Bộ nào cũng muốn có quỹ riêng
Nhiều bộ, ngành cài cắm quỹ trong luật nhưng khi tiền trong quỹ xài không hết thì đem gửi ngân hàng lấy lãi…
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về các bất cập trong hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách (quỹ TCNNS), đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Hoàng Văn Cường (ảnh), Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, cho rằng chính vì lợi ích cục bộ đã dẫn tới hiện trạng luật nào cũng cài cắm việc thành lập quỹ, bộ ngành nào cũng mong có quỹ…
Nhiều quỹ, lãng phí nguồn lực
. Thưa ông, báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ TCNNS giai đoạn 2013-2018 cho thấy nhiều bất cập, trong đó nổi cộm nhất là vấn đề gì, nó ảnh hưởng thế nào?
Ông Hoàng Văn Cường
+ Ông Hoàng Văn Cường: Thứ nhất, hiện nay từ trung ương đến địa phương đều có rất nhiều loại quỹ TCNNS. Số lượng quỹ rất nhiều nhưng lại không có quy chế, cơ chế quản lý thống nhất mà mỗi quỹ có cơ chế hoạt động riêng dẫn tới sự quản lý không thống nhất, thiếu chặt chẽ.
Thứ hai, việc có quá nhiều quỹ đã phát sinh bộ máy quản lý chồng chéo, cồng kềnh, phát sinh thêm chi phí vận hành. Tôi lấy ví dụ, mỗi tỉnh có đến 3-40 quỹ, mỗi quỹ có một bộ máy để hoạt động, lại phải có đại diện ở một số đơn vị nhất định. Thực tế, có lãnh đạo đơn vị ở địa phương phải tham gia quản lý 4-5 quỹ, tạo nên sự cồng kềnh, chồng chéo trong quản lý trong khi quy mô của quỹ này nhỏ.
Thứ ba, phần lớn các quỹ có nguồn vốn hình thành từ ngân sách mà ít huy động từ nguồn khác. Vì vậy nói là quỹ ngoài ngân sách nhưng thực chất vẫn là tiền từ nguồn ngân sách. Có quỹ ngân sách cấp tiền xong rồi không tiêu được, vẫn nằm ở đó trong khi ngân sách còn hạn hẹp thì đây chính là sự lãng phí về nguồn lực. Thực tế cho thấy có nhiều quỹ thực hiện nhiệm vụ chi thấp, tồn đọng lớn phải gửi ở kho bạc hoặc ngân hàng (tùy theo nguồn thu từ ngân sách, doanh nghiệp, người dân). Dù gửi ở đâu thì cũng chứng tỏ nguồn tiền của quỹ sử dụng không hiệu quả. Vì tiền đó mục tiêu không phải để gửi ngân hàng hay kho bạc để lấy lãi. Đồng tiền đó là để chi theo mục tiêu lập quỹ đã đề ra. Nhiều hoạt động của ngành, địa phương không có tiền đầu tư nhưng tiền cấp cho quỹ thì… “đóng băng”, nằm yên ở đấy. Đây chính là bất cập lớn nhất.
. Theo ông, vì sao lại phát sinh hiện tượng có quá nhiều quỹ TCNNS đang tồn tại?
+ Nguyên nhân tình trạng sinh ra nhiều quỹ là do xây dựng luật mỗi luật đều kèm theo quy định hình thành quỹ để triển khai, thực thi nhiệm vụ của luật đó. Mỗi luật lại do một đơn vị bộ, ngành nào đó trực tiếp phụ trách triển khai chính. Vì thế đương nhiên các bộ, ngành này muốn duy trì các quỹ này để có một nguồn kinh phí chủ động để triển khai một số nội dung quy định cho bộ, ngành đó phụ trách. Việc bộ, ngành đề nghị thành lập quỹ, lồng vào nội dung của luật và mong muốn giữ lại quỹ là chuyện đương nhiên và thể hiện sự cục bộ của mỗi ngành, lĩnh vực. Và Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH đi giám sát thấy các bất cập trong quản lý, sử dụng các quỹ này là đề xuất các giải pháp, trong đó có bỏ, sáp nhập một số quỹ là để tạo sự quản lý thống nhất.
Bỏ bớt quỹ để ngân sách tập trung
. Báo cáo giám sát của UBTV QH đề nghị có lộ trình bãi bỏ một số quỹ. Theo ông, việc bỏ các quỹ này sẽ đem lại lợi ích gì cho Nhà nước, doanh nghiệp, người dân…?
+ Như tôi đã phân tích, phần lớn tiền ban đầu hình thành quỹ là do ngân sách cấp. Bây giờ bỏ các quỹ thì đương nhiên ngân sách không phải bỏ tiền để cấp nữa, vì thế ngân sách sẽ tập trung, không bị phân tán. Đồng thời giảm các chi phí cho hoạt động của bộ máy quỹ.
