mình chì chiết, nhiếc móc cha. Ông Tiến là người làm nghề trồng cây kiểng, hiền lành, chịu khó, thậm chí có phần nhu nhược. Bà vợ buôn bán rau ngoài chợ, rất khó tính. Từ nhỏ, anh con trai đã thường xuyên chứng kiến cảnh mẹ mình suốt ngày tìm mọi cách la mắng, chửi bới cha.
Từ chuyện kiếm không được nhiều tiền, đàn ông vô dụng đến chậm chạp, không nhạy bén làm ăn. Thi thoảng, ông đi nhậu với bạn, trở về bà không cho vô phòng mà nằm sàn ngoài phòng khách. Anh cũng chứng kiến cảnh cha mình rất nhiều lần mệt mỏi, tiều tụy, ra sau nhà ngồi hút thuốc một mình như có điều uất ức, dồn nén không nói được cùng ai.
Dù sau này về già, bà đã đỡ hung dữ đi nhiều, nhưng những gì người mẹ bạo hành tinh thần người cha vẫn để lại vết hằn trong tâm trí anh, khiến anh dần có ác cảm với phụ nữ, sợ hãi, ghét bỏ chuyện lập gia đình.
Thời gian gần đây, người ta chứng kiến nhiều vụ việc bạo hành học đường mà ở đó, thủ phạm và nạn nhân đều là những em vị thành niên, còn ở tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Thế mà, những đòn đánh các em dành cho bạn bè mình thật đáng kinh sợ, nó đầy tính bạo lực, thù hằn, đả thương đối phương không nương tay.
Nhiều nghiên cứu tâm lý chỉ ra rằng, những đứa trẻ chứng kiến cảnh cha mẹ, người nhà bạo hành tinh thần, thể xác với nhau sẽ lặp lại hành vi ấy với những người chung quanh mình. Dần dà, đứa trẻ ấy cũng bị “nhuộm đen” cũng trở thành một thủ phạm chuyên đi bạo hành người khác. Có em trở nên hung dữ, lấn lướt, chuyên dùng lời lẽ hàm hồ để trấn áp bạn bè.
Có em trở nên bạo ngược, tự mình lập thành băng nhóm hiếp đáp bạn bè, thậm chí đối chọi với cả thầy cô giáo. Các em không biết phân biệt đúng sai, thường dùng bạo lực để giải quyết mọi việc. Tất cả chỉ vì nhận thức lệch lạc do chứng kiến cảnh cha mẹ bạo hành thể xác, tinh thần nhau thường xuyên mà ra.
GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển, Chủ tịch Quỹ Văn hiến Việt Nam cho biết, ảnh hưởng của bạo lực gia đình đến tâm lý và sự phát triển của trẻ em là một thực tế. Cả thế giới và Việt Nam đã nghiên cứu từ lâu, với kết luận rằng bạo lực gia đình sẽ ảnh hưởng đến hình thành nhân cách của trẻ nhỏ.
Trong nhiều nghiên cứu của thế giới đã kết luận, khi bé trai chứng kiến bạo lực gia đình từ bé, ban đầu trẻ sẽ hoảng hốt. Nhưng về sau trẻ sẽ hình thành thói quen ứng xử với người vợ sau này. Còn với bé gái thì trở nên nhút nhát, mất tự tin và lo sợ trước về cuộc đời sau này. Tất cả những gì trẻ chứng kiến sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới cuộc đời sau này.
Trẻ con, tưởng không biết gì, nhưng thực ra “biết hết”. Dù con không cảm nhận được bằng nhận thức, tư duy thì bằng sự nhạy cảm, bằng trái tim mình, con hiểu những vấn đề đang diễn ra trước mắt. Đứa trẻ lớn lên giữa những lời mắng nhiếc, những cuộc ẩu đả, tâm hồn bị nhuộm đen, trái tim bị tổn thương, nhân cách rất có thể bị lệch lạc.
Ngược lại, trẻ được sống trong sự êm ái, những lời dịu dàng, cách đối đãi ân cần của người nhà với nhau, ắt hẳn sẽ là đứa trẻ vui vẻ, hạnh phúc, giàu yêu thương. Quan trọng là ở sự lựa chọn hành vi của cha mẹ như thế nào mà thôi.