Bộ, ngành Tư pháp phát triển cùng đất nước
Hòa chung không khí rộn ràng, vui tươi của cả nước trong những ngày tháng Tám mùa thu lịch sử và khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thế hệ cán bộ Tư pháp hôm nay càng thêm tự hào về truyền thống suốt 74 năm qua của Bộ, ngành.
Trọng trách được giao trong Chính phủ lâm thời
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, ngày 28/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ra lời Tuyên cáo thành lập Chính phủ.
Tuyên cáo nêu rõ: “Nhiệm vụ của Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam hết sức nặng nề. Làm sao cho Chính phủ lâm thời tiêu biểu được Mặt trận dân tộc thống nhất một cách rộng rãi và đầy đủ. Bởi vậy Ủy ban Dân tộc giải phóng đã quyết định tự cải tổ, mời thêm một số nhân sĩ tham gia Chính phủ đặng cùng nhau gánh vác nhiệm vụ nặng nề mà quốc dân giao phó.
Chính phủ lâm thời là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn thể, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ cộng hòa chính thức”. Trong Chính phủ lâm thời có Bộ Tư pháp do ông Vũ Trọng Khánh làm Bộ trưởng.
Cùng cả nước tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, vào cuối năm 1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tư pháp và nhiều Bộ, ngành Trung ương dời Thủ đô Hà Nội lên Việt Bắc. Tuyên Quang là địa danh vinh dự được Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Bác Hồ chọn làm Trung tâm cách mạng của cả nước và được đồng bào cả nước gọi là “Thủ đô Kháng chiến”.
Thôn Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang là một địa danh lịch sử của Thủ đô kháng chiến năm xưa, nơi hội tụ linh khí của một miền sơn cước giàu truyền thống cách mạng với đồi Cao, đình Thanh La, suối Lê...
Đây cũng là nơi đặt trụ sở đầu tiên của Bộ Tư pháp khi dời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc giai đoạn 1949 – 1951. Thời gian đóng trụ sở tại Tuyên Quang không nhiều, nhưng đây lại chính là khoảng thời gian diễn ra những sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng của đất nước và của ngành Tư pháp.
Những ngày ở Thủ đô kháng chiến
Tại nơi đây, trong những năm kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, dưới sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự đùm bọc, che chở đầy tình nghĩa của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang, những cán bộ Tư pháp thế hệ đầu tiên đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, lãnh đạo công tác Tư pháp trong toàn quốc; giúp Đảng, Chính phủ ban hành nhiều chính sách pháp luật và duy trì công tác công tố, xử án, góp phần quan trọng vào việc giữ vững chính quyền nhân dân, kháng chiến, kiến quốc thắng lợi.
Cũng tại nơi đây, với chức năng quản lý thực hiện công tác Tư pháp, bao gồm cả hệ thống tòa án và công tố, Bộ Tư pháp đã đề xuất trình Chủ tịch Hồ Chí Minh ký các Sắc lệnh về cải cách bộ máy tư pháp và pháp luật tố tụng theo hướng dân chủ hóa, làm cho Tư pháp thật sự gần dân và giúp dân.
Năm 1950, với nhiệm vụ bồi dưỡng, tập huấn cho thẩm phán, luật sư, công tố viên và cán bộ Tư pháp khác về tư duy chính trị pháp lý mới phục vụ nhân dân, Hội nghị học tập của cán bộ Tư pháp đã vinh dự được đón Bác Hồ tới thăm và nói chuyện.
Đề cập đến trách nhiệm của cán bộ Tư pháp, Bác nói: “Vấn đề Tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ.
Như vậy thì phải đấu tranh cách mạng, trước mắt phải đánh đuổi bọn thực dân xâm lược, đánh đổ bọn Việt gian phản quốc, bọn bù nhìn tay sai của đế quốc thực dân. Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch.
Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung tòa án. Phải gần dân, hiểu dân , giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ…
Tóm lại, các chú phải công bằng, liêm khiết, trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân”.