48 là số quỹ hiện có trên cả nước, trong đó quỹ của trung ương là 28 và địa phương là 20. (Theo Bộ Tài chính)
Mặt khác, nhiều hoạt động không phải ngân sách trực tiếp thu nhưng mà có nguồn thu giống như là ngân sách giống như quỹ bảo trì đường bộ do người dân sử dụng phương tiện giao thông đóng góp. Chính vì vậy việc bỏ quỹ này để đưa nguồn thu vào ngân sách, chi theo quy định của luật ngân sách thì sẽ chặt chẽ, minh bạch hơn.
. Theo ông, cần phải làm gì để khắc phục những bất cập trong quản lý hoạt động của các quỹ TCNNS?
+ Trước hết phải rà soát lại các quỹ để xem xét giữ cái nào, bỏ cái nào. Quỹ nào hoạt động thực sự hiệu quả, rõ ràng, minh bạch thì nên để. Ví dụ như quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… là những quỹ có mục tiêu, nội dung, cơ chế hoạt động rõ ràng, thường xuyên thì nên duy trì. Đối với những quỹ duy trì cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan để có căn cứ quản lý, giám sát để quỹ hoạt động hiệu quả, minh bạch hơn. Ngược lại, những quỹ không cần thiết, phân tán, hoạt động không hiệu quả thì phải bỏ, hoặc chuyển sang hình thức khác để tập trung vào nguồn thu ngân sách và chi theo quy định của luật ngân sách như thế sẽ chặt chẽ hơn.
. Xin cám ơn ông.
CÁC ĐẠI BIỂU LÊN TIẾNG
Cần lộ trình bỏ, để lại quỹ
Từ kết quả giám sát, Ủy ban Thường vụ sẽ ban hành một nghị quyết về đánh giá hiệu quả của các quỹ, kết quả mặt được và những hạn chế, tồn tại và đưa ra định hướng là cần phải rà soát, đánh giá thật kỹ từng quỹ. Đề nghị Chính phủ trên cơ sở rà soát, đánh giá lại thì xây dựng một kế hoạch, một lộ trình để sắp xếp, sáp nhập hay giải thể, có một kế hoạch và lộ trình chứ đừng đưa vào đây là giải thể quỹ nào sẽ rối loạn kinh tế-xã hội, gây tác động mà chúng ta chưa lường được!
Chủ tịch QH NGUYỄN THỊ KIM NGÂN
Bỏ loại quỹ “cài, cắm” trong luật
Trong quá trình làm việc, trao đổi với đoàn giám sát, chúng tôi cho rằng một trong những nguyên tắc quan trọng là phải lấy Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 làm căn cứ để có định hướng sắp xếp. Như quỹ bảo trì đường bộ đã được “cài” trong Luật Giao thông đường bộ 2008, trong Nghị định 18 Chính phủ.
Bộ Tài chính hai lần báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng đề nghị bỏ quỹ này. Thực tế Thủ tướng đã đồng ý và giao cho Bộ GTVT sửa Nghị định 18 cũng như sửa quyết định của Thủ tướng về thành lập quỹ bảo trì đường bộ. Thực tế quỹ này tuy vẫn còn nằm trong Luật Giao thông đường bộ 2008 nhưng không còn tồn tại nữa vì chúng ta đã đưa hết vào ngân sách.
Bộ trưởng Bộ Tài chínhĐINH TIẾN DŨNG
Ba nguyên tắc sắp xếp, loại bỏ quỹ
Có 19 quỹ do luật định nhưng cũng có quỹ do luật định đến chục năm không ra được, như quỹ phát triển du lịch ra đời đến chục năm theo Luật Du lịch cũ nhưng không thành lập được trên thực tế. Quỹ điện ảnh, Luật Điện ảnh ra đời cũng không ra được quỹ, bởi vì không biết nguồn thu ở đâu.
Hiện có những thứ thu giống như quỹ nhưng không phải quỹ. Nhưng ngược lại có cái gọi là quỹ nhưng nó lại là doanh nghiệp. Ví dụ quỹ hỗ trợ phát triển phụ nữ nghèo là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam quản lý.
Khi rà soát, cần có lộ trình để sắp xếp lại các quỹ theo mấy nguyên tắc:
1. Quỹ nào đã hoàn thành nhiệm vụ thì cho chấm dứt.
2. Quỹ nào hoạt động không hiệu quả, không cân đối được nguồn thu thì cho chấm dứt hoặc giải thể, hoặc bãi bỏ.
3. Có thể có hình thức sáp nhập hoặc bãi bỏ có lộ trình các quỹ…
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luậtNGUYỄN KHẮC ĐỊNH
Cần cuộc cách mạng về quỹ
Lâu nay việc bỏ các quỹ TCNNS không thực sự cần thiết là điều rất khó vì luật nào ra cũng muốn có quỹ, bộ nào quản lý cũng muốn duy trì quỹ. Báo cáo giám sát về các quỹ TCNNS mong muốn sự chuyển động để “làm một cuộc cách mạng về các quỹ”, từ đó khắc phục được những bất cập và để hoạt động của các quỹ TCNNS hiệu quả, minh bạch hơn.
ĐBQH NGUYỄN HỮU QUANG, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH, Phó trưởng Đoàn giám sát
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/bo-nao-cung-muon-co-quy-rieng-853120.html