Những lời chỉ dạy của Bác tại Hội nghị này về bản chất công tác Tư pháp, về cốt cách, bản lĩnh của người cán bộ Tư pháp đã trở thành định hướng có ý nghĩa cốt yếu, nền tảng của sự nghiệp xây dựng, trưởng thành của ngành Tư pháp Việt Nam.
Nỗ lực vươn lên khẳng định vị thế Bộ, ngành Tư pháp
Trải qua 74 năm xây dựng và trưởng thành (1945 – 2019), vị thế Bộ, ngành Tư pháp ngày càng khẳng định mà lớp cán bộ ngày nay nhận thức rõ chính là nhờ sự hy sinh, nỗ lực, bền bỉ của các thế hệ cán bộ đi trước và một quá trình không ngừng học tập, làm theo những lời dạy của Bác.
Khó có thể kể hết được những thành tựu của Bộ, ngành Tư pháp trong 74 năm qua đóng góp vào sự lớn mạnh, phồn vinh của đất nước. Tuy nhiên, với nhiệm kỳ hiện nay của Bộ Tư pháp (tương ứng với nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV), có thể khẳng định các kết quả đạt được là hết sức tích cực, điển hình như công tác xây dựng pháp luật, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp…
Trong đó, ý kiến, tiếng nói của Bộ trong thẩm định văn bản quy phạm pháp luật ngày càng nâng cao chất lượng, được lắng nghe nhiều hơn; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật đã có nhiều chương trình, đề án do Bộ Tư pháp trình đã được thông qua, có hướng tới đề xuất xây dựng Luật về thi hành pháp luật. Đối với công tác kiểm tra văn bản thì thực sự làm tốt vai trò “gác cổng”, được dư luận hết sức quan tâm…
Một điểm nổi bật nữa là tổ chức bộ máy của Bộ nói chung cơ bản ổn định, điều này rất cần thiết cho sự phát triển vững mạnh của Bộ, ngành Tư pháp, hướng tới kỷ niệm 75 – 80 năm Ngày thành lập Ngành đạt nhiều thành tựu hơn, đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay.
Mặc dù vẫn còn những khó khăn, thách thức phải đối diện nhưng được “ngọn lửa” truyền thống tiếp sức, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long luôn nhấn mạnh toàn Ngành quyết tâm giữ vững tinh thần nhất trí, đồng lòng, đam mê công tác chuyên môn, nghề nghiệp, xây dựng hình ảnh Bộ đoàn kết, làm việc chuyên nghiệp và lối sống tình cảm.
Kỷ niệm Ngày thành lập Ngành và thiết thực chào mừng 74 năm Quốc khánh 2/9, trong những ngày vừa qua, các hoạt động tri ân, kỷ niệm đã diễn ra sôi nổi trên khắp cả nước. Nhân Ngày thành lập Ngành, Lãnh đạo Bộ Tư pháp ân cần thăm hỏi các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ, gia đình các đồng chí cố Lãnh đạo Bộ, lãnh đạo các đơn vị; dâng hương tại Khu Di tích của Bộ Tư pháp tại xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang; gặp mặt thân mật các cán bộ hưu trí ôn lại truyền thống của Ngành…
Các phương tiện thông tin đại chúng trong và ngoài ngành Tư pháp đẩy mạnh tuyên truyền về truyền thống 74 năm xây dựng và phát triển của Ngành, về vị trí, vai trò của Ngành trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Chính phủ kiến tạo, phục vụ; phổ biến, tuyên truyền các phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến làm nòng cốt cho các phong trào thi đua.
Công đoàn Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công Giải thể thao chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam với 4 môn: kéo co, bóng đá, cầu lông, bóng bàn.Việc tổ chức các hoạt động thể thao này còn nhằm động viên, khuyến khích phong trào rèn luyện, nâng cao sức khỏe, cũng như tăng cường giao lưu, đoàn kết giữa các cán bộ, công chức, viên chức cơ quan Bộ Tư pháp.